Chúa Nhật III Mùa Chay B 2021: Giêrusalem mới

Hôm nay, các bài Kinh Thánh như mời gọi chúng ta nhìn vào Giêrusalem, không phải là đền thờ xây mất 46 năm mà người Do Thái hãnh diện vì nó tượng trưng cho tôn giáo và dân tộc của họ, mà nhìn vào Đức Giêsu. Người chính là đền thờ mới, để ta có thể hiểu được ý nghĩa của đời sống và của những hành động tôn thờ mà ta dành cho Chúa cũng như dành cho con người.

Chúa Nhật III Mùa Chay B 2021

Giêrusalem mới

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày 12 tháng 12 vừa rồi, ngày Mùng 1 Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho chúng ta Sứ điệp Mùa Chay 2021 để mời gọi “chúng ta hãy lên Giêrusalem vì Mùa Chay là thời gian canh tân niềm tin, hy vọng và tình yêu”.

Nếu có thời gian, chúng ta nên đọc lại và suy niệm toàn bộ Sứ điệp này vì có nhiều ý tưởng sâu sắc và lời khuyên thực tế mà ĐTC muốn nhắn nhủ chúng ta trong Mùa Chay Thánh.

1. Biểu tượng của đền thờ Giêrusalem?

Hôm nay, các bài Kinh Thánh như mời gọi chúng ta nhìn vào Giêrusalem, không phải là đền thờ xây mất 46 năm mà người Do Thái hãnh diện vì nó tượng trưng cho tôn giáo và dân tộc của họ, mà nhìn vào Đức Giêsu. Người chính là đền thờ mới, để ta có thể hiểu được ý nghĩa của đời sống và của những hành động tôn thờ mà ta dành cho Chúa cũng như dành cho con người. Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, trong 3 ngày tôi sẽ xây dựng lại!” Người có ý nói thân thể Người như một đền thờ mới của Thiên Chúa sẽ chết đi và sẽ sống lại (x. Ga 2,13-25).

Chúng ta vừa nghe Bài đọc I (x. Xh 20,1-17) nói về Mười Điều Răn, đó là giao ước mà dân Do Thái đã ký kết với Thiên Chúa. Mười Điều Răn nói lên những luật lệ tự nhiên (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 22), những đòi hỏi theo luân lý để có thể tôn thờ Chúa và yêu thương mọi người. Mười điều răn “dạy cho chúng ta biết thế nào là làm người thật sự. Chúng chỉ cho chúng ta thấy những nghĩa vụ thiết yếu, và do đó, một cách gián tiếp, chúng cho chúng ta thấy những quyền căn bản nằm trong bản tính con người” (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 24,25). Toàn thể tôn giáo Do Thái cũng như các tôn giáo thật sự của nhân loại đều xây dựng trên các nguyên tắc luân lý căn bản này.

Người Do Thái hãnh diện về đền thờ và tôn giáo của họ, người tín hữu Công giáo cũng hãnh diện về những cơ sở và hành động tôn giáo của mình. Chúng ta nghĩ rằng mình đã giữ trọn vẹn những luật lệ mà Chúa yêu cầu ta thực hiện. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta hãy vượt lên trên những quan niệm hẹp hòi đó vì đạo hay tôn giáo thật sự không phải là việc thực hiện những hành vi dành cho Chúa như tham dự thánh lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Đó cũng không phải là những hành động bác ái từ thiện được ta làm rồi đưa lên những phương tiện truyền thông cho mọi người biết.

Đạo là một con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa để cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, quyền năng vô tận mà Chúa ban cho những người con của Ngài. Con đường đó biết bao tôn giáo đã cố gắng khám phá, những vị lãnh đạo tôn giáo đã cố gắng dạy dỗ, nhưng không phải mọi người đều đạt được. Rất nhiều người ngày nay đã bỏ tôn giáo, vì họ thấy những hành vi tôn giáo dành cho Thiên Chúa và con người, mà các tôn giáo khuyến khích, không dẫn họ đến đích điểm mong đợi. Điều họ mơ ước qua tôn giáo chính là những thứ mà người ta muốn đạt được trong cuộc sống trần thế: trở thành những con người kỳ diệu, phi thường, sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, quyền năng, thông thái, giàu sang… Nhưng người ta lại không tìm ra con đường dẫn về trời ấy.

Con đường này phải là chính Đức Giêsu: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Chúa Giêsu đã xác định con đường đó: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Người đã minh chứng cho tất cả mọi người thấy sự thật mà Người muốn giới thiệu cho họ là gì. Sự thật không phải là những điều hiểu biết thông thái nào đó phù hợp giữa lý trí và vạn vật, nhưng sự thật là chính Đức Giêsu. Người là sự thật hữu hình của Thiên Chúa được gửi đến cho ta để ta biết rằng khi mở tâm trí mình kết hợp với Đức Giêsu, ta trở thành khôn ngoan thật sự như thế nào. Đó không phải là sự khôn ngoan mà người Hy Lạp tìm kiếm (x. 1Cr 1,22-25).

