23/01/2025

Hậu trường chính trị: Khi Anh ‘chặn’ Trung Quốc ở Biển Đông

Hậu trường chính trị: Khi Anh ‘chặn’ Trung Quốc ở Biển Đông

Tờ Hoàn Cầu thời báo tối 31.1 có bài bình luận lên án các động thái của Anh gần đây. Cụ thể bài báo chỉ trích việc Anh dự kiến triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông trong những tháng tới và muốn tham gia “tứ giác an ninh” (Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ).
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có thể sẽ đến Biên Đông trong những tháng tới /// AFP
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có thể sẽ đến Biên Đông trong những tháng tới AFP
“Tứ giác an ninh” vốn là trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà 4 nước thành viên theo đuổi nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính vì thế, các động thái trên của London là nhằm vào Bắc Kinh.
Hồi tháng 10.2020, đô đốc Tony Radakin, Tư lệnh Hải quân Anh, cảnh báo rằng tình hình biến đổi khí hậu gây băng tan giúp hình thành tuyến hàng hải mới ở Bắc Băng Dương, Trung Quốc có thể đưa hải quân tiến sát châu Âu dễ dàng hơn, trở thành cường quốc hải quân toàn cầu. Cụ thể, tuyến hàng hải phía bắc, vượt qua Bắc Băng Dương, rút ngắn thời gian từ 10 – 12 ngày so với tuyến hàng hải phía nam truyền thống lâu nay là từ Trung Quốc đi đến Biển Đông, lần lượt qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương rồi đến châu Âu.
Thực tế trên khiến giới quan sát đặt vấn đề rằng Anh đứng trước rủi ro có thể bị 2 mũi giáp công của hải quân Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đang tăng cường thực lực tác chiến hải quân viễn chinh. Chính vì thế, các động thái điều tàu sân bay đến Biển Đông và tham gia “bộ tứ an ninh” có thể xem là biện pháp “đánh chặn”, lấy công làm thủ của Anh trước nguy cơ từ Trung Quốc.
NGÔ MINH TRÍ
TNO