23/01/2025

Vắc xin Covid-19 đến tay nhiều nước

Vắc xin Covid-19 đến tay nhiều nước

Nhiều nước bắt đầu hoặc mở rộng chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19, nhưng giới lãnh đạo cảnh báo không nên tự mãn quá sớm.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cầm lọ vắc xin của Sinovac /// Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cầm lọ vắc xin của Sinovac ẢNH: REUTERS
Hôm qua 28.2, Thái Lan là nước Đông Nam Á tiếp theo bắt đầu tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 sau Singapore, Indonesia, Campuchia… Loại vắc xin CoronaVac do Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) sản xuất được cho là an toàn đối với người từ 18 – 59 tuổi. Theo tờ Bangkok Post, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Y tế công Anutin Charnvirakul là người được tiêm đầu tiên trước sự chứng kiến của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha (hiện đã 67 tuổi nên không thể tiêm vắc xin này). Hôm 24.2, Thái Lan nhận lô vắc xin của AstraZeneca (Anh – Thụy Điển) nhưng vẫn chưa cấp phép.
Vắc xin Covid-19 đến tay nhiều nước

Một phụ nữ được tiêm vắc xin tại bệnh viện ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan ẢNH: REUTERS

 

Cùng ngày, Philippines nhận lô vắc xin Covid-19 đầu tiên do Trung Quốc viện trợ. Theo tờ The Philippine Star, máy bay quân sự Trung Quốc chở theo 600.000 liều vắc xin CoronaVac đáp xuống căn cứ ở TP.Pasay và Tổng thống Rodrigo Duterte trực tiếp đến dự lễ đón. Chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu trong ngày 1.3 và các quan chức là những người đầu tiên được tiêm. Bộ Y tế Philippines cho biết CoronaVac hiệu quả 50% trong việc ngăn chặn các triệu chứng nhẹ, nhưng con số tăng dần lên 78% và 100% đối với các triệu chứng vừa và nặng.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài và không chắc chắn. Trả lời phỏng vấn báo La Stampa (Ý), bà Georgieva dự báo viễn cảnh phục hồi giữa các nước phát triển và đang phát triển là khác nhau. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây ra tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thêm cho các nước kém phát triển thông qua IMF.

Cũng trong hôm qua, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho vắc xin ngừa Covid-19 của Hãng Johnson & Johnson (J&J), loại thứ 3 được cấp phép tại Mỹ sau vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna. Theo AP, vắc xin của J&J chỉ cần một liều duy nhất và hiệu quả 85% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nặng của Covid-19, theo nghiên cứu được thực hiện tại 3 lục địa, bao gồm tại những nơi có những biến thể vi rút như Nam Phi.

Giống những vắc xin khác, loại do J&J sản xuất gây ra một số phản ứng phụ như đau ở vùng tiêm, mệt mỏi, nhức đầu nhưng không nghiêm trọng. Mặt khác, vắc xin này có ưu điểm là có thể bảo quản ở tủ lạnh thường trong 3 tháng.
Tổng thống Joe Biden gọi đây là tin tốt lành nhưng kêu gọi người dân Mỹ không nên sớm tự mãn mà phải tiếp tục giữ quy định phòng dịch. “Mọi thứ vẫn có khả năng tồi tệ hơn khi các biến thể mới của vi rút phát tán. Có ánh sáng ở cuối đường hầm nhưng chúng ta không thể mất cảnh giác vào lúc này”, Tổng thống Biden nói.
Nhiều nơi trên thế giới hiện vẫn phải chống chọi với dịch bệnh bằng các lệnh phong tỏa như New Zealand, Brazil, hay các nước châu Âu. Tại CH Ireland, bạo lực diễn ra giữa người biểu tình chống phong tỏa và cảnh sát vào cuối tuần, khiến ít nhất 23 người bị bắt và 1 cảnh sát bị thương.
BẢO VINH
TNO