Nhà máy về quê, dân sẽ quay lại
Nhà máy về quê, dân sẽ quay lại
Câu chuyện ĐBSCL còn quá thiếu các công xưởng, trong khi làm nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún khiến nhiều người lao động phải ly hương kiếm sống là điều chính người dân đồng bằng hiện không có lựa chọn khác.
Vậy làm sao để ly nông mà không ly hương? Làm sao để cuộc sống không chỉ đỡ khó khăn về mặt kinh tế mà còn được đầy đủ tinh thần bằng cách sống và làm việc, sinh hoạt ngay trên mảnh đất quê hương đầy yêu thương, kỷ niệm của mỗi người? Tuổi Trẻ xin ghi nhận một số ý kiến.
* Ông Mai Đức Chính (nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):
Phải thoát cảnh sống tạm bợ
Người ta thường nói “ly nông bất ly hương”, có nghĩa là người dân không phải làm ruộng mà cũng không phải xa quê hương.
Thay vì phải rời quê hương đến làm việc tại các khu kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn thì người dân địa phương có thể làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp được mở ở ngay tỉnh nhà.
Làm được điều này, nhiều cái lợi cụ thể. Người dân không phải thuê nhà, không phải trang trải sinh hoạt với mức chi phí dành cho người thành thị với mức lương công nhân.
Có thể ví dụ rõ hơn: hiện công nhân đang làm việc ở các thành phố lớn phải có mức thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng nếu độc thân, 8-10 triệu/tháng nếu phải nuôi con thì mới tạm đủ sống chứ chưa nói đến tích lũy.
Trong khi đó với mức thu nhập chừng 5-6 triệu đồng/tháng ở quê họ có thể sống tốt, đi làm có thể về nhà, tiêu dùng với mức chi phí hợp lý ở quê nhà. Không chỉ đời sống vật chất mà đời sống tinh thần cũng tốt hơn, gần gũi gia đình, xây dựng tình làng nghĩa xóm.
Những năm gần đây chúng ta có thể nhận thấy xu hướng doanh nghiệp ngành may bắt đầu chuyển hướng đi về các vùng nông thôn ĐBSCL như Tiền Giang, Long An.
Ở đó họ vừa dễ thu hút lao động lại vừa giảm chi phí lương. Điều này giúp cả doanh nghiệp và người dân địa phương đều có lợi.
Trước đây miền Tây chỉ có một vài doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, nay có thêm một số doanh nghiệp dệt may, da giày nhưng cũng chỉ dừng lại ở một số tỉnh như Tiền Giang, Long An.
Các địa phương khác, kể cả Cần Thơ vẫn rất khó thu hút đầu tư do điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu, đường sá chưa thuận tiện. Công nghiệp chưa phát triển, công nhân phải đi làm ở các thành phố lớn là tất yếu.
Nhưng đây cũng chỉ là mưu sinh tạm bợ. Công nhân chủ yếu làm vài năm ở thành phố, đến khi hết tuổi lao động cũng về quê, họ không có tích lũy để có thể an cư lập nghiệp, có nhà cửa ở thành phố.
Chúng ta thường nói vui cuộc sống của công nhân độc thân ở các khu nhà trọ là “5 không”: không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao.
Tôi rất mong muốn trong nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu phải làm sao để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra đột biến thì ĐBSCL mới có thể phát triển, người dân miền Tây mới có thể “ly nông bất ly hương”.
* Anh Nguyễn Chí Tâm (quê Đồng Tháp, công nhân KCN Sóng Thần – Bình Dương):
Nhà máy chưa có, làm nông xưa nay vẫn vậy
Mười mấy năm nay quê tôi chỉ thấy đường sá là được cải thiện, ít phải bơi xuồng trên kênh rạch chứ kinh tế vẫn chưa có thay đổi gì mấy.
Mười mấy năm sống tạm bợ ở đất khách quê người, cũng muốn về quê, có nhà máy thì làm nhà máy, không thì trồng trọt. Mà nhà máy vẫn chưa có, làm nông xưa nay vẫn vậy.
Cha mẹ già ở nhà vẫn còn bám vườn. Mỗi nhà quê tôi có 10-15 công đất trồng cây trái, khi thu hoạch thương lái tới thu gom, họ mua giá nào bán giá đó chứ chưa có hợp tác xã. Thường lời lãi thế nào phụ thuộc vào thương lái, hay bị ép giá nhất là chính vụ.
Nhiều người bảo sao không đợi có giá rồi mới bán, nhưng khổ nỗi vốn liếng cũng phải vay mượn…
Trước vụ phải vay ngân hàng mới có tiền đầu tư giống, phân. Đợi giá không biết giá tăng hay lại giảm mà tiền lãi ngân hàng vẫn ra đều đều làm nông dân khó quyết bán hay giữ. Cuộc sống công nhân xa quê cực khổ thiếu trước hụt sau nhưng còn có đồng ra đồng vô.
* Anh Lê Văn Thạch (39 tuổi, quê Bến Tre, làm việc tại TP.HCM):
Về quê được gần cha mẹ, con cái
Ai cũng muốn ở quê, lá rụng về cội nhưng vì cơm áo gạo tiền mà phải ở lại thành phố. Bám trụ ở thành phố 15 năm nay rồi mà tôi cũng đâu dư dả để mua được nhà ở.
