Hiểm hoạ từ phẫu thuật thẩm mỹ lên ngôi thời Covid-19
Hiểm hoạ từ phẫu thuật thẩm mỹ lên ngôi thời Covid-19
Nhu cầu có khuôn mặt “long lanh” khi xuất hiện trong ứng dụng video trực tuyến thúc đẩy sự bùng nổ phẫu thuật thẩm mỹ ở Albania và nhiều phụ nữ trẻ tiền mất tật mang vì bác sĩ dỏm.
Các bác sĩ cho biết dịch vụ hút khách nhất trong đại dịch Covid-19 tập trung vào làm đẹp khuôn mặt, như tiêm botox, nâng mũi và chỉnh hình dù phẫu thuật nâng ngực và mông vẫn tiếp tục phổ biến, theo AFP.
Đa số khách hàng là người trẻ tuổi như nữ sinh viên Ana Kela (20 tuổi) ở thủ đô Tirana của Albania có đôi môi căng mọng kể từ tháng 12.2020. “Trước khi đụng đến dao kéo, mỗi lần nhìn vào màn hình điện thoại thì tôi thấy mình thật xấu xí, mắt thâm quầng, mũi quá to, môi rất mỏng và đó thật sự là một thảm họa. Thậm chí, không ai trong lớp học trực tuyến lên tiếng chào tôi”, cô Kela nói về các lớp học online của Đại học Tirana, nơi cô theo học ngành kinh tế.
Sau ca phẫu thuật để làm môi dày hơn, cô Kela hài lòng với “diện mạo mới”. Tuy nhiên, không may mắn như Kela, nhiều phụ nữ trẻ lâm vào tình trạng tiền mất tật mang vì các trung tâm thẩm mỹ không có giấy phép và bác sĩ không bằng cấp.
Thẩm mỹ viện giá rẻ tràn lan
Tiến sĩ Monika Fida, giáo sư tại Đại học Y ở Tirana, cho biết các thẩm mỹ viện mới mọc lên như nấm, quảng cáo giảm giá ồ ạt trên mạng xã hội ở một quốc gia với mức lương trung bình là khoảng 420 euro/tháng. “Hãy đến với nhóm 4 người để được giảm giá hơn 50% dịch vụ bơm môi và nâng mông”, theo một quảng cáo.
Bên cạnh đó, tiến sĩ-bác sĩ Brunilda Bardhi lưu ý các thiết bị phẫu thuật thẩm mỹ phải được xử lý bởi những chuyên gia cùng bác sĩ được cấp phép. Bà Bardhi là một trong những chuyên gia hàng đầu về các phương pháp điều trị bằng laser để làm săn chắc da và là nhà sáng lập một học viện, bệnh viện thẩm mỹ ở Tirana.
Tuy nhiên, các cuộc khảo sát thực địa mới đây của Hiệp hội Bác sĩ Da liễu và Thẩm mỹ do bà Bardhi đứng đầu phát hiện khoảng 70 thẩm mỹ viện ở Tirana có thiết bị laser được vận hành bởi những nhân viên không đủ trình độ, tay nghề hoặc không có giấy phép hành nghề.
|
Bị bỏng, khó thở
Cô Eva Kola, một nữ sinh viên ngành khoa học chính trị (21 tuổi), đã tin tưởng một thẩm mỹ viện sau khi đọc các bài đăng của cơ sở này trên mạng xã hội Instagram. Cô chi 20 euro để xóa nhanh hình xăm tên viết tắt người yêu cũ trên ngón tay. Tuy nhiên, việc xóa nhanh hình xăm không diễn ra như mong muốn. Thiết bị bắn tia laser không được vận hành đúng cách đã khiến cho cô bị bỏng độ 3 và dị ứng nghiêm trọng. Nữ sinh viên cho biết cô đã bị sốt và đau không thể chịu nổi dọc theo cánh tay.
Trong một trường hợp khác, cô Nertila Rrahmani (31 tuổi), một thợ làm móng tay ở Milan (Ý), lặn lội đến Tirana để phẫu thuật nâng mũi. Sau ca phẫu thuật đó, cô gặp vấn đề về đường hô hấp phải đến bệnh viện chữa trị. Tuy nhiên, sau đó, cô vẫn tiếp tục phẫu thuật chỉnh sửa hình dạng mũi để trông nhỏ hơn.
Trả lời phỏng vấn AFP trong lúc vẫn còn đeo băng sau phẫu thuật, cô Rrahmani nói: “Phẫu thuật thẩm mỹ giúp tôi thoát khỏi tâm lý bất an trong nhiều năm qua”. “Đại dịch Covid-19 không thể ngăn cản những người yêu bản thân mình và muốn cải thiện ngoại hình bằng phẫu thuật thẩm mỹ”, cô Rrahmani nói.
|
Bà Jorida Zegali, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Tirana, cho biết: “Áp lực về ngoại hình đẹp trong giao tiếp trên không gian mạng thời đại dịch Covid-19 trở thành một nỗi ám ảnh đối với những người trẻ, điều này thôi thúc họ tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ”.
Bên cạnh đó, các bác sĩ Albania kêu gọi chính phủ tăng cường biện pháp quản lý lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ để đảm bảo an toàn cho người dân.
PHÚC DUY
TNO