Sự sống kỳ diệu được Đức Giêsu diễn tả bằng nhiều phép lạ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại, và biến đổi tất cả những ai tin vào Người có được sự sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, quyền năng vô tận khi Người ban Thánh Thần tình yêu cho con người. Người dạy cho ta biết rằng muốn tôn giáo mới này đẹp lòng Thiên Chúa, ta phải tôn thờ Chúa Cha trong Thần Khí tình yêu và trong sự thật là chính Đức Giêsu (x. Ga 4,22-24). Tuy nhiên, các tín hữu Công giáo ngày nay vẫn còn quá câu nệ vào luật lệ và nghi lễ, nên chưa cảm nghiệm được sự sống phi thường này.

2. “Canh tân niềm tin, hy vọng và tình yêu”

Chính vì những hiểu lầm đó mà ĐTC Phanxicô đã trình bày con đường Giêsu qua Sứ điệp Mùa Chay 2021. Ngài mời gọi chúng ta hãy lên Giêrusalem. Giêrusalem ở đây không phải là đền thờ cũ hay đền thờ mới nào, mà là chính Đức Giêsu, để canh tân niềm tin, hy vọng và tình yêu.

“Đức tin mời gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Thiên Chúa và trước tất cả anh chị em mình. Sự thật này không phải là khái niệm trừu tượng dành riêng cho một số người thông thái được tuyển chọn. Trái lại, đó là một sứ điệp mà chúng ta có thể nhận lãnh và hiểu biết nhờ vào sự khôn ngoan của tâm hồn biết mở rộng ra trước sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức được điều này. Chính Chúa Giêsu là sự thật này” (x. Sứ điệp, số 1).

Mùa Chay Thánh cũng chính là mùa hy vọng dù rằng chúng ta đang sống trong những thời khắc gian nan của dịch bệnh và những bấp bênh về kinh tế. Ngài nói với chúng ta rằng: “Niềm hy vọng như nước hằng sống cho phép chúng ta tiếp tục hành trình trên con đường của Chúa Giêsu. Để đạt được niềm hy vọng này và tạo niềm hy vọng cho nhau, chúng ta hãy nói những lời tích cực để vỗ về, an ủi, khích lệ, chứ đừng nói những lời miệt thị, bi quan, giận dữ hay chê bai (Fratelli Tutti, 223). Để trao ban hy vọng, đôi khi chỉ cần tử tế một chút, sẵn sàng dẹp qua một bên những thứ khác ngõ hầu cho thấy sự lưu tâm đến người khác, trao tặng một nụ cười, nói một lời nói khích lệ, lắng nghe giữa một tình trạng dửng dưng phổ biến” (x. Sứ điệp, số 2).

Điều này như đòi ta nhìn lại thái độ đối xử của ta với nhau trong Mùa Chay Thánh này. Thật ra sống trong một gia đình hay một cộng đồng xã hội, không thể không có những khác biệt, những xung đột giữa người già người trẻ, giữa người giàu người nghèo, giữa lớp trên lớp dưới, giữa bề trên với người thuộc quyền. Ta có thể không đồng ý với nhau, nhưng ta phải nhìn nhau như những anh chị em trong một đại gia đình để mang lại niềm hy vọng cho nhau qua những lời nói, cử chỉ rất trân trọng đối với người khác, bởi vì mỗi người đều là con cái của Chúa và chính Đức Giêsu đang ở trong họ đón nhận thái độ của ta.

“Biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta là yêu mến, quan tâm và thương cảm mọi người theo bước Chúa Giêsu. Tình yêu vui mừng khi thấy người khác lớn lên. Tình yêu đau buồn khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên những mối liên kết chia sẻ và hiệp thông” (x. Sứ điệp, số 3).

Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta cho đến chết, và chết trên thập giá để diễn tả tình yêu ấy thì mỗi người chúng ta cũng đang được mời gọi để chết đi cho chính mình qua những thập giá hằng ngày ta phải mang vác cho nhau. Khi chúng ta chết đi vì tình yêu như thế, ta mới có thể sống lại với Đức Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người, ta mới thấy rằng mình thật sự được biến đổi và canh tân.

Lời kết

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vượt qua hình thức đạo đức, bác ái quen làm trong Mùa Chay ở những năm trước để đi vào những hành động cụ thể của đức tin, của niềm hy vọng và của tình yêu. Chỉ có như thế chúng ta mới cảm nghiệm được Đức Giêsu là con đường dẫn đến sự thật toàn diện và sự sống vĩnh hằng.

HKK