28/12/2024

Ngăn chặn bạo lực chống người Mỹ gốc Á, ông Biden phải gọi cho lãnh đạo FBI

Ngăn chặn bạo lực chống người Mỹ gốc Á, ông Biden phải gọi cho lãnh đạo FBI

Đến nay vẫn chưa rõ động cơ đích thực của kẻ xả súng giết 8 người, bao gồm 6 phụ nữ gốc Á, ở các tiệm spa của thành phố Atlanta, bang Georgia, nhưng rõ ràng cộng đồng người gốc Á ở Mỹ lại có thêm một lý do để lo sợ.

Ngăn chặn bạo lực chống người Mỹ gốc Á, ông Biden phải gọi cho lãnh đạo FBI - Ảnh 1.

Jesus Estrella, 21 tuổi, tham gia kêu gọi chấm dứt thù hằn đối với người gốc Á ở tiệm Gold Spa, bang Georgia, ngày 17-3 – Ảnh: REUTERS

Nghi phạm Robert Aaron Long, 21 tuổi, hôm 17-3 đã khai với các điều tra viên rằng hắn thường tới massage và nổ súng giết người tại 3 tiệm spa để xả cơn giận dữ xuất phát từ việc “nghiện tình dục”. Dù vậy, các điều tra viên cho biết họ không loại trừ khả năng hắn có động cơ thù hằn sắc tộc.

Nhiều quan chức ở Atlanta và khắp nước Mỹ cũng cho rằng không thể phớt lờ vụ việc khi hầu hết các nạn nhân là người châu Á.

“Bạo lực có động cơ chủng tộc nên được chỉ mặt gọi tên và chúng ta phải ngừng bào chữa, đổi tên nó thành chứng lo âu kinh tế hoặc nghiện tình dục. Là một phụ nữ da đen và gốc Hàn, tôi nhận thức sâu sắc về cảm giác bị bỏ mặc” – báo New York Times dẫn lời nghị sĩ Marilyn Strickland, thành viên Đảng Dân chủ của bang Washington, phát biểu tại Quốc hội Mỹ hôm 17-3.

Tại Washington, Tổng thống Joe Biden và cấp phó Kamala Harris nói rằng các hành động bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á vài tháng qua là “rất đáng lo ngại”.

Theo Đài NBC News, ông Biden cho biết đã gọi điện nói chuyện với các quan chức Bộ Tư pháp và giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Trong khi đó, nghị sĩ Judy Chu của bang California cũng cảnh báo về hậu quả của việc bài xích người gốc Á. “Hãy đứng lên, lên án bạo lực và giúp chúng tôi chấm dứt sự căm ghét người châu Á”, bà Chu viết trên Twitter.

Theo các quan chức Mỹ, các hành vi bạo lực nhắm vào người gốc Á đã gia tăng nhiều trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 gây ra bởi virus corona chủng mới mà cựu tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là “virus Trung Quốc”.

Tội phạm thù ghét người Mỹ gốc Á tại 16 thành phố lớn ở Mỹ tăng 149% từ năm 2019 đến 2020, theo báo cáo tháng 3 của Trung tâm Nghiên cứu thù ghét và cực đoan của Mỹ.

Vụ xả súng ở Atlanta bắt đầu khoảng 17h ngày 16-3 tại tiệm Youngs Asian tại quận Cherokee khiến 4 người thiệt mạng. Một giờ sau đó, cảnh sát phát hiện 3 người chết tại tiệm Spa Gold và 1 phụ nữ chết trong một tiệm spa gần đó thuộc Atlanta.

Hung thủ Long bị buộc 8 tội danh giết người và 1 tội hành hung nghiêm trọng.

“Bây giờ rất nhiều người sợ ra khỏi nhà. Họ sợ phải ra ngoài” – ông Max Leung, lãnh đạo nhóm SF Peace Collective tham gia tuần tra bảo vệ cộng đồng gốc Á ở San Francisco, nói sau vụ việc ở Atlanta.

Còn Sierra Houang, sinh viên công nghệ ở Georgia, nói cô ít khi bị phân biệt vì thường được coi là da trắng, nhưng “ông bà và cha tôi (là người Đài Loan) phải chịu gánh nặng rất lớn”. “Họ phải làm việc cật lực để tôi không phải chịu giống như họ”, Houang nói khi đến đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng.

TRẦN PHƯƠNG
TTO