Theo tờ
South China Morning Post, Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) ngày 3.3 đưa tin quân đội nước này vừa tiến hành tập trận phối hợp đổ bộ ở khu vực
Biển Đông. Thông tin được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố đợt tập trận kéo dài 1 tháng, từ ngày 1 – 31.3 ở Biển Đông.
“Pháo đài bay” của Trung Quốc
Trong cuộc tập trận phối hợp đổ bộ trên, theo CCTV, quân đội Trung Quốc đã triển khai tàu đệm khí đổ bộ Type-726, xuất phát từ tàu vận tải đổ bộ loại Type-071, mang theo xe tăng chiến đấu chủ lực Type-96A cùng các binh sĩ thủy quân lục chiến được vũ trang.
Kèm theo đó, phía ngoài khơi có tàu khu trục loại Type-052D, tàu hộ tống loại Type-054A, tàu hỗ trợ. Trên không thì có thêm máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay ném bom H-6.
Mỹ đề xuất mạng lưới tên lửa đối phó Trung Quốc
Tờ Nikkei Asia ngày 5.3 đưa tin Mỹ sẽ tăng cường răn đe Trung Quốc bằng cách thiết lập mạng lưới tên lửa tấn công chính xác trên chuỗi đảo thứ nhất, bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishima, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines…
Mạng lưới này nằm trong đề xuất Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương mà Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã nộp lên quốc hội Mỹ.
Theo đó, không đối diện sự răn đe có hiệu lực và thuyết phục, Trung Quốc sẽ bạo dạn hành động trong khu vực và trên toàn cầu. Do đó, đề xuất kêu gọi thiết lập lực lượng liên quân tương tác với mạng lưới tấn công chính xác tại chuỗi đảo thứ nhất, thống nhất phòng vệ tên lửa tại chuỗi đảo thứ hai và phân phối lực lượng nhằm bảo đảm ổn định, hoặc nếu cần sẽ duy trì chiến dịch chiến đấu lâu dài.
Khánh An
Gần đây, Trung Quốc liên tục điều động oanh tạc cơ H-6, được xem như “pháo đài bay” với hỏa lực mạnh, tham gia các cuộc tập trận. Hồi cuối tháng 2, Trung Quốc đã điều động 10 oanh tạc cơ, bao gồm dòng oanh tạc cơ chiến lược H-6, tham gia cuộc tập trận tác chiến trên biển ở khu vực Biển Đông. Loại máy bay này cũng thường xuyên hoạt động xung quanh quần đảo Đông Sa (Pratas), nằm ở phía bắc Biển Đông và đang do Đài Loan kiểm soát.
Cuối tháng 7.2020, tờ
South China Morning Post dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày cho hay nước này vừa triển khai chiến đấu cơ H-6 tập trận ở khu vực Biển Đông. Đến giữa tháng 8.2020, tờ
Hoàn Cầu thời báo đưa tin Bắc Kinh vừa điều động máy bay ném bom H-6 đến đảo Phú Lâm, thuộc
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Là dòng oanh tạc cơ chiến lược tầm xa, H-6 có phiên bản có thể mang theo tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 (DF-21) vốn là loại tên lửa có thể chứa đầu đạn hạt nhân. Vừa qua, Trung Quốc cũng đã “khai hỏa” tên lửa DF-21 đến Biển Đông nhằm đe dọa các bên liên quan. Cụ thể, ngày 26.8.2020, một tên lửa là loại DF-21 được bắn từ tỉnh Chiết Giang và tên lửa còn lại là loại Đông Phong 26 (DF-26) được bắn từ tỉnh Thanh Hải. Cả hai đều được bắn đến vùng biển giữa đảo Hải Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Chính vì thế, kết hợp các yếu tố trên, việc Trung Quốc thường xuyên điều động oanh tạc cơ H-6 báo hiệu những rủi ro về việc nước này sử dụng sức mạnh vũ khí hạt nhân để tạo thế răn đe ở Biển Đông.
Rủi ro căng thẳng
Trong khi đó, liên quan tình hình Biển Đông, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng ủng hộ việc Đức vừa thông báo sẽ điều động một tàu hộ tống đến Biển Đông.
Cuối tháng 2, Pháp cũng điều động 2 chiến hạm là tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu hộ tống Surcouf vừa rời cảng nhà vào ngày 18.2 để đến Thái Bình Dương trong sứ mệnh kéo dài 3 tháng. Dự kiến, trong sứ mệnh lần này, 2 chiến hạm sẽ hiện diện ở Biển Đông đến 2 lần và sẽ có tập trận chung cùng Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5.
Trước đó, một tàu ngầm hạt nhân của Pháp cũng đã đi qua Biển Đông nhằm nhấn mạnh về quyền tự do hàng hải ở vùng biển này.
Quan ngại về luật Hải cảnh của Trung Quốc
Trong cuộc đối thoại an ninh trực tuyến ngày 4.3, các quan chức ngoại giao, quốc phòng cấp cao của Mỹ và Nhật Bản trao đổi quan điểm về môi trường an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như những vấn đề khu vực và hợp tác quốc phòng song phương.
Họ phản đối mạnh mẽ những ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về luật Hải cảnh của Trung Quốc trao quyền nổ súng cho lực lượng hải cảnh, theo thông báo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hai bên cũng “khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nâng cao các khả năng răn đe, ứng phó và đẩy mạnh liên minh Mỹ – Nhật, vốn đang vững chắc hơn bao giờ hết”, theo thông báo.
Văn Khoa
Cũng tại Biển Đông, Mỹ gần đây cũng đã liên tục tăng cường hoạt động quân sự. Điển hình, ngày 9.2, Washington đã điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tập trận chung ở Biển Đông.
Nhận định tình hình Biển Đông gần đây khi trả lời
Thanh Niên, ông Gregory B.Poling, Giám đốc chương trình AMTI – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đánh giá: “Có vẻ như cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều phát đi tín hiệu sẽ duy trì nhịp độ hoạt động ở Biển Đông. Thông điệp đó của Washington có ý nghĩa quan trọng khi nhiều bên trong khu vực lo ngại Mỹ dưới thời Tổng thống
Joe Biden sẽ “mềm mỏng” với Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng lo ngại tình hình ở Biển Đông, nên thúc đẩy quá trình quốc tế hóa vấn đề của vùng biển này”.
“Với hàng loạt diễn biến như vậy, tình hình Biển Đông có lẽ không ngừng căng thẳng trong thời gian ngắn sắp tới”, chuyên gia Poling dự báo.
HOÀNG ĐÌNH
TNO