23/01/2025

Mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tăng, giảm ‘theo thị trường’

Mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tăng, giảm ‘theo thị trường’

Theo Bộ Tài chính, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dự kiến là 300 đồng/lít, kg xăng dầu. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế và các yếu tố đầu vào biến động làm giá cơ sở tăng hay giảm thì mức trích quỹ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

 

 

 

Mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tăng, giảm theo thị trường - Ảnh 1.

Trong điều kiện bình thường, khi mua mỗi lít, kg xăng, dầu, dự kiến người tiêu dùng phải trích 300 đồng vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ Tài chính hôm 2-2 đã công bố dự thảo thông tư quy định về quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo đó mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dự kiến là 300 đồng/lít, kg tùy theo từng sản phẩm xăng, dầu. Số tiền này (là của người tiêu dùng đóng góp mỗi khi mua xăng dầu) được tính vào giá bán xăng dầu.

Tuy nhiên, mức trích lập quỹ này không cố định mà sẽ có tăng, giảm theo diễn biến của thị trường. Và tại dự thảo thông tư lần này, Bộ Tài chính đưa ra quy định về điều kiện tăng, giảm mức trích lập, chi sử dụng quỹ đơn giản hơn so với quy định hiện hành.

Cụ thể, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ thấp hơn 300 đồng/lít, kg khi các yếu tố hình thành giá như giá xăng, dầu thế giới… biến động làm giá cơ sở kỳ công bố tăng trên 5% so với giá cơ sở liền kề.

Mặt khác, trường hợp giá xăng dầu tăng có thể tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân thì mức trích lập quỹ cũng giảm so với mức 300 đồng/lít, kg.

Còn để tăng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cao hơn 300 đồng/lít, kg, Bộ Tài chính cho rằng khi giá cơ sở thấp hơn so với giá cơ sở kỳ điều hành liền kề, hoặc căn cứ vào số dư của quỹ và tình hình thực tế tại thời điểm điều hành giá.

Đối với việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Bộ Tài chính, khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, đồng thời, việc tăng giá bán có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, đời sống người tiêu dùng trong nước.

Thương nhân đầu mối chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành của Bộ Công thương. Nghiêm cấm sử dụng quỹ để kinh doanh hoặc cho mục đích khác.

Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở kỳ điều hành tăng khoảng 7% so với mức giá cơ sở liền kề. Chỉ chi sử dụng quỹ này khi việc tăng giá ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội và đời sống của người dân.

Trường hợp các yếu tố cấu thành gồm thuế, phí, giá nhập khẩu… biến động khiến giá cơ sở tăng 7-10% so với giá cơ sở liền kề thì sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Công thương quyết định mức chi sử dụng quỹ phù hợp.

Nếu các yếu tố cấu thành giá xăng dầu biến động khiến giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề hoặc việc tăng giá xăng dầu tác động bất lợi đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống người dân thì Bộ Công thương chủ trì báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.

Trước đó, nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp xăng dầu cũng kiến nghị cần phải sửa quy định về việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để công cụ này đáp ứng tối đa hiệu quả của nó. Bởi mục đích hình thành quỹ (đây là số tiền mà người tiêu dùng đóng mỗi khi mua xăng dầu) là để Nhà nước điều tiết mỗi khi giá xăng dầu trong nước có biến động mạnh.

Thực tế, có những thời kỳ giá xăng dầu thế giới tăng khiến giá mặt hàng này bán trong nước cũng bị đẩy lên cao, đã tác động đến lạm phát và mặt bằng giá cả nói chung. Thế nhưng theo quy định, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng vẫn phải trả thêm 100 – 300 đồng để trích lập quỹ này, khiến giá xăng dầu phải cõng thêm một khoản là không phù hợp.

L.THANH

TTO