28/12/2024

Lãi suất huy động bật tăng lại, vì sao?

Lãi suất huy động bật tăng lại, vì sao?

Sau nhiều tháng sụt giảm, lãi suất tiết kiệm trên thị trường đang có dấu hiệu tăng trở lại. Hoạt động kinh doanh đang ấm trở lại và sắp diễn ra cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng?

 

Lãi suất huy động bật tăng lại, vì sao? - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất để chuẩn bị cho nhu cầu vốn sắp tới – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Từng là ngân hàng tiên phong hạ lãi suất huy động xuống mức thấp nhất thị trường, Techcombank vừa tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn từ tháng 3 với mức tăng cao nhất tới 0,8 – 0,9%/năm so với biểu lãi suất hồi đầu tháng 2-2021.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

Sau khi điều chỉnh, lãi suất gửi cao nhất với khách hàng thường, trên 50 tuổi, gửi từ 3 tỉ đồng trở lên lên mức 3,3%/năm kỳ hạn 1-2 tháng, 4,7%/năm kỳ hạn 6-11 tháng. Lãi suất tiết kiệm cao nhất Techcombank đang áp dụng là 5,9%/năm cho khách hàng ưu tiên gửi kỳ hạn 36 tháng, số tiền từ 3 tỉ đồng trở lên.

VPBank cũng tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn. Hiện lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi tại quầy với số tiền dưới 300 triệu đồng là 3,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng, tăng 0,2%/năm so với mức cũ. Nếu gửi từ 3 tỉ đồng trở lên, lãi suất là 3,7%/năm.

Ở kỳ hạn 5 tháng, lãi suất tiền gửi của VPBank hiện là 3,5 – 3,7%/năm (tăng 0,2% so với biểu lãi suất cũ).

Chuẩn bị cho kinh tế phục hồi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho hay trước tết lãi suất huy động giảm sâu do các ngân hàng dư thừa thanh khoản.

Tuy nhiên sau tết, trước các tin tức tích cực về dịch COVID-19 và Việt Nam bắt đầu tiêm vắcxin ngừa COVID-19, thị trường dự báo tới đây hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phục hồi bình thường, vì thế nhu cầu vốn sẽ nhiều lên.

Do vậy ngay từ bây giờ các ngân hàng đã tính toán tăng lãi suất huy động, vì nếu tăng sớm thì ngân hàng sẽ thu hút được dòng vốn nhàn rỗi trên thị trường và chi phí bỏ ra sẽ thấp hơn. Chưa kể khi đó có khả năng kênh bất động sản ấm lại, khi đó ngân hàng phải cạnh tranh thu hút vốn với kênh này và kênh chứng khoán.

Tuy nhiên, liệu đây có phải là dấu hiệu cho một cuộc đua tăng lãi suất trong thời gian tới?

Lãnh đạo một số ngân hàng cùng cho rằng lãi suất huy động sẽ tăng trở lại và nhiều ngân hàng hiện đang quan sát để nhập cuộc, tuy nhiên lãi suất huy động sẽ khó tăng cao do còn liên quan đến hạn mức tăng tín dụng được cấp cũng như tỉ lệ lạm phát.

Hiện room tín dụng với bất động sản, chứng khoán được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ nên khó có khả năng lãi suất sẽ “bùng” lên mạnh.

14 ngân hàng đầu tư 185.000 tỉ đồng trái phiếu

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 vừa được Công ty chứng khoán SSI phát hành cho thấy trong 14 ngân hàng mà SSI nghiên cứu với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 76% thị phần tín dụng toàn hệ thống (không tính Agribank), tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng thương mại đầu tư tới 31-12-2020 là khoảng 185.000 tỉ đồng, tăng tới 47% so với cuối năm 2019.

Đáng lưu ý, tỉ trọng bình quân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong tổng tín dụng của các ngân hàng này tăng từ 2,5% lên 3,2%. Các ngân hàng thương mại sở hữu lượng trái phiếu lớn nhất ở thời điểm cuối năm 2020 là Techcombank, VPBank, Ngân hàng Quân đội (MBB).

Theo thống kê của SSI, năm 2020 trái phiếu bất động sản vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất (40,1%) trong tổng phát hành toàn thị trường dù là nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi các quy định chặt chẽ về điều kiện phát hành tại nghị định 81.

Tổng lượng trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành năm 2020 là gần 63.000 tỉ đồng.

ÁNH HỒNG
TTO