24/11/2024

Không chia sẻ vắc xin, các nước giàu thiệt hại cũng như… các nước nghèo

Không chia sẻ vắc xin, các nước giàu thiệt hại cũng như… các nước nghèo

Nếu độc quyền sở hữu vắc xin phòng COVID-19, các nước giàu có nguy cơ bị tàn phá về kinh tế gần như bằng với các nước đang phát triển. Đây là kết luận từ một nghiên cứu sẽ công bố chính thức vào ngày 25-1.

 

Không chia sẻ vắc xin, các nước giàu thiệt hại cũng như... các nước nghèo - Ảnh 1.

Chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer-BioNTech cho người sống tại một viện dưỡng lão ở Copenhagen, Đan Mạch ngày 23-1 – Ảnh: REUTERS

Trong tình huống cực đoan nhất: người dân các nước giàu được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ vào giữa năm nay nhưng các nước nghèo hoàn toàn không được tiêm, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại hơn 9.000 tỉ USD.

Theo đó, các nước giàu như Mỹ, Anh, Canada sẽ gánh khoảng gần một nửa tổn thất này.

Thiệt hại ít, các nước giàu vẫn gánh hơn nửa

Với tình huống sát thực tế nhất, các nước đang phát triển tiêm vắc xin cho một nửa dân số vào cuối năm nay, nền kinh tế thế giới sẽ thiệt hại từ 1.800-3.800 tỉ USD. Hơn một nửa những thiệt hại này chia cho các nước giàu.

Được ủy quyền bởi Phòng Thương mại quốc tế (tổ chức kinh doanh lớn nhất, có tính đại diện cao nhất thế giới, với hơn 45 triệu thành viên đến từ hơn 100 quốc gia và bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế tư nhân), nghiên cứu kết luận phân phối công bằng vắc xin là lợi ích kinh tế của mọi quốc gia, đặc biệt là với những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại.

Kết luận của nghiên cứu phản bác lại quan điểm phổ biến hiện nay là chia sẻ vắc xin với các nước nghèo là “một hành động từ thiện”.

Selva Demiralp, nhà kinh tế của Đại học Koc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Tất cả các nền kinh tế đều kết nối sâu sắc với nhau. Sẽ không có nền kinh tế nào phục hồi hoàn toàn, trừ khi các nền kinh tế khác phục hồi”.

Mọi người đều thấy rằng đại dịch không bị giới hạn bởi những đường biên giới, không phân biệt sắc tộc hay giai cấp. Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, không có nơi chốn nào là an toàn với virus corona chủng mới. Các chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng với các ngành công nghiệp sẽ tiếp tục bị gián đoạn chừng nào virus còn tồn tại.

Một nhóm các nhà kinh tế phối hợp với Đại học Koc (Thổ Nhĩ Kỳ), Đại học Harvard và Đại học Maryland (Mỹ) đã kiểm tra dữ liệu thương mại của hơn 35 ngành công nghiệp của 65 quốc gia về tác động kinh tế của việc phân phối vắc xin không đồng đều.

Họ nhận thấy nếu người lao động ở các nước đang phát triển không thể đến nhà máy, công ty làm việc do các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus, họ sẽ chi tiêu dè sẻn hơn, từ đó giảm doanh số bán hàng của các nhà xuất khẩu ở Bắc Mỹ, châu Âu và đông Á.

Các công ty đa quốc gia ở các nước phát triển cũng sẽ gặp khó khăn nếu muốn có đủ linh kiện và hàng hóa cần thiết.

Không có nền kinh tế nào, dù lớn đến đâu, miễn nhiễm với tác động của virus cho đến khi đại dịch chấm dứt ở mọi nơi. Mua vắc xin cho các nước đang phát triển không phải là hành động từ thiện của các nước giàu nhất thế giới. Đó là một khoản đầu tư cần thiết cho các chính phủ nếu muốn phục hồi nền kinh tế trong nước”

John Denton – Tổng thư ký của Phòng Thương mại quốc tế

Không chia sẻ vắc xin, các nước giàu thiệt hại cũng như... các nước nghèo - Ảnh 3.

Anh Masoud, một nhạc sĩ người Iran, giờ phải sống lay lắt bằng nghề đi giao hàng ở thủ đô Tehran – Ảnh: REUTERS

Các nền kinh tế gắn bó quá chặt

Trên thực tế, phần lớn thương mại quốc tế ngày nay không còn là xuất khẩu hàng hóa thành phẩm mà là các bộ phận được vận chuyển từ nước này sang nước khác để ráp thành thành phẩm.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong số 18.000 tỉ USD hàng hóa giao dịch năm 2020, hàng hóa trung gian chiếm 11.000 tỉ USD.

Nghiên cứu cho thấy để đại dịch tiếp tục xảy ra ở các nước nghèo có thể là điều tồi tệ nhất cho các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp trên thế giới như ôtô, dệt may, xây dựng và bán lẻ. Ở các mảng này, doanh số có thể giảm hơn 5%.

Hiện nay, các nước giàu ở Bắc Mỹ và châu Âu đã đặt mua phần lớn nguồn cung vắc xin, gấp 2-3 lượng vắc xin cần để tiêm cho toàn bộ dân số của họ, trong khi các nước nghèo phần lớn trắng tay.

Rất nhiều nước, từ Bangladesh đến Tanzania hay Peru có thể phải chờ đến năm 2024 thì mới có thể tiêm vắc xin hết cho toàn bộ dân số.

Trái ngược với hàng ngàn tỉ USD mà chính phủ các nước giàu đã chi để giải cứu các công ty và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các nước đang phát triển phải vật lộn để ứng phó, trong đó có việc thiếu ngoại tệ.

Người lao động ở nước ngoài không thể gửi tiền về nước do bị mất việc làm trong đại dịch khiến các nước phụ thuộc vào kiều hối như Philippines, Pakistan và Bangladesh gặp khó khăn.

Suy thoái toàn cầu khiến nhu cầu hàng hóa giảm cũng làm suy yếu các nước xuất khẩu đồng như Zambia và Congo, các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như Angola và Nigeria. Ngành du lịch lao đao, khiến công việc làm và doanh thu từ du lịch ở Thái Lan, Indonesia và Morocco giảm mạnh.

Nhiều nước nghèo thậm chí đã mang gánh nặng nợ nần từ trước khi bị đại dịch COVID-19 tàn phá. Trong thời gian qua, họ đã tiêu phần lớn nguồn thu của chính phủ và thậm chí phải hạn chế chi tiêu cho y tế.

Nghiên cứu kết luận rằng các nhà lãnh đạo ở các quốc gia giàu nhất thế giới có thể đang làm tổn hại đến vận mệnh của chính mình nếu không đảm bảo người dân ở các nước đang phát triển được tiếp cận với vắc xin phòng COVID-19 để cùng nhau thoát khỏi đại dịch.

HỒNG VÂN
TTO