Khi nạn nhân thức dậy

Khi nạn nhân thức dậy

Cách đây vài hôm, tôi nhìn thấy hình ảnh của nghệ sĩ Thương Tín có vẻ như đang hôn mê, mũi đeo ống thở, miệng há hốc, mắt nhắm lại. Ảnh chụp rất rõ, góc nào cũng rõ hết. Người chụp chắc là đứng ngay giường bệnh.

 

Khi nạn nhân thức dậy - Ảnh 1.

Câu chuyện về quyền riêng tư đã được pháp luật, báo chí quan tâm nhiều năm – nhất là khi mạng xã hội mỗi lúc một lớn mạnh – Ảnh chụp màn hình

Có nhiều cách để giúp đỡ con người mà không cần phải chụp vết thương để làm bằng chứng. Nhưng dường như đã bị chúng ta phớt lờ.

Những tấm ảnh ấy cũng được chia sẻ lên mạng xã hội. Nhiều người bình luận vẻ thương xót vào ngay tấm ảnh, người trách cứ lối sống yêu đương thời trẻ của ông, người bênh vực rằng bạn không giúp đỡ nghệ sĩ thì thôi, đây không phải là lúc để nói những điều như thế.

Hôm sau, báo chí đưa thêm nhiều thông tin rằng Thương Tín đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, vài nhân vật xuất hiện trên Facebook nói sẽ giúp nghệ sĩ vượt qua lúc khó khăn ngặt nghèo này và công bố số tiền mà họ sẽ tặng anh. Một lần nữa, kèm với bài viết, hình ảnh tiều tụy, hôn mê của Thương Tín lại được nhiều người chia sẻ…

Tất cả như trong một vòng xoáy cuốn mọi thông tin không đáng có của Thương Tín đi. Trông thật đau lòng!

Câu chuyện về nghệ sĩ Thương Tín làm tôi nhớ đến một sự kiện tương tự – Steve Jobs – khi ông điều trị ung thư giai đoạn cuối. Không rõ từ nguồn nào, ảnh Steve Jobs mặc một chiếc áo màu đen dài, trên một thân thể ốm yếu, hom hem không còn đứng vững đã xuất hiện trên báo chí lẫn mạng xã hội. Thế giới một phen rúng động bàng hoàng. Người người vào xem và liên tục bình luận về nó.

Ngày nay “bình luận” được xem như một hành vi không thể thiếu. Người ta không thể dừng bình luận về bất cứ thứ gì, thậm chí các mạng xã hội luôn khuyến khích bạn bình luận. Mọi tin tức đều có phần bình luận. Mọi trang mạng xã hội đều có phần bình luận. Ngay cả YouTube hoặc TikTok, mạng xã hội “nghe xem là chính” cũng không thể thiếu nó.

Bình luận đã làm tốt cái phần khao khát con người, được nói, được phân tích, mổ xẻ, được phanh phui, được thể hiện mình…

Điều gì sẽ xảy ra khi hình ảnh ngoài mong muốn của bạn bị phơi bày trên các phương tiện truyền thông và đi kèm với những bình luận. Bạn sẽ ứng xử với điều đó như thế nào? Bạn muốn chặn đứng điều đó hay sẽ cam chịu vì không biết phải làm sao thoát khỏi nó, hoặc kiện ở đâu…

Chắc chắn một điều rằng khi mất đi, Steve Jobs sẽ không bao giờ mong chờ một hình ảnh về mình như trong tấm ảnh cuối cùng ấy. Chắc chắn nhiều năm sau vợ con ông ấy cũng sẽ rất đau lòng khi nhìn thấy tấm ảnh đó. Nó không thể xóa trên Internet. Và chắc chắn rằng không ai trong chúng ta muốn mình rơi vào một tình huống tương tự.

Khi nạn nhân thức dậy - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Thương Tín cũng không nằm ngoài tình huống này. Tôi không biết Thương Tín có cho phép những hình ảnh đáng thương của mình được đăng tải hay không. Hoặc, dù vẫn biết rằng Thương Tín sẽ không đi kiện ai trong vấn đề này, hoặc những tấm ảnh ấy được công bố với một tinh thần tương trợ, thì trong mỗi chúng ta vẫn cứ cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy nó.

Cuộc sống không bắt đầu bằng sự kiện mà chúng chỉ bắt đầu từ lúc chúng ta xử lý sự kiện, giải quyết nó, đưa nó đi đâu.

Có nhiều cách để giúp đỡ con người mà không cần phải chụp vết thương để làm bằng chứng. Nhưng dường như đã bị chúng ta phớt lờ. Hoặc thay vì khi giúp đỡ một ai đó trong im lặng, chúng ta chọn cách công bố con số ấy lên. Gìn giữ vẻ đẹp cho người khác luôn khó hơn gìn giữ vẻ đẹp cho chính mình là vậy.

Trong những năm qua, chúng ta chứng kiến những bước đi đầu tiên, những thay đổi quan trọng về quyền riêng tư trên mạng xã hội. Chúng ta kêu gọi thực thi quyền riêng tư của mỗi cá nhân, từng cái email, từng số điện thoại. Chúng ta chống lại hành vi theo dõi, ngay cả hành vi theo dõi đó chỉ để bán một món hàng. Mọi hành vi theo dõi cần phải được sự cho phép của chúng ta.

Nhưng còn tôn trọng quyền riêng tư của người khác thì sao càng lúc càng trở nên yếu kém! Nhiều bằng chứng, nhiều video, nhiều góc khuất của người khác được tung lên mạng một cách vô tội vạ. Chúng ta có quyền công bố chúng lên không?

Khi một nạn nhân thức dậy, họ bàng hoàng nhận ra cả thế giới đang tung hàng loạt thông tin về cuộc sống của chính họ lên mạng xã hội, cùng bàn luận về nó, khen nó, thông cảm nó, chê bai nó, khinh miệt nó…

Họ sẽ làm gì bây giờ? Những khoảnh khắc đau thương đó có thể tồn tại mãi mãi như hình ảnh đau buồn của Steve Jobs. Họ cần phải làm gì? Không phải nạn nhân nào cũng có thể thức dậy sống tiếp với một thực trạng như vậy.

Tôi nhớ bà tôi khi cho tiền cháu, thường bà hay để dưới vỏ gối của cháu, tránh đưa tận tay. Thậm chí khi cháu hỏi, bà chỉ cười vờ như không biết số tiền ấy. Hoặc như mẹ tôi khi cho tiền đứa này luôn giấu với đứa kia, sợ chúng biết chúng sẽ hiềm khích và không thương nhau nữa. Đó là cách người xưa duy trì sự quan tâm đến người khác mà không bao giờ muốn làm tổn thương họ.

Ngày nay, sự quan tâm của con người có thể giết chết một con voi. Và điều đó thật đáng kinh sợ!

NGUYỄN NGỌC THUẦN
TTO