28/12/2024

Mỹ – Trung ‘khẩu chiến’ dữ dội tại Alaska

Mỹ – Trung ‘khẩu chiến’ dữ dội tại Alaska

Giới chức Mỹ và Trung Quốc đã có những phản bác gay gắt trong cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Phái đoàn Trung Quốc (trái) và Mỹ hội đàm tại Alaska ngày 19.3 (theo giờ Việt Nam) /// REUTERS
Phái đoàn Trung Quốc (trái) và Mỹ hội đàm tại Alaska ngày 19.3 (theo giờ Việt Nam) REUTERS
Reuters đưa tin hai phái đoàn ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc ngày 19.3 (theo giờ Việt Nam) đã có “màn chào hỏi đầy ấn tượng” với báo giới trước khi bước vào phiên họp kín. Cuộc hội đàm cấp cao Mỹ – Trung diễn ra 2 ngày tại TP.Anchorage (bang Alaska, Mỹ) với sự tham gia của Ngoại trưởng Antony Blinken cùng Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đại diện phía Mỹ. Phía Trung Quốc cử Ủy viên Bộ Chính trị – Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị góp mặt.

Gay cấn từ những phút đầu

Ngay từ những phút đầu gặp mặt, hai bên liên tục chỉ trích nhau kịch liệt. Theo BBC, Ngoại trưởng Mỹ mở đầu bằng cách cam kết “sẽ nêu những lo ngại về các hành vi của Trung Quốc, bao gồm Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, những cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và cưỡng ép kinh tế nhằm vào các đồng minh” trong cuộc họp kín giữa hai bên.
Ông Blinken nhấn mạnh: “Mỗi hành động này đều đe dọa trật tự dựa trên pháp luật vốn duy trì sự ổn định toàn cầu… Việc thay thế trật tự dựa trên pháp luật bằng trật tự mà kẻ mạnh là đúng đắn và kẻ thắng có tất cả sẽ là một thế giới bạo lực và bất ổn hơn nhiều cho tất cả chúng ta”.
Đáp lại, trong bài phát biểu dài 15 phút, ông Dương tố Washington sử dụng “sức mạnh quân sự và bá quyền tài chính nhằm mở rộng thẩm quyền và chèn ép các nước khác”. “Mỹ lạm dụng cái gọi là an ninh quốc gia để cản trở giao thương bình thường và kích động một số nước công kích Trung Quốc”, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc nói. Ông Dương còn đánh giá nhân quyền ở Mỹ đang ở mức thấp, với việc người da đen bị giết hại.
Ông Sullivan phản pháo lại, nói rằng Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, song nói thêm: “Chúng tôi sẽ luôn bảo vệ các nguyên tắc cho người dân và cho bạn bè của chúng tôi”, theo Reuters.
Màn công kích qua lại diễn ra trước giới truyền thông kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, trước khi hai bên bước vào cuộc hội đàm kín. Nguyên nhân là khi báo chí đang rời phòng theo sau phát biểu của phía Trung Quốc, ông Blinken đã mời họ nán lại để chứng kiến ông phản pháo. Rồi phía Trung Quốc cũng mong muốn có cơ hội đáp trả.

Tố cáo nhau phát biểu “lố giờ”

Theo BBC, phái đoàn Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm quy ước được thống nhất trước đó là mỗi bên có 2 phút phát biểu khai mạc. Một quan chức chính quyền Mỹ sau đó nhận xét với báo giới rằng phái đoàn Trung Quốc có ý định “làm màu” để hướng đến khán giả ở trong nước, theo Reuters.
Trong các phát biểu sau đó thông qua truyền thông nhà nước, giới chức Trung Quốc cáo buộc chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc vi phạm quy ước về 2 phút phát biểu khai mạc. “Phía Mỹ, bên phát biểu trước, đã vi phạm nghiêm trọng thời gian dự định trong phát biểu khai mạc, đưa ra những sự công kích, cáo buộc vô lý về các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, và kích động tranh cãi. Đây không phải là cách đãi khách và vi phạm các giao thức ngoại giao”, theo một quan chức Trung Quốc.
Tuy nhiên, “sau màn khẩu chiến, Ngoại trưởng Blinken đã mở đầu cuộc thảo luận và cả hai bên ngay lập tức bắt tay vào công việc”, một quan chức cấp cao Mỹ kể về cuộc hội đàm kín. Theo Reuters dẫn lời quan chức này, cuộc thảo luận giữa hai bên diễn ra “thực chất, nghiêm túc và trực tiếp”. Quan chức này cho hay trong phiên hội đàm đầu tiên, phía Mỹ đã đưa ra thông tin về các mối quan tâm và ưu tiên của mình, và đã nghe những vấn đề tương tự từ phía Trung Quốc.
Căng thẳng khó hạ nhiệt
Một dấu hiệu cho thấy căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung chưa thể sớm hóa giải là hai phái đoàn không cùng dùng bữa như thường thấy trong các cuộc gặp khác, theo tờ South China Morning Post. Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 19.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng có rất nhiều đối đầu tại cuộc đàm phán song phương ở Alaska, và đó không phải là điều mà Bắc Kinh mong muốn, theo Reuters.
CHÂU AN
TNO