24/12/2024

Vé máy bay tết lần đầu ‘lao dốc’

Vé máy bay tết lần đầu ‘lao dốc’

Lần đầu tiên trong lịch sử, một “làn sóng” đổi, trả vé máy bay ồ ạt diễn ra trước Tết Nguyên đán. Giá vé máy bay mùa cao điểm chưa bao giờ rẻ đến thế.
Người dân đến đại lý làm thủ tục đổi vé “tránh” dịch /// Ảnh: Ngọc Dương
Người dân đến đại lý làm thủ tục đổi vé “tránh” dịch ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Giá vé tết giảm gần một nửa

Lên trang web của VietnamAirlines tìm vé về quê gấp ngay ngày 4.2 (23 Tết âm lịch) thay vì 7.2 như dự tính, chị Ngọc Huyền (ngụ Q.7, TP.HCM) “sốc toàn tập” khi vé ra Hà Nội mua trước 1 ngày chỉ bằng một nửa giá mà chị Huyền bỏ công “săn” từ trước cuối tháng 12. Các chuyến bay giờ đẹp từ 10 – 15 giờ còn rất nhiều chỗ, đầy đủ các hạng vé từ 689.000 đồng đến gần 3,6 triệu đồng/chiều hạng phổ thông.
Trong khi đó, theo khảo sát cách đây khoảng 1 tháng, cùng chặng bay, cùng khung giờ, hầu hết các chuyến bay đều chỉ còn dải giá vé gần chạm trần – khoảng 3,6 triệu đồng/chiều và các vé phổ thông linh hoạt, phổ thông đặc biệt giá gần 5 triệu đồng/chiều. “Không thể tưởng tượng vé máy bay tết có thể rẻ như thế này. Lúc đầu khi quyết định đổi vé về sớm, tôi chỉ nghĩ giá vé cao đến đâu cũng chấp nhận, miễn là về ngay kẻo lỡ tết, nào ngờ còn mua được vé rẻ bằng gần một nửa. Giờ chờ nhận voucher hoàn vé của hãng nữa là coi như tết này lần đầu tiên được bay vé rẻ về quê ăn tết”, chị Huyền nói.
Tương tự, chị Đ.K.Trang cũng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hình ảnh ngồi ghế khoang hạng thương gia của Vietnam Airlines trên chuyến bay về Hà Nội chiều tối 3.2 (22 âm lịch), kèm dòng chú thích: “Đi vé hạng C ngày tết còn rẻ hơn giá ngày thường”. Theo chị Trang, do chưa sắp xếp được công việc nên chị chưa mua vé tết, tính tới gần ngày về thì mua luôn vì có mua sớm cũng không thể có giá rẻ. Đến cuối tuần trước, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Trang liền lập tức mua vé về sớm, giá vẫn còn cao, ở mức gần 3,6 triệu đồng/chiều. Hạng thương gia chuyến đó báo giá 7,6 triệu đồng/chiều. Thế nhưng, dịch bệnh ngày càng khó lường, chị quyết định nâng hạng lên vé thương gia thì được báo giảm chỉ còn 5,3 triệu đồng, tương đương giá ngày thường và cũng chỉ nhỉnh hơn giá hạng phổ thông đặc biệt một chút.
“Khoang C cũng gần như kín chỗ nhưng đỡ hơn ghế thường vì có làn riêng, xe buýt riêng, không chen chúc, tiếp xúc nhiều người. Bình thường mua vé máy bay về quê ăn tết cũng đã phải tính lên tính xuống, nói gì đến việc đi hạng thương gia như thế này”, chị Trang kể.
Khảo sát trên trang bán vé máy bay Abay.vn, vé những ngày cao điểm tết còn rất nhiều giá rẻ, ở tất cả các hãng. Đơn cử, ngày cao điểm 25 âm lịch (6.2), có gần 30 chuyến bay của Hãng Vietjet chặng “hot” nhất TP.HCM – Hà Nội giá chỉ dao động từ 1,2 – 1,550 triệu đồng/chiều; Bamboo Airways báo giá từ gần 1,9 – hơn 2,3 triệu đồng/chiều; Hãng hàng không giá cao nhất là Vietnam Airlines cũng còn tới gần 10 chuyến bay ban ngày giá gần 1,7 triệu đồng/chiều, sau đó tăng dần lên tới mức cao nhất gần 3,7 triệu đồng/chiều, tùy thời điểm khởi hành và hạng vé. Ngày 26 tết, Bamboo Airways còn có những chuyến bay giá vé chỉ 900.000 đồng/chiều, Vietnam Airlines chỉ hơn 1,2 triệu đồng/chiều.

“Lướt sóng” vé máy bay?

