04/01/2025

Dừng tiêm vắc xin AstraZeneca: Châu Âu quá thận trọng?

Dừng tiêm vắc xin AstraZeneca: Châu Âu quá thận trọng?

Dù chưa đủ chứng cứ khoa học để khẳng định có mối liên hệ giữa việc tiêm vắc xin và biến chứng gây đông máu, nhiều nước châu Âu đã tạm dừng toàn bộ hoặc một phần chương trình tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca để điều tra thêm.

 

 

Trong khi đó nhiều nước vẫn tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với vắc xin của Anh, khi các nhà quản lý dược phẩm EU và Pháp nhấn mạnh không nên lo lắng quá.

Chúng ta nên tiếp tục sử dụng vắcxin AstraZeneca. Không có dấu hiệu cho thấy phải ngừng tiêm loại vắcxin này.

Người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới Margaret Harris cho biết hôm 12-3

Hàng loạt nước tạm dừng

Trong ngày 11-3, Đan Mạch dừng toàn bộ việc tiêm vắcxin của AstraZeneca trong hai tuần sau khi một phụ nữ 60 tuổi nước này bị đông máu và chết sau khi tiêm, mặc dù trong số hơn 142.000 người Đan Mạch đã tiêm chỉ có một số bị tình trạng này nặng, một người đã chết.

Không lâu sau Đan Mạch, Na Uy cũng tuyên bố dừng tiêm toàn bộ vắcxin của AstraZeneca. Sau đó, chính quyền Ý ngày 11-3 cũng ra quyết định tương tự dù không nêu lý do cụ thể.

Áo cũng ngưng sử dụng một lô vắcxin của AstraZeneca sau khi một y tá 49 tuổi “chết vì các vấn đề đông máu nghiêm trọng” sau nhiều ngày tiêm. Liên quan tới lô vắcxin ở Áo, 4 nước châu Âu khác là Estonia, Latvia, Lithuania và Luxembourg cũng đã tạm dừng sử dụng lô này vì đây là lô vắcxin khoảng 4 triệu liều của AstraZeneca gửi tới 17 quốc gia châu Âu. Romania, Iceland cũng đã dừng tiêm.

Dù tạm ngưng song các quốc gia như Đan Mạch, Na Uy, Áo và Ý đều nói đó chỉ là quyết định mang tính phòng ngừa thận trọng, vì tại thời điểm này họ chưa tìm ra chứng cứ nào về mối liên hệ giữa tiêm vắcxin của AstraZeneca và biến chứng đông máu.

Do động thái của một số nước châu Âu, Chính phủ Thái Lan ngày 12-3 cũng tuyên bố tạm hoãn kế hoạch triển khai tiêm vắcxin COVID-19 của AstraZeneca tuần này.

Nhiều nước vẫn vững tin

Trong khi một số nước tạm dừng tiêm vắcxin AstraZeneca do bị ảnh hưởng bởi quyết định của các nước châu Âu, vẫn có những nước, trong đó có Pháp, quyết định tiếp tục sử dụng vì cho rằng chưa có chứng cứ nào khẳng định nguy cơ… đông máu.

Pháp dẫn tuyên bố của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) và cả Cơ quan Quản lý dược phẩm trong nước cùng khẳng định vắcxin của AstraZeneca vẫn an toàn. Hôm 11-3, EMA cho biết kết quả điều tra sơ bộ của họ cho thấy lô vắcxin của AstraZeneca được dùng ở Áo không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của người y tá.

Thủ tướng Tây Ban Nha Carolina Darias cũng cho rằng “cho tới nay chưa xác định được mối liên hệ nào về nguyên nhân giữa vắcxin (của AstraZeneca – PV) với các trường hợp bị đông máu”.

Theo một số chuyên gia y tế, hiện vẫn còn ít chứng cứ để có thể đưa ra khuyến nghị nên dừng tiêm vắcxin COVID-19 của AstraZeneca, và số trường hợp đã ghi nhận bị đông máu cũng tương đương với tỉ lệ bệnh này trong dân số nói chung.

