24/11/2024

Giáo viên ‘dở khóc dở cười’ vì phụ huynh

Giáo viên ‘dở khóc dở cười’ vì phụ huynh

Tôi là giáo viên lớp 2. Có những hôm 11h đêm nhưng điện thoại vẫn réo vang. Phụ huynh gọi điện chỉ với câu hỏi: ‘Tại sao sách vở và đồ dùng học tập của con tôi lại thiếu?’.

 

Giáo viên dở khóc dở cười vì phụ huynh - Ảnh 1.

Nhiều hôm buổi sáng điện thoại nhận được vô số tin nhắn với nội dung: “Cô ơi, bé T. nhà tôi mặc áo khoác, cô cởi giúp con”, “Cháu nhà tôi sao lại không được ngồi bàn đầu? Cháu ngồi xa bảng nhỡ hư mắt thì sao?”, “Ở nhà chúng tôi vẫn phải đút cơm cho con ăn nên…”, “Cô dạy dỗ thế nào mà chữ của con tôi như gà bới thế? Cô dạy thế này tôi sẽ lên gặp hiệu trưởng, tôi sẽ xin chuyển lớp khác cho con”…

Một đồng nghiệp của tôi còn bị phụ huynh dọa: “Cô đừng hòng đụng vào người con tôi, nếu không tôi sẽ cho cô… sáng nhất Facebook”. Một phụ huynh khác còn “ném” thẳng vào mặt cô giáo những lời chì chiết: “Tôi mong cô không lấy được chồng”.

Có hôm, một ông bố người xăm trổ vào trường để hỏi chuyện giáo viên. Ông bố ấy trợn mắt quát cô giáo trước mặt mấy chục học sinh: “Tại sao cô bắt con tôi đứng giữa trời mưa để con tôi về ốm suốt?”.

Sau khi trích camera, dù chỉ phạt học sinh đứng ở ngoài hành lang chứ không phải đứng giữa trời mưa nhưng ông bố ấy vẫn cương quyết: “Tôi không cần biết, chỉ cần phạt con tôi thì cô sẽ bị trả giá”.

Nhớ ngày đầu năm nhận lớp vừa qua, có phụ huynh muốn biết địa chỉ nhà của cô giáo. Tôi xin phép chỉ gặp gỡ phụ huynh ở trường và trao đổi qua điện thoại, Zalo của lớp thôi. Thế mà phụ huynh vào thẳng phòng hiệu trưởng để tố “cô giáo lớp con tôi chảnh quá”.

Ngày 20-11, bên cạnh tấm thiệp chúc mừng cô giáo là vô số “yêu cầu” của phụ huynh kèm theo: “Tôi muốn con tôi làm lớp trưởng”, “Cháu H. rất thích làm cán bộ lớp”, “Sao con chị lại ngồi bàn thứ 3?”, “Tôi muốn con phải trong top 3 của lớp”, “Con chị thích vào đội múa”…

Đọc những tấm thiệp của phụ huynh mà tôi cảm thấy buồn, lạc lõng, tủi thân. Khi tôi trả lại số tiền 200.000 đồng kèm theo tấm thiệp, phụ huynh bĩu môi: “Đã nghèo lại còn sĩ diện”. Tôi không nhận bởi tôi muốn có sự công bằng giữa các thành viên trong lớp, bởi tôi muốn mỗi ngày đến lớp không bị thao túng bởi đồng tiền và vì tôi muốn mình được tôn trọng.

Giờ ra chơi, các con chạy nhảy ngoài sân trường bị xước một chút ở chân, phụ huynh mắng: “Chị gọi điện chị nhắc nhở em, tại sao con chị ở trường lại để cháu bị trầy xước ở chân?”.

Phụ huynh muốn giờ ra chơi các con chơi ở sân trường, ngoài việc dặn dò các con chơi sao cho an toàn còn phải canh chừng các con. Làm sao tôi có thể canh chừng được 45 học sinh trong cả giờ ra chơi?

Nhưng một phụ huynh cho rằng: “Tôi không biết, con tôi ở trong trường này từ mấy giờ đến mấy giờ thì cô giáo chủ nhiệm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, tôi sẽ đưa lên hội đồng trường”.

Cứ như vậy, tự khi nào tôi cảm thấy rất ngộp thở, áp lực với mỗi ngày mới khi phải đối mặt với phụ huynh. Tôi sợ những lời đe nẹt của phụ huynh, sợ “niêu cơm” của nhà mình bị đe dọa. Bởi tôi biết dù đúng dù sai, chỉ cần phụ huynh lên gặp hiệu trưởng, giáo viên như chúng tôi sẽ nhận hết tội lỗi về mình để làm vừa lòng phụ huynh, để nhà trường không mất mặt.

Lâu dần người cầm phấn chẳng khác gì “con chim sợ cành cong”, luôn lo sợ mọi động thái của phụ huynh. Và tự khi nào, chúng tôi không chỉ lo làm tròn vai của một giáo viên trong giáo dục trẻ, trong chuyên môn mà còn phải lo đối phó với phụ huynh, làm vừa lòng phụ huynh để không gây rắc rối cho nhà trường (nếu lỡ phụ huynh lên gặp hiệu trưởng).

Tôi chỉ mong sao mỗi ngày đến lớp được dạy bằng tình yêu với trẻ chứ không phải cho xong nghĩa vụ. Tôi mong phụ huynh hãy đặt mình vào vị trí của người thầy để hiểu, thông cảm, chia sẻ trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục trẻ.

Tôi mong phụ huynh đừng xem chúng tôi như người làm thuê, đừng biến mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh là thương vụ được đo đếm bởi đồng tiền.

THÙY DƯƠNG
TTO