23/01/2025

Học online thoải mái và hiệu quả: Được chứ sao không?

Học online thoải mái và hiệu quả: Được chứ sao không?

Việc học trực tuyến trong bối cảnh hiện tại là cần thiết. Vì vậy cần suy nghĩ về những cách thức khả thi để giải tỏa bớt áp lực cho học sinh.

 

Học online thoải mái và hiệu quả: Được chứ sao không? - Ảnh 1.

Một học sinh lớp 2 Trường tiểu học Minh Đạo, Q.5, TP.HCM học trực tuyến cùng với mẹ – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi thường nói với các giáo sinh rằng chúng ta sẽ không thể dạy được trẻ cho đến khi đứa trẻ học được. Để học trực tuyến hiệu quả, trẻ cần phải được hướng dẫn thành thạo những kỹ năng số để phản xạ nhanh, có kỹ năng lập kế hoạch học tập và quản lý thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ học tập.

PGS.TS TRẦN THÀNH NAM (giảng viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Từ thực tế quan sát việc học trực tuyến với cậu con trai lớp 7 và cô con gái lớp 1 cũng như trực tiếp tập huấn và trao đổi với các giáo viên về phương pháp giảng dạy trực tuyến, tôi tin rằng sẽ có nhiều bạn học sinh đang gặp những khó khăn trong việc học trực tuyến, đặc biệt là với những học sinh tuổi nhỏ.

Nhận diện rào cản

Việc học trực tuyến đang yêu cầu xử lý thông tin cấp cao liên tục, đòi hỏi sự tập trung và phản ứng như trình độ sinh viên đại học. Chỉ cần xao lãng vài chục giây, xử lý thông tin chậm hơn có thể dẫn đến bỏ lỡ nguyên một bài học.

Môi trường học ở nhà không đảm bảo. Học sinh dễ dàng phân tâm vào các kích thích giác quan diễn ra trong môi trường gia đình, ngược lại sẽ mất cảm giác và xúc giác chạm sờ trong trải nghiệm học tập.

Khi đang ngồi trong lớp học, ánh mặt trời chiếu vào mặt, những khuôn mặt quen thuộc của bạn bè, mùi mực mới hay tiếng lạo xạo của nét bút. Tất cả những gì chúng ta nghe, nhìn, ngửi, chạm đều được mã hóa vào tâm trí và xử lý qua hệ thống nhận thức thần kinh rằng chúng ta đang ở trong thế giới của học tập, từ đó thúc đẩy động cơ và các hành vi học tập. Học trực tuyến làm mất đi những cảm giác này.

Về sức khỏe, học sinh không thể tránh khỏi tình trạng hao tổn năng lượng thần kinh khi phải nhìn chằm chằm vào màn hình nhỏ hàng giờ mỗi ngày. Có thể dễ dàng nhận ra điều này khi con dụi mắt, phàn nàn về việc bị mỏi, nhìn mờ và các biểu hiện cáu kỉnh, thiếu tập trung của con.

Học trực tuyến làm mất đi các cơ hội xả bỏ căng thẳng như các giờ tập thể dục, giờ ra chơi được chạy đuổi nhau dưới sân trường. Với phần lớn học sinh, sau giờ học trực tuyến thường lại là nằm nghỉ hoặc chìm đắm với những trò chơi giải trí dán mắt vào màn hình khác.

Một số học sinh gặp khó khăn khi học trực tuyến

– Những học sinh đang chịu các chấn thương như gia đình có thành viên bệnh nặng, học sinh đang có sẵn những khó khăn cụ thể như chứng khó đọc, viết và tính toán…

– Những học sinh có tổn thương tâm lý, bị rối loạn học tập, có biểu hiện tăng động giảm chú ý, lo âu, trầm cảm.

– Số trẻ chậm hơn hoặc gặp khó khăn hơn về xử lý thông tin thính giác, thị giác dễ bị tụt lại phía sau.

– Những đứa trẻ thiếu kỹ năng cũng sẽ gặp khó khăn hơn với việc học trực tuyến, trong đó đặc biệt là các kỹ năng số và kỹ năng tự học.

– Những học sinh thuộc nhóm các gia đình khó khăn, không được tiếp cận với máy tính và truy cập Internet đầy đủ.

Cùng con lên kế hoạch học tập

Để tiếp tục với việc học trực tuyến, cha mẹ cần tìm hiểu phong cách học tập của con. Tương tự, trẻ cũng cần hiểu về cách đầu óc của chúng hoạt động và tiếp thu hiệu quả hơn qua kênh hình hay kênh tiếng, điểm mạnh và điểm yếu trong phản xạ học tập, những khó khăn học tập hiện tại, những khiếm khuyết về thính lực, thị lực… Từ đó cha mẹ cùng con lập kế hoạch học trực tuyến, gồm cách thức học, cách theo dõi, tự đánh giá.

