Học trực tuyến ‘năm COVID-19 thứ hai’: Hôm nay con không được đẹp cô ơi
Học trực tuyến ‘năm COVID-19 thứ hai’: Hôm nay con không được đẹp cô ơi
LTS: Dạy học trực tuyến đang là chủ đề chính được đề cập ở nhiều nhà, nhiều cơ quan và công sở. Tuổi Trẻ trích đăng tâm sự của những người trong cuộc – giáo viên và phụ huynh – với nhiều cung bậc bi hài…
Trước Tết Nguyên đán, cô trò chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho “năm COVID-19 thứ hai”. Ngày 17-2 (tức mùng 6), tôi đã có mặt ở thủ đô để dạy học trực tuyến theo đúng chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội.
8h sáng, theo đúng thời khóa biểu, tôi bắt đầu tiết 1. Nhà cách trường khá xa nên thường ngày tôi phải dậy sớm sửa soạn quần áo, chạy xe máy cả quãng đường dài mới đến trường, nay chỉ cần 5 phút tôi đã chuẩn bị sẵn mọi thứ vào lớp học online đợi trò.
Dở khóc dở cười
Ngày dạy học thứ nhất diễn ra khá suôn sẻ. Nhưng sang ngày thứ hai, cô giáo dở khóc dở cười trước muôn kiểu dạy học mùa online. Lâu lâu đang dạy học lại nhận được tin nhắn của trò: “Cô ơi cho con vào với”, “Cô ơi con bị out”, “Cô ơi không thấy bạn đâu nữa”…
Lại nhớ những ngày trên bục giảng, chẳng học sinh nào dám vào tiết muộn, nhưng trước tiết học online, việc vào lớp sớm hay muộn không còn là vấn đề nữa. Cô giáo chỉ mong tốc độ đường truyền bên nhà của trò chạy thật tốt, thật khỏe để “không ai bị out”, “không ai bị treo” khi tiết học online đang diễn ra.
Một lớp học có sĩ số dao động từ 35 – 45 trò, nếu đứng trên bục giảng có thể dễ dàng bao quát học sinh. Thế nhưng ở lớp học online này, cô giáo phải đi… năn nỉ trò bật camera để quản lý bài giảng tốt hơn.
Song đôi ba em pha trò, nhất quyết không chịu bật camera với lý do “bao giờ có phần mềm chỉnh sửa mặt đẹp hơn thì con mới bật” hay “hôm nay con không được đẹp cô ơi”. Cô giáo mà nhắc, đám học trò “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” chọn cách quay camera lên trần nhà, quay xuống bàn, khi thì chĩa camera sang hộp bút.
Cô trò là bạn
Muôn kiểu bi hài dạy học mùa online nhưng giáo viên chúng tôi động viên nhau dạy riết rồi sẽ quen. Giờ thì chẳng thể đứng ở vai vế cô – trò để dạy trẻ nữa, thay vào đó là làm bạn với các con trên không gian mạng. Có như thế trong giờ học các con mới chịu hợp tác, bài giảng mới chất lượng hơn.
Sang “năm COVID-19” thứ hai, dường như học trò của tôi đã chủ động hơn trong việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến, nhanh chóng khắc phục được những vấn đề muôn thuở ở mùa học online đầu tiên như lỗi mic, lỗi camera, không còn nghe thấy tiếng bố mẹ cãi nhau, tiếng em gái, em trai của học sinh bày trò trêu chọc khi cô giáo đang giảng bài nữa.
Học trò của tôi đã biết được lúc nào cần tắt mic để nghe cô nói, chỉ khi nào cô gọi trả lời hoặc lúc điểm danh mới bật mic lên, hay muốn phát biểu thì bấm biểu tượng giơ tay trên màn hình.
Các con còn biết pha trò “tặng quà” cho cô sau mỗi tiết học. Chẳng phải bông hoa, tấm thiệp “handmade” mà thay vào đó là bức ảnh chụp màn hình cô trò với đủ “77 – 49 biểu cảm”, từ gương mặt vui vẻ lúc vào lớp, mặt lạnh tanh khi cô nhắc nhở trò nhưng đến cuối tiết học là nụ cười “phô mai que” của cả cô lẫn trò.
