23/12/2024

Đâu là nghịch lý cản đường phát triển của nông sản ĐBSCL?

Đâu là nghịch lý cản đường phát triển của nông sản ĐBSCL?

ĐBSCL là ‘vựa’ lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước nhưng bao năm qua, chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản tại đây vẫn manh mún, giá cả trồi sụt thất thường, sinh kế người nông dân vẫn bấp bênh. Lý do vì sao?

 

Nỗi buồn ‘vương quốc bưởi Năm Roi’

Xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long được mệnh danh là ‘Vương quốc bưởi Năm roi’ của ĐBSCL với 1.400 ha bưởi, mỗi năm cho năng suất khoảng 50.000 tấn bưởi đặc sản Năm roi. Mặc dù, làm ra loại trái cây đặc sản ngon nức tiếng nhưng người nông dân trồng bưởi ở Mỹ Hòa bao năm nay vẫn chưa thể làm giàu.

Đâu là nghịch lý cản đường phát triển của nông sản ĐBSCL? - Ảnh 1.

Người trồng bưởi ở ĐBSCL vẫn bấp bênh, chưa thể giàu

Lãnh đạo xã Mỹ Hòa cho biết, cũng đã có thời điểm người dân Mỹ Hòa phấn khởi khi trái bưởi được xuất khẩu sang tận châu Âu, tới các thị trường khó tính như Nga, Canada, Ba Lan, Ukraine hay Nhật Bản. Nhưng thực tế tới nay, kỳ vọng nhiều nhưng hiệu quả nông dân được hưởng lợi chưa được bao nhiêu. Một trong những nguyên nhân chính là tiêu chuẩn chất lượng nông sản không đạt yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Em, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi Năm Roi Tấn Phát (xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh) kể, năm 2018, Tổ hợp tác hồ hởi khi có 36 tấn bưởi xuất sang Ukraine. Chuyến hàng trị giá gần 1 tỉ đồng, phía đối tác trả trước 70% giá trị hàng, 30% còn lại được cam kết thanh toán khi nhận hàng.

Theo tính toán, bưởi sau khi được đóng gói làm lạnh, vận chuyển qua đến châu Âu sẽ là 46 ngày, sau đó, sẽ được mang vào siêu thị bán trong 30 ngày, tổng cộng 76 ngày, vẫn đảm bảo chất lượng. “Thế nhưng mọi chuyện không như mình tính, hàng qua đến nơi, họ báo là bị hư nên không trả 30% còn lại. Chúng tôi chới với vì lỗ vốn. Vậy là từ đó, chúng tôi sợ xuất khẩu”, ông Em nói.

‘Không biết rồi sẽ chuyển sang trồng cây gì nữa’

Không chỉ vấn đề tiêu chuẩn chất lượng, nông sản ĐBSCL còn gặp tình trạng giá cả trồi sụt thất thường, nên bao năm qua, ở ĐBSCL người ta đã quá quen với tình trạng trồng – chặt tự phát, thay đổi cây trồng theo phong trào. Đơn cử như ở H.Châu Thành, Hậu Giang, từng có thời điểm người dân ồ ạt chặt vườn cam để chuyển qua trồng xoài Đài Loan, mít Thái Lan, ổi lê Đài Loan…

Như gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (67 tuổi, ấp Tân Hưng, thị trấn Ngã Sáu, H.Châu Thành, Hậu Giang), có 1,1 ha đất nhưng 6 năm qua đã thay đổi cây trồng đến 4 lần. “Ban đầu tôi trồng xoài bưởi, sau đó thấy mít có giá thì chuyển qua trồng mít xen cam sành. Thu hoạch được 1 năm, mít cho trái bị sơ múi đen nên đành chặt mít chuyển sang trồng xoài Đài Loan, rồi cam sành cũng phải chặt hết vì bệnh vàng lá gân xanh”, bà Hồng kể. Bà than: “Cứ đà này, tôi không biết rồi sẽ chuyển sang trồng cây gì nữa”.

Đâu là nghịch lý cản đường phát triển của nông sản ĐBSCL? - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không có nông dân nơi nào trên thế giới lại “trồng rồi chặt, trồng rồi chặt” như ở ĐBSCL

Trên thực tế, phần lớn nông dân đang chưa được tư vấn hỗ trợ đúng mức trong khâu canh tác sản xuất, trừ sâu bệnh để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, và tìm đầu ra ổn định; dẫn đến thực trạng thương lái mua gì thì nông dân trồng thứ đó, thấy cây nào có giá thì đổ xô bắt chước nhau trồng. Cung vượt cầu, giá xuống rồi lại chặt, trồng cây khác. Vòng luẩn quẩn đó mãi không có lối thoát.

Theo các chuyên gia, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đang mở thêm những thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam; ngay từ bây giờ, cần có phương án nâng tầm ưu thế cạnh tranh cho nông sản Việt, mà trước mắt nên tập trung vào vùng ĐBSCL. Cụ thể là đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng nông sản, ứng dụng công nghệ kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bên cạnh các yêu cầu về đóng gói và chế biến, xuất khẩu, dự trữ, hàng rào thuế quan, tài chính…

Nêu giải pháp căn cơ cho nông sản ĐBSCL, GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định: “Quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần phải có thông tin thị trường, tổ chức cho nông dân sản xuất theo nhu cầu, đặt hàng; đồng thời có quy hoạch vùng sản xuất phù hợp từng nơi”.

Song song đó là sự chủ động vào cuộc của các đơn vị cung ứng dịch vụ thương mại và xuất khẩu nông sản.

“Trong bối cảnh ngành sản xuất nông sản ngày càng phát triển, việc sản xuất nông sản với quy mô nhỏ lẻ, chất lượng không ổn định, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật, chưa tiếp cận được những phương thức bảo quản sau thu hoạch, kèm theo chi phí vận chuyển cao đã trở thành rào cản cho nông sản Việt Nam nói chung và nông sản ĐBSCL tiếp cận thị trường, nhất là thị trường quốc tế. Trong khi đó, hiện chưa có doanh nghiệp nào đứng ra cung cấp các dịch vụ toàn diện từ khâu bắt đầu canh tác cho đến khâu bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển và tìm đầu ra cho nông sản. Đó là trăn trở của không chỉ các cơ quan hoạch định chính sách mà còn là điều mà những doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi phải vào cuộc, để tạo đòn bẩy cho nông sản Việt Nam bứt phá đúng tiềm năng” – ông Tô Thái Thành – đại diện Hanh Nguyen Logistics – thành viên Tien Thinh Group chia sẻ.

VŨ PHONG
TTO