24/12/2024

Học công nghệ thông tin thu nhập trăm tỉ: Có cần giỏi toán?

Học công nghệ thông tin thu nhập trăm tỉ: Có cần giỏi toán?

Theo các giảng viên ngành công nghệ thông tin, muốn học và làm việc được trong lĩnh vực này, người học trước hết phải học khá các môn toán, lý, hoá, đặc biệt là toán.
Sinh viên khối ngành công nghệ thông tin là nhân lực chủ chốt của ngành sản xuất phần mềm /// GIA KHIÊM
Sinh viên khối ngành công nghệ thông tin là nhân lực chủ chốt của ngành sản xuất phần mềm   GIA KHIÊM
Còn muốn thành công, trước hết phải học giỏi toán, mặc dù không phải tất cả những người giỏi toán đều thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).

Điểm chuẩn luôn ở tốp đầu

Năm 2020, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh 112 mã ngành, trong đó điểm chuẩn những mã ngành cao nhất đều của Viện CNTT và truyền thông. Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn ngành cao nhất là 29,04 điểm (ngành khoa học máy tính). Các ngành điểm chuẩn cao tiếp theo là kỹ thuật máy tính (28,65); khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến 28,65; CNTT Global ICT 28,38. Những mã ngành khác trong nhóm ngành CNTT cũng đều có mức điểm chuẩn cao, khoảng 26 điểm trở lên.
Ông Lê Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo, Viện CNTT và truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết các mức điểm chuẩn trên là do quá nhiều thí sinh có điểm cao đăng ký vào các ngành này, trong khi khả năng tiếp nhận (chỉ tiêu) thì hạn chế.
Điều này cũng diễn ra ở các trường ĐH có ngành CNTT. Ông Nguyễn Đức Dư, Phó trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết những năm gần đây, ngành CNTT của trường liên tục là một trong 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất. Năm 2020, điểm chuẩn vào ngành này của trường là 24,75 điểm.
Mặt khác, ông Hùng cho rằng muốn học được ngành CNTT, người học cần phải có khả năng học nhất định về khoa học tự nhiên, cụ thể là 3 môn toán, lý, hóa, đặc biệt là môn toán. Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các chương trình đào tạo đi vào các hướng chuyên sâu, vì thế các vấn đề cần giải quyết khá phức tạp, nên người học cần phải học giỏi ở phổ thông, thì việc học sau này ở ĐH mới không vất vả. “Học giỏi toán là một lợi thế khi học CNTT. Bạn nào không yêu toán, không học được toán thì không nên học CNTT, vì toán là minh chứng cho năng lực tư duy logic của người học. Tuy nhiên, không cần toán quá cao siêu, mà chỉ cần tạm gọi là giỏi (tức khoảng 8 điểm trở lên). Nhưng giỏi là giỏi tư duy, hiểu và nắm chắc kiến thức, chứ không phải giỏi theo kiểu “thợ giải bài tập”. Nếu bạn có một nền tảng kiến thức toán vững thì việc học sẽ vui hơn”, ông Hùng cho biết.

Cần “tư duy kiểu toán”

Cũng theo ông Dư, nếu có nền tảng kiến thức toán tốt thì trong quá trình học sau này, sinh viên (SV) học hành đỡ vất vả hơn. Nếu để lập trình ứng dụng thông thường thì có thể không cần quá nhiều kiến thức toán. Nhưng để làm sâu hơn về trí tuệ nhân tạo, về khoa học dữ liệu…, thì toán học càng quan trọng. “Có nhiều môn học rèn luyện tư duy, nhưng người học và làm CNTT cần có tư duy kiểu toán”, ông Dư nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Khoa CNTT, Trường ĐH Thủy lợi, cho biết đầu vào ngành này của trường so với các ngành khác là khá cao, nhưng so với yêu cầu của chương trình đào tạo là thấp, nên trong quá trình dạy các thầy cô khá chật vật. Các thầy cô thường xuyên phải dạy lại cho SV nhiều kiến thức toán ở phổ thông rồi mới dạy được nội dung chuyên ngành, nên mất rất nhiều thời gian.
“Do đó, chúng tôi phải giao nhiều bài tập cho SV, như một hình thức buộc các em phải rèn luyện trí óc, cứ làm nhiều cho quen, tạo nếp nhăn trong não. Cứ làm nhiều thì ít ra cũng để lại trong đầu cái gì đó, sau này ra trường mới làm việc được”, tiến sĩ Nam cho biết.
Theo tiến sĩ Nam, để học tốt ngành này, chí ít người học cũng cần có năng lực học toán phổ thông ở mức 7 điểm. Dưới mức đó, có thể vẫn học được nhưng cả thầy và trò sẽ rất vất vả.
Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Nam, do hiện nay nhiều trường đào tạo CNTT, nên mỗi trường đều có một chiến lược riêng để SV của mình có thể cạnh tranh được. Tùy vào năng lực của các em có chương trình đào tạo phù hợp mà vẫn đáp ứng các yêu cầu khác nhau của thị trường lao động. “Một số lĩnh vực CNTT không cần quá nhiều năng lực tư duy sâu như lập trình web, lập trình C++ (là một ngôn ngữ lập trình ở mức thấp)… Các trường tốp 2, tốp 3 sẽ khai thác hướng này. Còn những trường lớn, như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chẳng hạn, họ có thể tập trung vào các mảng khó hơn, như trí tuệ nhân tạo. Vì thế, nếu các bạn chăm chỉ học thì ra trường vẫn làm việc tốt ở những mảng không yêu cầu quá phức tạp.
QUÝ HIÊN
TNO