Không chỉ “đau đầu” vì dịch ập đến đúng dịp cao điểm, đánh mất đi cơ hội lội ngược dòng cuối cùng trong năm, các hãng hàng không còn đang phải làm việc hết công suất để giải quyết hàng trăm ngàn trường hợp đổi, hủy vé cấp tốc. Học sinh, sinh viên nghỉ tết sớm, cùng với tâm lý “về nhanh còn kịp” nên rất nhiều người dân TP.HCM đã thay đổi kế hoạch về quê ăn tết sớm. Đại diện Vietnam Airlines ước tính khoảng 25 – 30% hành khách đã mua vé đang yêu cầu hoàn. Số lượng người đổi lịch trình về sớm cũng khá đông.
Đại diện một hãng hàng không cho biết việc giá vé rẻ không phải do hãng giảm giá. Vé khi bán ra được chia thành nhiều dải giá từ thấp đến cao. Tải cung ứng của các hãng vẫn theo đúng kế hoạch phục vụ tết trước đó nhưng nhu cầu của hành khách bất ngờ giảm mạnh do dịch nên các dải giá thấp vẫn còn nhiều, chưa bán hết. Xu hướng của khách hàng hiện nay là mua vé sát ngày, cao điểm thường bắt đầu từ ngày 23 âm lịch. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh khiến nhiều người còn do dự hoặc thay đổi kế hoạch, không về quê ăn tết nên đến giờ vẫn còn khá nhiều vé giá rẻ.
Để hỗ trợ hành khách có nhu cầu, Vietnam Airlines đã triển khai một số quy định về hoàn, đổi vé cho các trường hợp chuyến bay bị hủy, chậm kéo dài, khởi hành sớm do dịch Covid-19 hoặc yêu cầu của nhà chức trách. Theo đó, hành khách Vietnam Airlines có thể lựa chọn phương án hoàn vé ra Travel Voucher với ưu đãi tặng thêm 10% giá cước của vé, áp dụng cho vé nội địa có chuyến bay khởi hành từ 29.1, cộng thêm miễn lệ phí hoàn vé. Việc hoàn vé sang voucher áp dụng cho cả những khách mà điều kiện vé mua ban đầu là không được chi hoàn.
Thế nhưng, chính sách hỗ trợ khách hàng lại vô tình kéo theo tình trạng cố tình hoàn vé dù không có nhu cầu, sau đó mua lại vé rẻ để hưởng lợi.
Đại diện hãng cho hay có rất nhiều đại lý cũng bắt đầu dùng “chiêu” hoàn trả vé, sau đó lập tức mua nhiều vé dải giá rẻ, ăn chênh lệch như một cách “lướt sóng”.
Gia đình chị Hải Hà (ngụ Q.4, TP.HCM) mua vé cho 4 người ra Hà Nội ngày 7.2, vé vào ngày 16.2 cách đây gần 2 tuần, hết gần 30 triệu đồng. Cùng lịch trình, nếu bây giờ chị Hà mua lại thì chỉ mất gần 20 triệu đồng, chênh nhau khoảng 10 triệu đồng.
“Với tình hình hiện nay, người mua vé sớm rõ ràng rất thiệt. Thường ngày tôi cũng hay bay ra Hà Nội nên nếu bây giờ hoàn lại, lấy voucher dùng sau rồi mua vé giá rẻ về thì lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mình thật sự có nhu cầu bay, lại phải làm nhiều thủ tục hoàn trả rắc rối chỉ để kiếm thêm ít tiền, mất công. Vả lại, ngành hàng không cũng đã quá khổ cả năm rồi. Họ có chính sách hỗ trợ mình thì cũng coi như mình hợp tác hỗ trợ lại”, chị Hà chia sẻ.
Tình trạng “trục lợi” chính sách hoàn đổi vé máy bay chỉ diễn ra đối với Hãng Vietnam Airlines, vì các hãng hàng không còn lại chỉ áp dụng chính sách đổi, trả miễn phí đối với các đường bay bị ảnh hưởng do dịch, theo các quyết định chính thức từ Chính phủ.

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng bay đêm dịp tết

Hội đồng điều phối slot (lượt chuyến), Cục Hàng không Việt Nam, vừa quyết định tăng slot ban đêm tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Cụ thể, trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán năm 2021, từ ngày 1 – 28.2, tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong khung giờ đêm (0 giờ – 5 giờ 59), sẽ điều phối ở mức 36 chuyến bay/giờ thay vì 32 chuyến/giờ như công bố trước đó.
Quyết định này được đưa ra sau khi Hội đồng điều phối slot xem xét các đề xuất của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam và Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) về thời gian hoạt động tại một số cảng hàng không, sân bay, tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không, đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu điều chỉnh thời gian hoạt động tại một số cảng hàng không Thọ Xuân, Phù Cát, Chu Lai, Pleiku, Đồng Hới, Tuy Hòa trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán năm 2021. Trường hợp hãng hàng không có kế hoạch khai thác nhưng tỷ lệ thực hiện dưới 50%, hội đồng slot sẽ xem xét, kiến nghị Cục không phân bổ thêm slot sau 23 giờ trong lịch bay mùa đông 2021/2022, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2022.
Mai Hà 
HÀ MAI
TNO