04/01/2025

Phân DAP ‘khan hàng, sốt giá’ kéo dài: Họp khẩn với các nhà sản xuất trong nước

Phân DAP ‘khan hàng, sốt giá’ kéo dài: Họp khẩn với các nhà sản xuất trong nước

Các doanh nghiệp sản xuất phân DAP, MAP đều khẳng định năng lực sản xuất tốt với giá bán không cao hơn hàng Trung Quốc. Nhưng tại sao lại có tình trạng thiếu hàng và tăng giá đột biến như nhiều đại lý phản ảnh?

 

Phân DAP khan hàng, sốt giá kéo dài: Họp khẩn với các nhà sản xuất trong nước - Ảnh 1.

Giá phân bón tăng cao trong thời gian vừa qua – Ảnh: T.L.

Sáng 13-3, tại cuộc họp khẩn với các đơn vị, nhà sản xuất trong nước, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) yêu cầu phải đảm bảo đáp ứng đủ phân bón DAP và MAP cho nhu cầu sản xuất trong nước với giá cả hợp lý, không để xảy ra tình trạng “khan hàng, sốt giá” kéo dài.

Giá tăng mạnh do đầu cơ?

Ông Vũ Văn Bằng, tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP Đình Vũ (Tập đoàn Hóa chất VN – Vinachem), cho hay sản lượng sản xuất và bán hàng của quý 1-2021 tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái, sản xuất tới đâu bán hết tới đó. Cụ thể, sản xuất được 70.000 tấn, bán trong nước chiếm 60%, còn lại là xuất khẩu.

Trong những tháng đầu năm, giá phân bón này liên tục tăng, từ bình quân 8,2 triệu đồng/tấn trong tháng 1-2021 lên 9,3 triệu đồng/tấn tháng 3-2021, giá chào bán tại TP.HCM hiện khoảng 10.500 đồng/kg, do nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh, như nguyên liệu lưu huỳnh khan hiếm nguồn cung.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hưng, phó tổng giám đốc DAP 2 Lào Cai, cho hay do giá nguyên liệu, cước vận tải tăng nên giá xuất kho với phân vàng là 9,75 triệu đồng/tấn, phân màu là 9,95 triệu đồng/tấn. Giá chào bán tại TP.HCM ở mức tương ứng là 10,45 triệu đồng/tấn và 10,65 triệu đồng/tấn.

“Giá qua các đại lý đến tay nông dân sẽ cộng thêm khoảng 1 triệu đồng/tấn. Nếu so sánh sản phẩm cùng loại của Trung Quốc vẫn thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/tấn, khi giá nhập khẩu hiện là 15,4 – 15,6 triệu đồng/tấn” – ông Hưng nói, đồng thời cho biết sản lượng nhập khẩu trong hai tháng vừa qua cũng tăng mạnh, khoảng 81.000 tấn so với 34.000 tấn của năm trước.

Có nhà máy sản xuất với công suất 100.000 tấn/năm, ông Đào Hữu Duy Anh, tổng giám đốc Tổng công ty hóa chất Đức Giang, cho rằng giá phân bón tăng mạnh thời gian qua do tác động của nhiều yếu tố chứ không thể đổ lỗi cho thuế tự vệ.

Trong thực tế, Trung Quốc đang tái đàn heo khiến nhu cầu nguồn thức ăn chăn nuôi tăng, nông dân đổ xô trồng bắp và đậu nên nhu cầu về phân bón tăng mạnh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần nhập khẩu lượng lớn thức ăn chăn nuôi từ Nam Mỹ, nên nhu cầu phân bón ở những nước này cũng tăng đột biến.

Ngoài ra, theo ông Duy Anh, giá phân DAP đến tay người tiêu dùng lên tới 14,5 triệu đồng/tấn có khả năng do đầu cơ ở khâu trung gian, bởi giá bán ra loại phân này của các nhà sản xuất trong nước cao nhất chỉ 11 triệu đồng/tấn.

Sẽ ngừng xuất khẩu để bình ổn giá?

Theo ông Hoàng Trung – cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, với những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất mà Việt Nam chủ động được, Nhà nước phải có chính sách bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề là đảm bảo nguồn cung DAP đến tay người nông dân với giá thành hợp lý.

“Trước mắt vẫn duy trì mức thuế này, vì thực tế cho thấy không chỉ quản lý giá mà còn tăng cường sự chủ động trong cung ứng phân bón DAP. Từ thông tin của các đơn vị cho thấy giá rẻ hơn so với phân bón nhập khẩu nhiều” – ông Trung lý giải giá tăng là do yếu tố khách quan, gồm giá các nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu (cước vận tải) tăng.

Do đó, ông Trung đề nghị các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực sản xuất (tổng năng lực thiết kế hiện nay là 730.000 tấn, sắp tới là 780.000 tấn) lên mức cao nhất, thậm chí tính đến việc dừng xuất khẩu để tạo nguồn cung trong nước. Doanh nghiệp cũng phải cam kết sản xuất đủ lớn, chứ không phải lúc nào giá cao mới làm, mà phải có lượng tồn kho nhất định để đảm bảo nguồn cung ra thị trường nhằm bình ổn giá.

“Cần ưu tiên thị trường miền Nam, nhất là ĐBSCL. Thông tin giá cả phải chuẩn xác, công khai minh bạch. Tránh chuyện đầu cơ tích trữ để đẩy giá lên tát nước theo mưa. Chúng ta nắm trong tay nguồn cung, sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó phải thực hiện nghiêm” – ông Trung nhấn mạnh.

Ông Trung cho biết sẽ có văn bản gửi các địa phương khuyến khích người dân lựa chọn sản phẩm khác thay thế và tăng cường thanh tra, kiểm tra vì không loại trừ có tình trạng đầu cơ tích trữ, thổi giá trên thị trường.

Sản xuất trong nước vẫn lỗ?

Theo đại diện của DAP Đình Vũ, từ sau khi áp thuế tự vệ thương mại, đến nay doanh nghiệp chỉ lãi ở mức độ vừa phải trên 10 tỉ đồng/năm.

Trong khi đó, Công ty DAP số 2 cho biết “chưa lúc nào lãi và thậm chí lỗ năm sau cao hơn năm trước” do chi phí tài chính và giá bán thấp, đơn cử năm 2020 lỗ 668 tỉ và dự kiến năm 2021 lỗ 618 tỉ đồng.

NGỌC AN
TTO