24/11/2024

Ý chặn vắc xin đến Úc gây lo ngại

Ý chặn vắc xin đến Úc gây lo ngại

Chính quyền Ý, với sự đồng thuận của EU, đã chặn lô hàng hơn 250.000 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca dự kiến xuất tới Úc – một động thái có thể làm gia tăng những căng thẳng toàn cầu về quá trình phân phối vắc xin COVID-19.

 

Ý chặn vắc xin đến Úc gây lo ngại - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang đi lại trong khu Trung tâm thương mại Galleria Vittorio Emanuele II ở Milan, Ý ngày 5-3 – Ảnh: REUTERS

Theo quy trình, Rome đã đề xuất quyết định chặn xuất khẩu lô vắc xin trên lên Ủy ban châu Âu (EC) từ cuối tuần trước (26-2). EC có quyền bác đề nghị này nhưng đã không làm vậy, một động thái biểu thị sự đồng tình với quyết định của Rome.

Vận dụng quy định mới của EU

Bộ Ngoại giao Ý cho biết đã yêu cầu EC chặn xuất khẩu 250.700 liều vắc xin COVID-19 của Oxford/AstraZeneca tới Úc vì cho rằng Úc là nước không thuộc nhóm dễ tổn thương trong đại dịch COVID-19.

Chính quyền Ý cũng dẫn “số liều vắc xin được đề xuất trong yêu cầu xuất khẩu là quá lớn so với số liều đã cung cấp tới nay cho Ý và cho các nước EU nói chung”.

Tân thủ tướng Ý, ông Mario Draghi, từng tuyên bố việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 sẽ là trọng tâm trong những tháng đầu tiên tại nhiệm của ông. Tính tới ngày 2-3, Ý đã chủng ngừa được cho 4,6 triệu dân.

Từ tháng trước, tại hội nghị của các lãnh đạo EU, ông Mario Draghi đã bức xúc đặt vấn đề vì sao EU không áp dụng các cơ chế kiểm soát vắc xin nghiêm ngặt hơn với các công ty không tuân thủ đúng cam kết hợp đồng đã ký.

Như vậy, Ý là quốc gia đầu tiên có động thái chính thức vận dụng điều luật mới của EU: ngăn các nhà sản xuất vắc xin hoạt động trong lãnh thổ EU xuất khẩu vắc xin COVID-19 tới các nước khác khi không thỏa mãn điều kiện cấp phép. Quy định này đã khiến nhiều đồng minh của EU phản đối.

Hiện tại trong số các vắc xin COVID-19 đã được EU cấp phép dùng khẩn cấp, hai hãng Pfizer và AstraZeneca có cơ sở sản xuất vắc xin COVID-19 tại EU.

Theo tờ Financial Times – nơi đầu tiên phát đi thông tin về việc chặn lô vắc xin tới Úc, cho tới chiều 5-3 (giờ Việt Nam), các bên liên quan là Hãng dược AstraZeneca, EC và phái đoàn ngoại giao Úc tại EU chưa có bình luận gì về sự việc.

Đại sứ quán EU tại Canberra cũng nói với báo The Australian Financial Review rằng họ đang liên lạc với Brussels và chưa tiện bình luận thêm.

Tại Úc, báo The Australian Financial Review dẫn lời Bộ trưởng Y tế Greg Hunt ngày 4-3 thông báo lô vắc xin tới Úc của AstraZeneca đã bị chặn mà không giải thích vì sao.

Tuy nhiên, ông Greg Hunt khẳng định sự việc này không ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai tiêm vắc xin của Úc trong những tuần tới.

Theo Euronews, tổng cộng Úc đã đặt mua 53,8 triệu liều vắc xin của Oxford/AstraZeneca cùng với 50 triệu liều dự kiến sản xuất trong nước.

Tranh cãi luật vắc xin “EU trên hết”

Theo cơ chế quản lý được EC công bố từ ngày 30-1, các nhà sản xuất vắc xin có trụ sở ở EU sẽ phải xin phép chính phủ nước sở tại nơi có đặt cơ sở sản xuất vắc xin COVID-19 trước khi xuất hàng ra ngoài EU.

Cụ thể, khi một công ty muốn xuất khẩu vắc xin sẽ phải thông báo với quốc gia sở tại. Quốc gia đó sẽ đối chiếu các tiêu chuẩn về xuất khẩu và ra quyết định đồng ý với đề xuất đó hay không rồi trình lên EC.

EC sẽ có một ngày làm việc để xem xét và quyết định phê chuẩn, chỉnh sửa hay bác bỏ quyết định của quốc gia thành viên. Quốc gia thành viên sẽ phải tuân thủ quyết định cuối cùng của EC về vấn đề này.

Cơ chế quản lý mới là một phần kế sách ứng phó của EU với AstraZeneca khi hãng dược không giao đủ số hàng đúng hẹn cho EU, khiến EU nghi ngờ nhà sản xuất vắc xin đã rút bớt hàng xuất đi nơi khác, đặc biệt là chuyển tới Anh.

Giữa các luồng thông tin chỉ trích về cơ chế kiểm soát xuất khẩu vắc xin COVID-19, theo trang Euronews, Brussels khẳng định rằng trước khi Ý chặn vắc xin tới Úc, khối này chưa chặn xuất khẩu vắc xin.

Theo Đài CNN, trong khoảng thời gian từ 30-1 đến 1-3-2021, EC đã phê chuẩn 174 yêu cầu xin cấp phép xuất khẩu vắc xin COVID-19.

Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Canada, Nhật và Úc, đang lệ thuộc vào các hãng dược đặt tại châu Âu như là nguồn cung vắc xin COVID-19.

Động thái của Ý hẳn sẽ làm dấy lên xung đột ngoại giao và làm nóng thêm những căng thẳng sẵn có trong cuộc đua giành quyền tiếp cận vắc xin vốn đang trong tình thế bất bình đẳng quá lớn, “người ăn không hết kẻ lần chẳng ra”.

Bất chấp thực tế trong nhiều tháng qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ “chủ nghĩa dân tộc vắc xin”, khẳng định “không ai an toàn cho tới khi tất cả cùng an toàn”.

Tuy nhiên, do tình trạng khan hiếm vắc xin COVID-19, nhiều quốc gia vẫn đang vận dụng những biện pháp ngoại lệ để giành quyền tiếp cận vắc xin, miễn sao công dân nước họ được tiêm phòng trước.

5,5% Trong tháng 1, AstraZeneca viện dẫn lý do vì các trục trặc trong dây chuyền sản xuất vắc xin tại châu Âu nên trong quý 1-2021 chỉ có thể cung cấp 40 triệu liều vắc xin cho khối này, trong khi mục tiêu ước tính ban đầu phải giao ít nhất 100 triệu liều.

Theo dữ liệu của WHO, tới nay tiến độ triển khai tiêm chủng vắc xin tại 27 nước thành viên EU vẫn còn khá chậm, mới chỉ khoảng 5,5% trong tổng số khoảng 447 triệu dân của EU đã được tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên.

Không ảnh hưởng tới COVAX

Theo Đài CNN, cơ chế kiểm soát xuất khẩu vắc xin COVID-19 ra ngoài EU không ảnh hưởng tới các hoạt động cứu trợ nhân đạo hay sáng kiến COVAX – chương trình mua và phân phối khoảng 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, trong đó có Việt Nam.

Một lượng lớn vắc xin COVID-19 Việt Nam nhận được qua COVAX là vắc xin của AstraZeneca.

D.KIM THOA
TTO