24/11/2024

Dịch bệnh toàn cầu giảm đáng kể nhưng ‘đám cháy vẫn chưa tắt’

Dịch bệnh toàn cầu giảm đáng kể nhưng ‘đám cháy vẫn chưa tắt’

Số ca mắc mới COVID-19 toàn cầu tuần qua đã giảm 16% xuống còn 2,7 triệu ca. Con số này dù chưa nói lên xu thế chắc chắn nào, song là tín hiệu đáng kỳ vọng về hiệu quả ban đầu của vắcxin cũng như các biện pháp phòng dịch đồng bộ.

 

Dịch bệnh toàn cầu giảm đáng kể nhưng đám cháy vẫn chưa tắt - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin cho người lớn tuổi dễ tổn thương bởi COVID-19 ở Đức hôm 17-2 – Ảnh: Reuters

“Một biến thể mới, bất chấp các nhân tố đã giúp hạ bớt các con số này, vẫn có thể làm tăng số ca bệnh và số ca nhập viện.

Tiến sĩ John Brownstein (chuyên gia dịch tễ học tại Bệnh viện nhi Boston) nhận định với Đài ABC.

Theo báo cáo công bố ngày 16-2 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ người bệnh COVID-19 chết cũng đã giảm 10%, xuống còn 81.000 người trong tuần qua. Một ngày trước đó (15-2), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – tổng giám đốc WHO – thông báo số ca mắc mới COVID-19 đã giảm ở tuần thứ năm liên tiếp và giảm gần một nửa so với mức hơn 5 triệu ca mắc mới của tuần tính từ 4-1.

“Đám cháy vẫn chưa tắt”

TS Tedros lý giải việc giảm mạnh các ca COVID-19 mới cho thấy các biện pháp y tế cộng đồng đơn giản đã có tác dụng, ngay cả khi có sự xuất hiện của các biến thể.

“Vấn đề quan trọng lúc này là cách chúng ta phản ứng với xu hướng đó. Đám cháy vẫn chưa tắt, nhưng chúng ta đã thu hẹp được quy mô của nó. Nếu chúng ta không chiến đấu với nó trên mọi mặt trận, nó sẽ lan nhanh trở lại” – ông chia sẻ.

Riêng tại Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và số người chết vì COVID-19, sau hai tháng đen tối gần nhất, trong tháng 2, số ca mắc mới và số ca nhập viện đã giảm mạnh. Cụ thể, theo số liệu của Trung tâm phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ, trung bình số ca mắc mới trong chuỗi 7 ngày từ mức đỉnh điểm là 246.000 ca hôm 12-1 giờ đã giảm xuống dưới mức 65.000 ca hôm 15-2. Trong khi đó, số ca nhập viện trung bình từ mức đỉnh 132.474 ca hôm 6-1 đã giảm xuống còn 69.283 ca hôm 13-2.

Các chuyên gia y tế cộng đồng của Mỹ cho rằng việc chấm dứt kỳ nghỉ mùa đông (theo đó là giảm bớt những cuộc tụ tập trong nhà) là nhân tố lớn dẫn tới mức giảm tích cực. Cộng thêm đó là quá trình triển khai tăng ổn định của chương trình tiêm chủng vắc xin. Dù mức giảm sâu là điều đáng mừng, song các chuyên gia cảnh báo nước Mỹ vẫn chưa ra khỏi giai đoạn khó khăn, đáng ngại hơn khi mối lo về các biến thể vẫn còn đó.

Các chuyên gia Mỹ cũng cho rằng việc tiêm vắc xin chưa tạo nhiều tác động tới mức giảm sâu hiện nay của dịch bệnh, vì tới nay khoảng 52 triệu người Mỹ mới chỉ được tiêm một liều và các đợt tiêm sớm nhất cũng chỉ dành cho nhân viên y tế.

Trong khi đó, các chủng biến thể vẫn đang lan rộng. Cho tới đầu tuần này (15-2), chủng biến thể virus corona mới xuất hiện ở Anh đã được ghi nhận tại 94 nước. Trong khi đó chủng biến thể virus corona ở Nam Phi đã xuất hiện ở 46 nước. Một chủng biến thể nữa ở Brazil cũng đã xuất hiện tại 21 nước.

COVAX đẩy nhanh phân phối vắc xin

Sáng kiến mua và phân phối vắc xin COVID-19 toàn cầu – Covax – thông báo trong tuần tới sẽ công bố danh sách cuối cùng các nơi sẽ nhận được lô hàng vắc xin đầu tiên từ cơ chế này.

Ngày 15-2, sau khi chính thức phê chuẩn cho phép sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca-Oxford trong tình huống khẩn cấp, WHO cũng đồng ý để vắc xin này được sản xuất tại Viện Serum của Ấn Độ và Công ty AstraZeneca-SKBio tại Hàn Quốc.

Như vậy từ nay vắc xin của AstraZeneca-Oxford được phép phân phối qua cơ chế COVAX và sẽ thêm nhiều nước có thể tiếp cận loại vắc xin có giá thành tương đối rẻ và dễ bảo quản để bắt đầu triển khai tiêm chủng.

Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh nhu cầu cần tăng cường quy mô sản xuất, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin song song với quá trình nộp hồ sơ xin cấp phép lưu hành tại các nước giàu có, tiếp tục gửi hồ sơ về sản phẩm của họ tới WHO để cơ quan này thẩm định và phê chuẩn thêm các vắc xin khác đủ điều kiện.

Theo dự tính của COVAX, phần lớn trong số lô vắc xin phân phối đầu tiên của sáng kiến này sẽ được bàn giao trong tháng 3, một số lô giao sớm hơn sẽ đến vào cuối tháng 2. Theo danh sách phân bổ tạm thời COVAX công bố ngày 3-2, trong số 337,2 triệu liều vắc xin phân phối đợt đầu tiên, ngoài 1,2 triệu liều của Pfizer-BioNTech, số còn lại là của AstraZeneca-Oxford. Cả hai loại này đều cần được tiêm hai liều.

Khoảng 145 nền kinh tế đã đăng ký tham gia sáng kiến COVAX dự kiến nhận đủ số liều vắc xin để tiêm được cho khoảng 3,3% tổng dân số tới giữa năm nay.

D.KIM THOA
TTO