27/12/2024

Hoá đơn điện có nguy cơ tăng “sốc”

Hoá đơn điện có nguy cơ tăng “sốc”

Mùa khô năm nay đến sớm và dự báo sẽ còn kéo dài. Người dân TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam bắt đầu bước vào những ngày nắng nóng “kinh khủng” nhất trong năm.
TP.HCM bắt đầu vào mùa khô nóng /// Ảnh: Khả Hòa
TP.HCM bắt đầu vào mùa khô nóng  ẢNH: KHẢ HÒA

Nhiệt độ có thể lên hơn 40 độ C

Những ngày đầu tiên sau Tết Nguyên đán, người dân TP.HCM thoải mái tận hưởng những ngày thời tiết đẹp, sáng và tối trời mát mẻ, se lạnh, trưa nắng nhưng không nóng, oi. Không khí dễ chịu kéo dài sang tới tháng 3 nhưng gần 1 tuần qua, các tỉnh, thành khu vực miền Nam nhanh chóng chuyển qua những ngày nắng nóng hừng hực. Từ 6 giờ sáng, mặt trời đã lên sáng rõ, cả ngày trời xanh ngắt, không một gợn mây, nắng nóng bao phủ. Thời gian nắng nhất trong ngày từ 11 – 15 giờ, nhiệt độ có nơi đo được trong phòng quan trắc khí tượng lên tới 36 – 37 độ C, tương đương nhiệt độ ngoài trời khoảng gần 40 độ C.
EVNHCMC khuyến nghị khách hàng, người dân quan tâm thực hành tiết kiệm điện, vừa giảm nguy cơ sự cố điện vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao, nhất là trong những tháng mùa khô. Nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết không quá nóng, tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên và tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao.

Mùa khô tại miền Nam thường bắt đầu từ cuối tháng 3, đầu tháng 4. Năm nay, nắng nóng nhanh chóng xuất hiện từ nửa đầu tháng 3 khiến nhiều người dân cảm thấy khó chịu, bức bách.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong 2 ngày tới, áp cao cận nhiệt đới có xu hướng suy yếu và rút ra phía đông. Do vậy, thời tiết nắng nóng có khả năng thu hẹp ở miền Đông Nam bộ và TP.HCM. Nhiệt độ trong ngày được dự báo sẽ giảm và chỉ còn duy trì ở mức 34 – 36 độ C.
Tuy nhiên, chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan cho biết TP.HCM và các tỉnh, thành miền Nam mới bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, cường độ bức xạ tăng lên nhưng vẫn chưa chạm “đỉnh”. Phải sau ngày xuân phân (ngày 21.3), khi mặt trời bắt đầu rời bán cầu Nam, vượt xích đạo, di chuyển sang bán cầu Bắc, nắng nóng mùa khô mới lên tới đỉnh điểm.
Dự báo từ cuối tháng 3 đến tháng 4, TP.HCM và các tỉnh Nam bộ sẽ trải qua những ngày nắng nóng “kinh khủng” nhất, nhiệt độ có thể lên hơn 40 độ C. Khi đó, không chỉ nhiệt độ tăng cao mà độ ẩm cũng tăng, từ nóng khô sẽ chuyển thành nóng ẩm khiến cảm giác bứt rứt, khó chịu còn tăng cao hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay.
“Năm nay nóng sớm, nhiệt độ cũng có thể tăng cao hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, do TP.HCM bị bê tông hóa quá nhiều, cộng thêm hiện tượng đảo nhiệt đô thị, như 1 ốc đảo so với vùng xung quanh nên người dân sẽ cảm thấy cực kỳ nắng nóng, oi bức, khó chịu. Sắp tới, cường độ bức xạ và tia UV còn tăng mạnh. Khu vực miền Nam sẽ phải còn trải qua những ngày nắng nóng ít nhất từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng nữa mới bắt đầu chuyển mùa. Nắng nóng càng dữ dội thì giai đoạn chuyển mùa càng dễ xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, mưa đá, cần hết sức cảnh giác”, bà Lan cảnh báo.

Lo hóa đơn tiền điện tăng “sốc”

Thời tiết nắng nóng không chỉ gây khó chịu tới người dân mà còn kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng vọt. Theo số liệu ghi nhận từ Trung tâm điều độ hệ thống điện TP.HCM, trong những ngày vừa qua do thời tiết nắng nóng liên tục nên sản lượng điện tiêu thụ của TP đã tăng lên rất cao. Điển hình, ngày 4.2, sản lượng điện tiêu thụ là 70,1 triệu kWh với nhiệt độ lúc cao điểm là 34 độ C. Đến cao điểm ngày 4.3 vừa qua, toàn TP đã tiêu thụ đến 78,38 triệu kWh điện khi nhiệt độ đo được ở mức 36 độ C. Tính riêng 6 ngày đầu tháng 3, với sàn nhiệt độ trung bình lúc cao điểm là 36 độ C, sản lượng điện tiêu thụ toàn TP đã đạt 458,98 triệu kWh. Chia bình quân, các hộ gia đình đã sử dụng điện tăng lên từ 10 – 20% so với các ngày bình thường của tháng 2.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết khi nhiệt độ ngoài trời tăng, người dân sẽ sử dụng quạt máy, điều hòa, là các thiết bị tiêu thụ điện rất lớn. Theo quan sát của ngành điện, tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 – 64% lượng điện của một hộ, cá biệt có hộ lên tới 80%. Các chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng thêm 2 – 3%; nhiệt độ tăng khoảng 5 độ C thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Dù thời gian sử dụng máy lạnh không thay đổi, khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh sẽ tăng lên rất nhiều, kết hợp với giá điện tính theo bậc thang nên tiền điện càng tăng cao.
“Do đó, nếu duy trì với tốc độ sử dụng điện tăng như hiện nay, cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài thì hóa đơn tiền điện tháng 3 (phát hành vào đầu tháng 4) sẽ tăng cao tương ứng”, Phó tổng giám đốc EVNHCMC cảnh báo.
Cũng theo EVNHCMC, để trực tiếp theo dõi và tra cứu thông tin chỉ số điện tiêu thụ hằng tháng hoặc lượng điện tiêu thụ hằng ngày, khách hàng có thể tải ứng dụng “EVNHCMC CSKH” trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) hay CH Play (đối với hệ điều hành Android) về thiết bị di động. Từ đó có thể điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện hằng ngày. Nếu lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao, ứng dụng cũng sẽ cảnh báo.
HÀ MAI – NGUYÊN NGA
TNO