23/01/2025

Năm 2021 thi đánh giá năng lực ra sao?

Năm 2021 thi đánh giá năng lực ra sao?

Ngày 24-2, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội nghị khảo thí trực tuyến ‘Giới thiệu các bài thi đánh giá năng lực ở Việt Nam năm 2021’.

 

Năm 2021 thi đánh giá năng lực ra sao? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020 – Ảnh: HOÀNG AN

“Vì ngân hàng đề rất lớn nên các lò luyện thi không thể bao quát hết được. Chúng tôi khuyên thí sinh không nên mất thời gian đầu tư tiền bạc, thời gian vào lò luyện thi.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo

Hội nghị giới thiệu bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Không kiểm tra trí nhớ

Năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ở miền Bắc và miền Nam. Riêng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gọi kỳ thi này là kỳ thi đánh giá tư duy. Đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội dài 195 phút với 150 câu hỏi.

Còn bài thi của ĐH Quốc gia TP.HCM dài 150 phút với 120 câu hỏi. Bài thi kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa dài 180 phút gồm phần bắt buộc, gồm toán (trắc nghiệm, tự luận) và đọc hiểu (trắc nghiệm); phần tự chọn (trắc nghiệm).

Hiện chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi trên máy. Còn ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức thi trên giấy. Tham gia kỳ thi của ba đơn vị nói trên, thí sinh được đăng ký dự thi và nộp lệ phí online. Thí sinh có thể biết kết quả ngay sau khi thi.

Các đơn vị đều chuẩn bị sẵn ngân hàng đề thi với hàng ngàn câu hỏi. ĐH Quốc gia Hà Nội với ngân hàng đề thi lên tới 12.000 – 15.000 câu hỏi có khả năng tổ chức bốn đợt thi trong năm. Trong mỗi đợt thi, mỗi thí sinh sẽ thi một đề riêng.

Đề thi kiểm tra năng lực của các trường sẽ bao quát kiến thức của ba năm THPT và kiến thức của lớp 12 sẽ được kiểm tra nhiều hơn. Mỗi câu hỏi cung cấp đủ kiến thức để kiểm tra năng lực, tư duy phân tích của thí sinh chứ không thiên về kiểm tra trí nhớ, khả năng học thuộc của thí sinh.

Đừng mất thời gian vào lò luyện

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội – cho biết: “Bài thi nhằm kiểm tra năng lực tư duy của học sinh, do đó sẽ cung cấp đủ thông tin để các em có thể phân tích, trả lời.

Bài thi này nhằm chống lại cách học thuộc lòng, cũng như học gì thi nấy. Vì ngân hàng đề rất lớn nên các lò luyện thi không thể bao quát hết được. Chúng tôi khuyên thí sinh không nên mất thời gian đầu tư tiền bạc, thời gian vào lò luyện thi”.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đều muốn biết cách xây dựng ngân hàng câu hỏi của các trường, vì ngân hàng câu hỏi là linh hồn của kỳ thi.

“Chúng tôi phải xây dựng các tiêu chuẩn về câu hỏi, xây dựng câu hỏi thô, phản biện, trao đổi, chỉnh sửa, trao đổi lại với tổ chuyên gia, thử cho học sinh trả lời (đảm bảo mẫu đủ lớn, đảm bảo yếu tố vùng miền), căn cứ vào phản hồi của thí sinh, tiếp tục hiệu chỉnh câu hỏi… ĐH Quốc gia Hà Nội đang kế thừa 15.500 câu hỏi của ngân hàng từ năm 2016 tiếp tục bổ sung và loại bỏ các câu hỏi quá quen thuộc.

Với 12.000 – 15.000 câu hỏi, năm 2021 chúng tôi đảm bảo mỗi thí sinh thi một đề riêng biệt. Chúng tôi đảm bảo tính cân bằng của từng mã đề” – GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.

Còn TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết: “Ban đầu chúng tôi rất lo tìm cách cân đong ma trận đề thi nhưng sau ba năm thực hiện kỳ thi riêng, chúng tôi thấy phổ điểm ba năm trùng khớp, chứng tỏ bài thi đã đạt được sự ổn định, giúp chúng tôi tự tin hơn trước”.

ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố đề thi mẫu vào trung tuần tháng 1-2021. ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ công bố bài thi mẫu vào 15-3. Còn Trường ĐH Bách khoa không đưa ra đề thi mẫu mà chỉ đưa ra đề cương và ví dụ minh họa.

Chất lượng thí sinh thế nào?

Câu hỏi mà nhiều người cùng quan tâm đó là chất lượng thí sinh tuyển theo phương thức dùng kết quả kỳ thi riêng như thế nào? Lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM tham dự hội nghị nói trên đều khẳng định là “tương đối tốt”.

NGỌC DIỆP
TTO