Học gì để ra trường không phải… ngồi không?
Học gì để ra trường không phải… ngồi không?
‘Học ngành tài chính ngân hàng ra trường có việc làm không?’, ‘Xin tư vấn cho em ngành có việc làm ổn định, lương cao. Em thấy nhiều người học ĐH xong cũng ngồi không, nên em sợ’…
Trong cái nắng dịu Tây Nguyên đầu tháng 3, những đoàn học sinh nô nức đến Trường THPT Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) nghe tư vấn, đặt ra nhiều câu hỏi thật thà nhưng rất sát sườn. Đến dự buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp sáng 14-3 không chỉ có học sinh khối 12 mà rất đông học sinh khối 10, 11.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) và Sở GD-ĐT Đắk Lắk phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Không dám thi ĐH vì sợ ra trường ngồi không
Bạn Lê Trung Hiếu, lớp 12A2 Trường THPT Buôn Hồ, thắc mắc: “Học ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ra trường có việc làm không? Nếu có thì lương bao nhiêu một tháng?”.
Còn bạn Nguyễn Bảo Hưng, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Hai Bà Trưng, bối rối đặt câu hỏi: “Học ngành quản trị kinh doanh xong sẽ tập trung vào lĩnh vực nào? Mình học ngành gì thì phù hợp với sự phát triển của xã hội?”.
Câu hỏi của một nam sinh khác khiến cả sân trường ồ lên: “Xin tư vấn cho em chọn ngành gì ra trường có việc làm ổn định, lương cao. Em thấy nhiều người học ĐH xong cũng ngồi không, nên em sợ”…
Đáp lại những câu hỏi, những băn khoăn rất thực tế của học sinh, ban tư vấn đã gợi mở cho các bạn bằng những câu chuyện cụ thể về định hướng ngành nghề. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết ngành tài chính ngân hàng là một trong những ngành “hot” trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của thị trường tài chính.
Thầy Bảo khẳng định: “Nếu các bạn chuẩn bị cho mình thái độ học tập nghiêm túc, lựa chọn được địa chỉ đào tạo bắt kịp xu hướng xã hội thì dù học ngành nào cũng có cơ hội việc làm tốt.
Riêng ngành quản trị kinh doanh dù đào tạo quản lý nhưng thực tế học ngành này ra trường có thể biết làm ăn, biết cách khởi nghiệp, có khả năng tổ chức một doanh nghiệp nhỏ. Lợi thế của sinh viên học quản trị kinh doanh là có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực, của nhiều loại hình doanh nghiệp nên rất dễ tìm việc”.
Theo ThS Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, ngành học đa dạng nghề nghiệp hiện nay là ngành luật. Nếu chọn học ngành luật, sinh viên ra trường có thể làm luật sư, công chứng, thừa phát lại, các cơ quan nhà nước (các sở ban ngành), tòa án, viện kiểm sát, thi hành án…
Chọn ngành theo xu hướng thời đại
Nhiều bạn trẻ tỏ ra rất quan tâm đến sự chuyển đổi cơ cấu việc làm, sự mất đi của nhiều vị trí công việc và làm sao để chọn được ngành học phù hợp trong xu thế xã hội phát triển nhanh chóng hiện nay.
Bạn Hà Thị Mỹ Hiền, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Hai Bà Trưng, thắc mắc: “Khi chọn thi khối B, thí sinh thường chú trọng chọn ngành y khoa, dược, xét nghiệm, điều dưỡng… Em muốn tìm hiểu thêm ngành y học dự phòng, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm của ngành này ra sao? Học y học dự phòng có thể ứng dụng được gì trong cuộc sống?”.
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho biết ngành y học dự phòng và ngành y tế công cộng đào tạo kiến thức thiên về phòng bệnh hơn là chữa bệnh.
“Ví dụ trong thời gian qua xảy ra đại dịch COVID-19, tất cả nhân viên y tế trực tiếp làm công tác phòng chống dịch phần lớn đều là những cán bộ y học dự phòng. Sinh viên tốt nghiệp y học dự phòng sẽ được nhận bằng bác sĩ y học dự phòng, thời gian học trong 6 năm. Sinh viên ngành này ra trường có thể làm việc ở bệnh viện, các cơ quan y tế, đơn vị phòng chống bệnh tật… ” – thầy Khôi cho biết.
Giải đáp chung cho nhiều học sinh quan tâm tới ngành công nghệ kỹ thuật ôtô, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho hay đây là một trong những ngành rất “hot”.
Thầy Dũng cho rằng: “Đời sống kinh tế đất nước phát triển, đường sá cũng nhiều và tốt hơn trước nên người dân sắm ôtô ngày càng nhiều. Chính vì vậy các dịch vụ liên quan đến ôtô ngày càng nhiều, nhu cầu nhân lực ngành này cũng ngày càng lớn.
Tuy nhiên, muốn theo học ngành ôtô thì các em cần xem mình có thật sự thích ngành này hay không. Công việc của ngành ôtô rất đa dạng: đăng kiểm, hải quan, đại lý ôtô… nhưng do có nhiều trường đào tạo nên khả năng 4 năm tới số kỹ sư ôtô vượt quá nhu cầu thị trường lao động, vì thế các em cần phải học tốt mới dễ tìm việc”.
Lối ra cao đẳng
Tư vấn cho các bạn quan tâm tìm hiểu ngành ôtô, PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết bên cạnh lựa chọn các trường ĐH thì còn hướng đi dễ dàng hơn cho những bạn yêu thích ngành này là học bậc cao đẳng để sau 3 năm ra trường đi làm và sau đó có thể học tiếp để lấy bằng kỹ sư.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Ngành cơ hội việc làm nhiều nhưng sinh viên… không chọn
Vì lý do đóng cửa rừng nên nhiều thí sinh cũng như phụ huynh cho rằng học ngành lâm nghiệp sẽ không có việc làm. Đây là suy nghĩ sai lầm. Thực tế ngành lâm nghiệp hiện nay đang thiếu nhân lực trầm trọng. Việc đóng cửa rừng tự nhiên là để bảo vệ rừng nhưng vẫn phải trồng rừng mới. Đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng phát động trồng 1 tỉ cây xanh để bảo vệ môi trường, che phủ khu vực đất trống, đồi trọc…
Theo quy định của các tổ chức môi trường thế giới, người trồng rừng được hỗ trợ phí môi trường. Với những điều trên, nếu chọn học ngành lâm nghiệp sẽ có cơ hội việc làm rất lớn. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM dành khá nhiều chỉ tiêu tuyển sinh các ngành lâm nghiệp như ngành lâm sinh, quản lý tài nguyên rừng, chế biến lâm sản… Riêng ngành lâm sinh hằng năm nhà trường tuyển sinh không đạt chỉ tiêu vì thí sinh không chọn, trong khi đây là ngành có cơ hội việc làm rất lớn.