Phụ huynh cần nhận diện sớm các dấu hiệu mất cân bằng thời gian dành cho màn hình và các hoạt động thể chất khác. Hạn chế con tiếp xúc với thiết bị điện tử, trò chơi, YouTube hoặc tivi ngoài giờ học trực tuyến một cách hợp lý. Cài đặt chế độ (giảm sáng, dán màn hình…) để hạn chế ánh sáng xanh có hại cho mắt.

Giúp con thiết lập một không gian học tập riêng và cố định để tạo sự liên kết giữa không gian và hoạt động học tập. Có quy định không được xâm phạm không gian này khi con học. Bố trí đầy đủ thiết bị và tiện nghi vào đó.

Đặt ra quy tắc bắt đầu một buổi học trực tuyến bằng một hoạt động nhẹ nhàng bên ngoài với thiên nhiên (đơn giản như đi dạo một vòng ở sân, vườn nơi có không gian xanh, ngồi trên bancông mở cửa sổ đón không khí trong lành, ngắm mây bay và nói những gì con tưởng tượng dựa trên hình các đám mây, giúp cha mẹ chăm sóc cây hoa…, hoặc những hoạt động nào mà con thích mang lại sự thoải mái như tắm hoặc làm vài động tác thể dục, yoga, thiền…).

Để học trực tuyến có hiệu quả, hãy để cho con những khoảng thời gian không làm gì cả để tinh thần hoàn toàn thư giãn.

Không phải online suốt ngày

 

vfisaaa (1) 3(read-only)

Giáo viên Trường VFIS trong tiết dạy trực tuyến – Ảnh: VFIS

Theo TS Nguyễn Thị Thu Huyền – phó hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan (VFIS), từ ngày 22-2 học sinh của trường học trở lại sau kỳ nghỉ tết bằng hình thức online.

Với học sinh lớp 1, 2, chỉ có hai khung giờ để vào online chung với giáo viên là 8h sáng và 13h30 chiều, chứ không theo các tiết rải rác cả ngày. Các môn tiếng Việt, tiếng Anh, khoa học, toán, các em phải lên máy học trực tuyến hoàn toàn với giáo viên. Dung lượng mỗi lần online tùy vào mỗi giáo viên, dao động từ 10-45 phút.

Bài giảng những môn còn lại sẽ được đăng trên phần mềm Google Classroom, học sinh sẽ đăng nhập tài khoản vào học theo thời gian linh hoạt với từng người. Các bạn lớp 1, 2 thường cần sự trợ giúp của phụ huynh để mở máy, đăng nhập, nên cách làm này sẽ giúp cha mẹ không phải quần quật bên con cả ngày vì chỉ có hai mốc thời gian trong ngày bắt buộc online với bốn môn kể trên.

Trong khi đó, học sinh lớp 3 trở lên sẽ học online tất cả các môn, theo thời khóa biểu như trước nay. Tuy nhiên, thời gian online “thực” tùy thuộc vào giáo viên, tối thiểu 10 phút. Chẳng hạn các môn toán, tiếng Anh, khoa học vốn dài 2 tiết (90 phút), giáo viên có thể lên lịch cho học sinh lên máy nghe giảng 15-20 phút, rồi yêu cầu các em rời khỏi màn hình để làm các bài tập trên giấy, xong thì quay lại báo cáo. Học sinh không nhất thiết ngồi trước màn hình từ sáng tới chiều, nhưng đầu các tiết đều phải trình diện và theo sự hướng dẫn của giáo viên.

Năm trước, Trường VFIS phân chia dạy các em theo từng nhóm nhỏ, khoảng năm em một lớp online, thì năm nay sẽ cho các em học theo đúng lớp thực tế của mình khoảng 20 em. Theo TS Huyền, điều này giúp trẻ hiểu chúng đang trong giai đoạn… đi học chứ không phải nghỉ ngơi. Ngoài ra, các quy định vừa qua của TP.HCM khá rõ ràng, việc học online là theo lịch của năm học, vì thế phụ huynh không thể yêu cầu hoãn hay lùi lịch năm học như năm rồi.

TS Huyền cho rằng tâm thế của phụ huynh với việc học online của con là rất quan trọng. Ngày nay, các ứng dụng đều đã rất dễ thao tác, chỉ cần dùng một vài lần là có thể thuần thục. Nhiều trường như Trường VFIS thậm chí sẽ giúp phụ huynh cài đặt phần mềm, tạo tài khoản, tạo cả email từ “A đến Z”, việc còn lại của phụ huynh chỉ cần nhấn nút là vào được “lớp học ảo” cho con học. Nếu vẫn còn trở ngại, phụ huynh có thể yêu cầu trường hỗ trợ cá nhân cho các em. (TRỌNG NHÂN)

PGS.TS TRẦN THÀNH NAM (giảng viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội)
TTO