Nếu ở quê có chỗ làm thì cũng muốn về lắm, được gần ruột thịt, xóm giềng, con cháu gần ông bà. Nhưng giờ Châu Thành chỗ tôi vẫn chưa có khu công nghiệp, cụm công nghiệp gần nhất cách nhà hơn 20km mà chỉ có vỏn vẹn 4 công ty.
Lương công nhân tại đây nếu sống ở quê chắc là sống được vì chỉ cần 5.000 – 10.000 đồng ra chợ mua bó rau, bắt con cá dưới ao là đủ bữa ăn rồi. Còn ở đây, tiền nhà, con cái ăn học, phải xoay xở dữ lắm mới đủ chi tiêu.
* Chị Lê Thị Tố Như (37 tuổi, quê Vĩnh Long, thợ tóc tại TP.HCM):
Ở thành phố chật vật lắm
Nhà có ba chị em đều lên đây hết vì dưới quê không có việc làm. Giờ chỉ còn cha mẹ già dưới quê, tự làm lụng nuôi nhau.
Cha mẹ giờ còn khỏe nhưng chẳng bao lâu nữa cũng phải có người về quê lo cho cha mẹ. Biết vậy nhưng giờ cũng chưa tính được gì. Chồng tôi làm thợ điện lạnh, về quê đâu tìm được việc làm.
Nếu có nhà máy, về quê làm, lương 4-5 triệu đồng cũng sống được. Ở quê nhà cửa thoải mái, có ruộng có vườn. Ở đây thu nhập gấp 2-3 lần so với ở quê nhưng chi phí sinh hoạt theo thành phố nên rất chật vật.
* Chị Hồng Thắm (36 tuổi, công nhân Công ty TNHH Changshin VN, huyện Long Thành, Đồng Nai):
Chẳng ai muốn xa quê
Tôi từ Bến Tre lên TP.HCM tìm việc rồi lấy chồng. Khi Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (huyện Long Thành, Đồng Nai) hình thành, vợ chồng tôi khăn gói trở về nhà chồng ở rồi xin việc trong khu công nghiệp này, cuộc sống dần ổn định hơn. Điều khiến tôi khắc khoải là mẹ già ở quê một mình.
Tôi mong sao quê nhà phát triển hơn, có thêm nhiều khu công nghiệp, nhiều công ty lớn, tạo được nhiều việc làm để những người ở quê không phải tha phương như tôi nữa. Được sống và làm việc ngay tại quê hương thì hạnh phúc nhất rồi.
* Chị Đoàn Thị Mỹ Thanh (29 tuổi, công nhân Công ty TNHH Boramtek VN, TP Biên Hòa, Đồng Nai):
Có việc, lương thấp, tôi cũng về quê
Công việc bán bông đêm hôm khuya khoắt, lại phải đi xa mà thu nhập không ổn định, đầu năm 2020, tôi phải cùng chồng rời Đồng Tháp đến Đồng Nai làm công nhân, để lại ba con nhỏ cho ông bà nội chăm.
Nhưng với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng hiện nay, các khoản chi tiêu thường ngày đã gần hết, phải tằn tiện từng đồng mới có tiền gửi về cho ông bà nuôi con.
Nhiều hôm ở nhà gọi lên báo con bệnh nhưng không thể nhờ ai chở ra bệnh viện. Hai vợ chồng tan ca liền chạy về, đến nhà đã 11h, 12h đêm, vội vàng đưa con đi khám.
Tới nơi bác sĩ la quá trời, bảo sao không đưa con vô sớm hơn. Lúc đó chỉ muốn khóc.
Điều tôi mong muốn nhất là ở quê cũng có các khu công nghiệp như ở đây để mọi người đều có việc làm. Dù lương có thấp hơn một chút tôi cũng về. Quan trọng nhất là được ở gần các con và gia đình.
* Chị Nguyễn Thị Yến Ngọc (24 tuổi, công nhân Công ty CP Taekwang Vina, KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, Đồng Nai):
Chia sẻ kinh nghiệm “đời công nhân”
Quê tôi ở Đồng Tháp, cùng chồng quê An Giang làm công nhân ở Đồng Nai được ba năm, thu nhập của hai vợ chồng khoảng 11 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ hết các chi phí sinh hoạt, mỗi tháng gửi 4 triệu đồng về ngoại nuôi hai con nhỏ. Ở quê thì không dư được như vậy đâu.
Dù lương làm công nhân khá ổn nhưng công việc cũng rất áp lực. Nhiều khi nhớ con đến phát khóc nhưng phải kìm nén, cố gắng làm lụng với hi vọng kiếm được một số vốn về quê làm ăn.
Gần nhà công ty may mới mở đang tuyển lao động nhưng chưa rõ chế độ ra sao. Tôi đã nhờ bạn tìm hiểu, nếu ổn có thể xem xét việc trở lại quê nhà. Kinh nghiệm làm việc của vợ chồng tôi đảm bảo và thậm chí hi vọng chúng tôi sẽ dìu dắt được nhiều người ở quê tiếp cận và thích nghi với nề nếp của nhà máy.