Trao đổi với Hãng tin Reuters, ông Stephen Evans – giáo sư ngành dịch tễ dược học của Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London (Anh) – cho rằng: “Đây là cách tiếp cận siêu thận trọng căn cứ trên một số báo cáo biệt lập tại châu Âu”.

Cũng theo ông Stephen Evans, vì bệnh COVID-19 có liên quan rất chặt với chứng đông máu nên rất khó để phân biệt đó là hiện tượng có liên quan tới phản ứng phụ của vắcxin hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Ông Daniel Salmon, giám đốc Viện an toàn vắcxin tại Đại học Johns Hopkins, nói với New York Times rằng việc chính quyền một số nước chú ý tới những trường hợp gặp sự cố và điều tra nguyên nhân là điều bình thường. Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại trước nỗi lo về sự an toàn chưa có căn cứ có thể gây tâm lý hoảng sợ trong công chúng và khiến họ ngần ngại tiêm vắcxin, việc phải làm để có thể chấm dứt đại dịch.

Việt Nam chưa ghi nhận phản ứng tăng huyết khối sau tiêm

Về việc một số nước châu Âu tạm dừng tiêm vắcxin Astrazeneca, ngay trong chiều 12-3 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã có cuộc họp bàn về việc này. Ngay sau phiên họp này, GS.TS Đặng Đức Anh – viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, giám đốc Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia – khẳng định với Tuổi Trẻ: “Chúng tôi chưa gặp phản ứng tăng huyết khối sau tiêm trong những trường hợp gặp phản ứng sau tiêm tại Việt Nam”.

“Tôi được biết các quốc gia châu Âu đang nghiên cứu về những trường hợp tai biến, trong đó có tai biến tăng huyết khối, xem có liên quan gì đến độ tuổi được tiêm ngừa hoặc các lý do khác hay không, bởi những người lớn tuổi, bị xơ vữa động mạch thì nguy cơ tăng huyết khối cũng lớn hơn” – GS Đức Anh cho biết thêm.

Ông Đức Anh cũng dẫn thông báo của các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm vắcxin này, cho biết tại Anh đã tiêm 11 triệu liều, nhưng tỉ lệ có phản ứng sau tiêm nằm trong tỉ lệ đã được khuyến cáo với các vắcxin thông thường khác.

Tại Việt Nam, do số lượng vắcxin đã về rất ít, mới có một số nhóm nguy cơ cao được tiêm và có ghi nhận phản ứng sau tiêm, với tỉ lệ tương tự như các vắcxin đã sử dụng. Cụ thể, theo số liệu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong 1.585 người đã tiêm vắcxin tại 9 thành phố (bao gồm Hà Nội, TP.HCM) từ ngày 8 đến 11-3, chỉ có 8 ca có phản ứng phản vệ độ 2 như khó thở, nôn và buồn nôn, kẹt huyết áp, tiêu chảy…, bên cạnh một số trường hợp gặp phản ứng tại chỗ như sưng đau chỗ tiêm.

L.ANH

Tỉ lệ bị đông máu cực hiếm

Báo New York Times dẫn thống kê của EMA cho biết tính tới ngày 10-3 đã có gần 5 triệu người tiêm vắcxin của AstraZeneca tại các nước EU và 3 nước châu Âu khác, trong đó ghi nhận 30 trường hợp bị chứng đông máu huyết khối (hình thành cục máu đông) sau khi tiêm. EMA cho rằng tỉ lệ này không cao hơn so với tỉ lệ người bị mắc chứng huyết khối trong dân số nói chung.

Một lần nữa, EMA vẫn khẳng định những lợi ích của vắcxin vẫn lớn hơn các rủi ro tiềm ẩn và khẳng định không có chứng cứ nào cho thấy vắcxin “đã gây ra những tình trạng này”.

D.KIM THOA
TTO