Xuất khẩu máy móc và phụ tùng “lên ngôi”
Chiều qua 22.2, theo số liệu được cập nhật từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 2, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 9,94 tỉ USD, tăng nhẹ gần 2,5% so với cùng kỳ 2020. Tính lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15.2, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 38,46 tỉ USD, tăng mạnh gần 37% so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương tăng thêm hơn 10 tỉ USD); nhập khẩu đạt 35,7 tỉ USD, tăng 25,3% so cùng kỳ (tương đương hơn 7 tỉ USD). Như vậy, trong 1,5 tháng qua, cả nước xuất siêu 2,76 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái cả nước
nhập siêu 400 triệu USD.
“Thêm nửa tháng, thặng dư thương mại tăng gấp đôi, trong đó xuất khẩu nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo và điện tử, điện thoại tăng mạnh. Điều này chứng tỏ có sự dịch chuyển về cơ cấu sản xuất hàng hóa trong nước theo chiều hướng tốt hơn cho Việt Nam, tập trung mảng chế biến chế tạo mạnh mẽ hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp Việt Nam”.
Như vậy, so với cùng kỳ một năm trước, cả xuất và nhập khẩu của Việt Nam đều có sự khởi đầu khá ấn tượng. Đặc biệt, góp phần tăng thặng dư thương mại cao từ đầu năm đến nay có thể kể đến các nhóm hàng xuất khẩu “đinh” của Việt Nam lâu nay. Nửa đầu tháng 2, có tới 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên gồm điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và mặt hàng dệt may.
Trước đó, số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy có sự thay đổi vị trí các nhóm hàng xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đã vượt mặt nhóm hàng dệt may, tăng vọt 3,26 tỉ USD, cao hơn gần 120% so cùng kỳ năm ngoái và lọt vào tốp 3 nhóm hàng xuất khẩu có quy mô kim ngạch lớn nhất Việt Nam – chỉ sau nhóm hàng điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Nhìn vào số liệu được cập nhật của cơ quan hải quan, chuyên gia
kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận xét nền kinh tế Việt Nam có tính thích ứng tương đối tốt trong trạng thái “bình thường mới” của đại dịch. Trong tháng đầu năm, xuất siêu cả nước đạt 1,3 tỉ USD được đánh giá là nhờ Samsung xuất khẩu mẫu điện thoại mới tăng mạnh. Tuy nhiên, nhóm hàng xuất khẩu đáng lưu ý trong 1,5 tháng qua ngoài điện thoại thì mặt hàng máy móc và phụ tùng đáng lưu tâm. Năm 2020, xuất khẩu nhóm hàng này tăng gần 50%, đạt 27,2 tỉ USD so với năm 2019. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm 12,21 tỉ USD, tăng mạnh gần 142%; thị trường EU tăng 28,5%; Hàn Quốc tăng 26%; Nhật Bản tăng 5,6%;
Trung Quốc tăng hơn 22%… so với năm 2019. Ông nói: “Không phải đến đầu năm nay, nhóm hàng máy móc, phụ tùng xuất khẩu mới lên ngôi mà thực tế đã có sự chuyển dịch từ nhiều năm trước, kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này của năm sau luôn tăng hơn năm trước”.
ảnh: hoàng triều – đồ họa: hồng sơn
|
Kỳ vọng sự “chuyển dịch” trong công nghệ chế tạo
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh lưu ý sự “chuyển dịch mạnh mẽ” đối với nền công nghiệp, điện tử, chế tạo Việt Nam không chỉ xảy ra đối với khu vực
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà là trong nước. Đó là sự xuất hiện của doanh nghiệp trong nước, gia công điện thoại và xuất khẩu đi Mỹ chứ không chỉ điện thoại Samsung “thống trị” thị trường xuất khẩu điện thoại lâu nay.
Từ tháng 9.2020, doanh nghiệp trong nước là VinSmart (thuộc Tập đoàn
Vingroup) đã xuất khẩu lô hàng gia công điện thoại đầu tiên sang Mỹ. Công ty này đã hợp tác với Tập đoàn Qualcomm (Mỹ) để nghiên cứu phát triển dòng điện thoại Vsmart Aris 5G V742 và họ từng khẳng định Mỹ là thị trường mục tiêu của công ty trong năm 2021. Rồi những doanh nghiệp nội ngành cơ khí lớn như Đại Dũng, Duy Khanh…
Một báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam mới đây của tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ, Asia Perspective cho thấy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong quý cuối năm qua là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành chế tạo sản xuất với mức tăng trưởng 8,63% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo cũng cho thấy giá trị gia tăng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam tăng 4,8% so với năm 2020. Ngành chế tạo sản xuất tăng trưởng mạnh đã giúp GDP của Việt Nam quý 4/2020 tăng gần 4,5% so với cùng kỳ năm trước, giúp tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,91%. “Đây là thành tựu kinh tế ấn tượng trong một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch
Covid-19”, báo cáo nhấn mạnh. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý ngành chế biến chế tạo Việt đang có sự hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư, chiếm gần 48% vốn FDI đăng ký mới vào năm 2020.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh bổ sung: “Tuy có
doanh nghiệp trong nước nổi lên như VinFast, VinSmart… nhưng nhìn chung công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI là chính. Năm 2018 – 2019, tốc độ xuất khẩu nhóm hàng chế tạo của doanh nghiệp Việt chiếm 15 -16%, nhưng sang năm 2020 đã chững lại, giảm nhẹ. Thế nên, điều cần thiết phải tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp trong nước phát huy năng lực, liên kết tạo ra sản phẩm điện tử, máy móc Việt. Đây là bài toán lớn nhưng hiện tại chúng ta đang có một số yếu tố thuận lợi để tăng tốc, tạo thế tự chủ và phát triển bền vững trong công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam trong tương lai gần”.