24/11/2024

Giáo hoàng Francis bắc cầu liên tôn giáo

Giáo hoàng Francis bắc cầu liên tôn giáo

Chuyến thăm từ ngày 5 – 8.3 của Giáo hoàng Francis đã mang đến niềm hy vọng cho tiến trình hoà giải và đối thoại tại Iraq, đặc biệt qua cuộc gặp với Đại giáo chủ Hồi giáo Shia Sayyid Ali Al-Husayni Al-Sistani.
Cuộc gặp lịch sử của Giáo hoàng Francis (phải) và Đại giáo chủ Al-Sistani /// AFP
Cuộc gặp lịch sử của Giáo hoàng Francis (phải) và Đại giáo chủ Al-Sistani AFP
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Giáo hội Công giáo sau 15 tháng bị gián đoạn vì dịch bệnh hoành hành khắp thế giới. Ông cũng là giáo hoàng đầu tiên đến Iraq.
Năm 1999, Giáo hoàng John Paul II dự định tới Iraq nhưng điểm đến này sau cùng phải bỏ qua vì xung đột và khủng hoảng chính trị. Kể từ đó, Iraq liên tiếp bất ổn. Năm 2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy, gây cảnh lầm than khắp nơi, trong đó có cộng đồng Kitô giáo (bao gồm Công giáo). Tuy IS đã bị đẩy lùi khỏi Iraq năm 2017 nhưng nước này vẫn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị và tình hình thêm u ám kể từ khi Covid-19 bùng phát. Do vậy, Giáo hoàng Francis luôn coi Iraq là một điểm đến ưu tiên và ông quyết tâm lên đường khi các điều kiện về an ninh và y tế tạm đáp ứng.

Cuộc gặp lịch sử

Trong một thông điệp gửi đến người dân Iraq ngay trước chuyến đi, Giáo hoàng Francis bày tỏ: “Tôi đến như một khách hành hương, khách hành hương của hòa bình và hy vọng”, theo Vatican News – Cơ quan truyền thông chính thức của tòa thánh. Chỉ có thể lưu lại vài ngày ngắn ngủi, nhưng vị “khách hành hương” đặc biệt này đã để lại những ấn tượng sâu đậm, từ thánh lễ đầu tiên theo nghi lễ của Công giáo Chaldea (thuộc các giáo hội Công giáo Đông phương) có giáo hoàng tham dự, đến buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của chiến tranh giữa đổ nát vì xung đột của thành phố Mosul, và cuộc gặp được xem là “cầu nối” cho đối thoại giữa hai tôn giáo lớn, với Đại giáo chủ Al-Sistani.
Ngày 6.3, vị Giáo hoàng Công giáo 85 tuổi đi bộ trong con hẻm nhỏ tại thành phố Najaf, cách thủ đô Baghdad 160 km về phía nam, để thăm vị Đại giáo chủ Hồi giáo Shia 90 tuổi tại nhà riêng. Một hình ảnh chắc chắn sẽ được lưu lại trong lịch sử về quan hệ giữa hai tôn giáo lớn. Đây là lần đầu tiên một vị giáo hoàng gặp gỡ đại giáo chủ của Hồi giáo Shia. Cuộc gặp diễn ra trong 45 phút, nhiều hơn 15 phút so với dự kiến. Giám đốc Văn phòng báo chí tòa thánh Matteo Bruni cho biết: “Trong cuộc gặp, giáo hoàng đã nhấn mạnh về sự hợp tác và tình hữu nghị giữa các cộng đồng tôn giáo. Bằng cách xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau và mở ra các cuộc đối thoại, chúng ta có thể cùng mang lại những điều tốt đẹp cho Iraq, cho khu vực và cho toàn thể nhân loại”.
Theo ông Bruni, cuộc gặp này là dịp để Giáo hoàng Francis cảm ơn Đại giáo chủ Al-Sistani vì đã luôn “hướng đến sự đoàn kết của Iraq” và “lên tiếng bảo vệ những người yếu thế, người bị bách hại” trong năm tháng đầy khó khăn.
Đại giáo chủ Al-Sistani cảm ơn chuyến thăm của Giáo hoàng Francis, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ để các Kitô hữu có thể sống trong “an ninh và hòa bình, với đầy đủ các quyền lợi” như mọi công dân Iraq. Ông cũng nhắc về vai trò của các vị lãnh đạo tôn giáo trong việc ngăn chặn những “thảm cảnh” ở nước này và trong khu vực, cụ thể là tình trạng “bất công, đàn áp, xóa bỏ các quyền tự do căn bản, nạn đói nghèo”, cũng như các cuộc xung đột, chiếm đóng.
Đại giáo chủ Al-Sistani là người có vị trí cao nhất không chỉ với cộng đồng Hồi giáo Shia Iraq (chiếm gần 60% dân số), mà với cả phần lớn của 200 triệu người Hồi giáo Shia trên thế giới, theo Đài France Télévisions. Lâu nay, ông được xem là người có vai trò trung tâm trong việc xây dựng hòa bình ở khu vực. Trong giai đoạn IS đàn áp các tôn giáo thiểu số ở Iraq, Đại giáo chủ Al-Sistani đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cần phải bảo vệ mọi tôn giáo.

Bằng hữu với mọi tôn giáo

Cuộc gặp ngày 6.3 giữa Giáo hoàng Francis và Đại giáo chủ Al-Sistani được người Iraq đón nhận nồng nhiệt. Tổng thống Iraq Barham Saleh gọi đây là “thông điệp tôn giáo sâu sắc về sự ôn hòa”. Còn theo Hồng y Filoni, nguyên Sứ thần (tương đương đại sứ ở các nước) tòa thánh tại Iraq, cả hai vị là “những cột trụ” đối với các tín hữu, sẽ giúp xây dựng “cây cầu của hòa bình”. Trả lời Vatican News, linh mục Amir Jajé, hiện phục vụ tại Iraq, cho biết: “Người dân Iraq rất quý mến giáo hoàng. Họ nhận xét rằng ông cởi mở và có thiện cảm với người Hồi giáo”.
Kể từ lúc được mật nghị hồng y bầu chọn vào năm 2013, Giáo hoàng Francis đã tiếp tục vun đắp cho những nỗ lực về đối thoại với các tôn giáo khác. Trong các chuyến thăm những quốc gia mà Hồi giáo, Phật giáo, Chính thống giáo chiếm đa số, ông luôn thể hiện sự tôn trọng tôn giáo bạn.
Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2014, trước khi tiến vào Giáo đường Xanh, một địa điểm nổi tiếng của Hồi giáo tại thành phố Istanbul, Giáo hoàng Francis đã cẩn thận cởi giày ra theo đúng lề luật tại đây, theo tờ La Croix. Sau đó, ở sảnh chính, ông đã cúi đầu, hướng về thánh địa Mecca (Ả Rập Xê Út) của người Hồi giáo và nhắm mắt trong nhiều phút để cầu nguyện cùng Đại giáo chủ Istanbul Rahmi Yaran.
Đã tiêm ngừa Covid-19
Giáo hoàng Francis và nguyên Giáo hoàng Benedict XVI là những vị được tiêm sớm nhất trong chiến dịch chủng ngừa Covid-19 tại Vatican và cả 2 đã tiêm đủ 2 liều của vắc xin Pfizer/BioNTech. Việc tiêm chủng là một trong những yếu tố giúp chuyến thăm Iraq có thể được thực hiện.
LAN CHI
TNO