22/01/2025

Nhiều người Việt tin cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào cuối năm 2021

Nhiều người Việt tin cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào cuối năm 2021

Người Việt Nam lạc quan nhất khu vực ASEAN, bất chấp những thách thức về kinh tế và xã hội do dịch COVID-19 gây ra. So với các nước ASEAN khác, Việt Nam xếp cao nhất về chỉ số lạc quan với 62,4 điểm trên thang điểm tối đa 100.

 

Nhiều người Việt tin cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Do khống chế dịch tốt, người Việt Nam vẫn có thể đi du lịch trong nước – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việt Nam cũng đang xếp trên các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia về mức độ lạc quan về tương lai.

Ngân hàng UOB vừa công bố báo cáo mang tên “Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN” được thực hiện trong nhiều tháng với hơn 3.500 người tham gia đến từ các nước ASEAN. Tại Việt Nam, có 620 người ở Hà Nội và TP.HCM tham gia vào nghiên cứu này.

Ông Harry Loh, tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết sự lạc quan này có thể do thành quả chống dịch thành công của Việt Nam. Đồng thời thành quả này là yếu tố nền tảng cho việc phục hồi nền kinh tế.

Một thông tin khá thú vị là nếu xét theo thế hệ, những người càng lớn tuổi thì mức độ lạc quan càng cao. Chẳng hạn thế hệ Baby Boomers – những người sinh ra từ năm 1946 đến năm 1964 ở Việt Nam – lạc quan nhất, do đây là thế hệ đã lớn lên trong giai đoạn khó khăn, do vậy bền bỉ hơn, cũng như có tinh thần kiên trì và ý chí cầu tiến.

Theo sau là thế hệ X (sinh từ giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1980). Thế hệ Z (sinh từ năm 1995-2012) xếp thứ ba.

Về tài chính cá nhân, nhiều người Việt chắc chắn rằng họ sẽ thịnh vượng hơn trong năm tới, với 72% cho biết rằng họ sẽ khá giả hơn. UOB cũng dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm 2021.

Trong khi đó Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, đạt 7,8% so với mức 2,9% trong năm 2020. Lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á.

Về phía doanh nghiệp, theo tổ chức Visa, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi và thích nghi nhanh chóng.

67% doanh nghiệp nhỏ đã thay đổi cách tiếp cận để duy trì hoạt động kinh doanh của mình kể từ khi COVID-19 lan rộng. 28% đã bắt đầu thực hiện quảng cáo trên mạng xã hội, tiếp theo là các sản phẩm hoặc dịch vụ được bán trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp cũng cho phép thanh toán không tiếp xúc như thanh toán qua di động hoặc thẻ và cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà.

A.HỒNG
TTO