Nỗi nhớ trường lớp vẫn luôn thường trực, thỉnh thoảng trong tiết học có em học sinh thở dài nói “Con nhớ các bạn quá!” làm ai cũng ngẩn ngơ. Dĩ nhiên dạy học online sẽ không thể nào được như dạy học ở trường.
Để cô trò gắn kết hơn, trong mỗi tiết học tôi thường chủ động ra một số câu đố, đưa ra vài trò chơi, cho học sinh cùng xem video và sử dụng Google Map tìm kiếm những địa danh phục vụ hiệu quả cho bài giảng môn địa lý.
Cần phụ huynh giúp đỡ
Tôi dạy đám học trò cấp II, thường ở lứa tuổi này phụ huynh chỉ cho các con sử dụng điện thoại không có kết nối mạng, hoặc nếu sử dụng thì phải được sự kiểm soát của bố mẹ.
Nhưng nay các con học online cả ngày, bố mẹ rất khó để kiểm soát được mục đích sử dụng điện thoại của học sinh, có lần có em trốn học chơi game hoặc không chịu ngồi vào bàn học online.
Để dạy và học online hiệu quả, rất cần đến sự giúp đỡ của phụ huynh để việc học của con không bị gián đoạn, chung tay giúp cô trò hoàn thành nhiệm vụ dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh.
“1, 2, 3 dzô” vang vào “lớp học”
Bé đầu nhà tôi học lớp 5, hai bé sau học lớp 1 ở cùng một trường tiểu học thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bắt đầu ngày học online đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bé lớn thích nghi được ngay vì năm học trước đã có thời gian dài học online, nhưng hai bé lớp 1 thì khá vất vả.
Theo lịch của trường, các anh chị lớp 4, 5 học ban ngày, sáng từ 8h, chiều từ 14h30. Các con lớp 1 học buổi tối, từ 19h30 đến 20h10 là một tiết, có nghỉ giải lao chút xíu, sau đó từ 20h15 đến 20h55 là tiết thứ hai, riêng thứ bảy chỉ học một tiết âm nhạc vào buổi sáng.
Cả nhà ăn tối sớm hơn thường lệ, đúng 19h đã bật máy sẵn sàng chờ “vào lớp”. Gặp lại cô, gặp lại các bạn sau kỳ nghỉ tết dài, các con tíu tít nói chuyện cho đến khi vào giờ học cũng chưa dứt. Nhiều bố mẹ có con đầu vào lớp 1, chưa dùng phần mềm Zoom bao giờ, nên lúng ta lúng túng như gà mắc tóc.
Lớp vào học được 15 phút mà nhiều phụ huynh nhắn trên nhóm lớp vẫn chưa thể đăng nhập được, rồi mật khẩu không đúng, không thấy hình, không biết bật/tắt micro ở đâu… Tiếng ông bà, tiếng bố mẹ, tiếng các con léo nhéo trong “lớp online”, thậm chí có cả tiếng “1, 2, 3 dzô” của nhà nào đó vang vào lớp…
Cô giảng cứ giảng, các con nghe được đến đâu thì nghe. Đến phần làm bài tập, bạn nào có bố mẹ hay anh chị lớn ngồi kế bên hỗ trợ thì hiểu câu hỏi và “giơ tay” trả lời cô giáo, còn bạn nào không có người lớn hỗ trợ thì ngồi “đơ” tại chỗ, không biết làm thế nào.
Đến lúc giải lao xong, bước vào tiết thứ hai là hoàn toàn “vỡ chợ”. Các con nói chuyện riêng rôm rả, rồi tiếng phụ huynh quát con át cả tiếng cô giáo giảng bài. Từ đó cho tới cuối buổi, lớp học láo nháo, nhiều bạn trong lớp “biến mất” – không biết do vô ý thoát ra khỏi phần mềm Zoom không đăng nhập lại được (vì chức năng “khóa” lớp học) hay vì lý do nào khác…
Vợ chồng tôi nhìn nhau ngao ngán không biết con tiếp thu được mấy phần kiến thức. Chỉ mong dịch giã sớm qua đi, các con sớm được trở lại trường để học hành một cách bài bản, nghiêm túc.