Trồng cỏ biển lấy… gạo

Trồng cỏ biển lấy… gạo

Với nhiều lợi thế đặc trưng, gạo từ cỏ biển zostera được nhóm nghiên cứu đánh giá có thể trở thành nguồn lương thực mới trong tương lai.

 

Trồng cỏ biển lấy... gạo - Ảnh 1.

Đầu bếp Ángel León cùng cây cỏ biển tiềm năng – Ảnh: TIME

Năm 2019, đầu bếp Ángel León bắt gặp bài viết thú vị trong quyển tạp chí khoa học Science xuất bản năm 1973, trong đó ghi nhận phát hiện mới về chế độ ăn uống của tộc người Seri – những người săn bắn và hái lượm ở Sonora (Mexico).

Bài báo mô tả gạo thu hoạch từ một loài cỏ biển tên zostera là thành phần chính trong chế độ ăn hằng ngày của người Seri qua nhiều thế hệ. Cũng giống như nhiều loại ngũ cốc khác, hạt gạo zostera phải qua nhiều công đoạn xử lý như đập, xay, nướng và nghiền thành bột rồi được nấu sệt với nước.

Theo Time, Ángel León nổi tiếng với danh hiệu “đầu bếp của đại dương” khi thường có những ý tưởng sáng tạo tận dụng những nguyên liệu từ biển nhưng lại kén người dùng để làm các món ăn đặc biệt. Ángel León giành được được ba ngôi sao Michelin – chứng nhận danh giá trong giới ẩm thực.

Nhận thấy tiềm năng của gạo từ cỏ biển zostera, nhóm của León hợp tác nghiên cứu với Đại học Cádiz (Tây Ban Nha) trở thành những người đầu tiên canh tác loại cỏ mọc hoang này.

Trồng cỏ biển lấy... gạo - Ảnh 2.

Gạo zostera – Ảnh: TIME

Hè năm 2019, nhóm nghiên cứu thu được 50kg hạt cỏ biển từ một cửa sông ở Cádiz. Nhóm thiết lập môi trường thí nghiệm dựa trên điều kiện phát triển lý tưởng của cỏ biển ngoài thiên nhiên như mực nước, nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng…

Ông David Chamorro – trưởng bộ phận phát triển nhà hàng Aponiente của Ángel León – cho biết trong những lần đầu gieo trồng, cây không thể sống do còn một vài thông số chênh lệch. Sau một vài lần điều chỉnh, cỏ biển phát triển theo cấp số nhân.

Khi thu hoạch, hạt gạo zostera nhỏ, sẫm màu. Phân tích thành phần dinh dưỡng, hạt chứa tinh bột, chất xơ, omega-3, chất béo. Đặc biệt, gạo không có gluten như một số loại hạt khác.

Khi nấu lên, gạo thơm nhẹ, nở căng tròn. Theo León, nếm thử gạo zostera cảm nhận sự xen lẫn giữa gạo lúa nước truyền thống và hạt diêm mạch (quinoa), hòa trong vị mặn nhè nhẹ. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm ép làm dầu, lên men rượu sake, nghiền làm bánh.

Trồng cỏ biển lấy... gạo - Ảnh 3.

Hạt gạo khi còn ở trong cỏ biển zostera – Ảnh: Diariodecadiz

Tuy nhiên theo León, nhiệm vụ trước mắt là cần tăng số lượng cỏ biển gieo trồng. León hợp tác với một công ty thủy sản ở Cádiz vạch ra kế hoạch đầy tham vọng để thuần hóa cỏ biển zostera. Trước tiên, họ sẽ thu hoạch cỏ biển từ một số khu vực quanh Tây Ban Nha đem về nuôi trong vịnh Cádiz.

Nếu suôn sẻ, nhóm dự kiến nhóm sẽ thu hoạch 12 mẫu cỏ biển vào mùa hè năm nay với khoảng 22 tấn hạt. Số hạt phần lớn được dùng để mở rộng quy mô cho mùa vụ năm 2022-2023. León chỉ giữ lại khoảng 3 tấn để nấu ăn và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Nhóm kỳ vọng trong tương lai có thể canh tác được ở 5.000 mẫu ở cửa sông và những ruộng muối bị bỏ hoang Cádiz. Nếu thành công, nơi đây sẽ trở thành một trong những đồng cỏ biển lớn nhất hành tinh.

Xa hơn, nhóm mong muốn có thể phát triển loại cây này dọc theo nhiều bờ biển trên thế giới, để vừa trở thành nguồn lương thực, vừa bảo vệ bờ biển, vừa giúp chống lại biến đổi khí hậu.

Trồng cỏ biển lấy... gạo - Ảnh 4.

Hạt gạo zostera sau khi xay – Ảnh: Diariodecadiz

Giáo sư Robert Orth – Viện khoa học hải dương Virginia (Mỹ) – cho biết cỏ biển là loài thực vật duy nhất ra hoa trong điều kiện sống hoàn toàn trong nước mặn. Rễ, thân, lá, hoa, hạt… đều phát triển mạnh dù chìm hẳn trong nước.

Điều này có thể là lợi thế để biến gạo từ cỏ biển zostera trở thành nguồn lương thực mới cho tương lai.

Giáo sư Robert Orth cho rằng gạo từ lúa nước hiện vẫn là một trong những nguồn lương thực chính của thế giới, nhưng quá trình canh tác lại tốn khá nhiều đất và nước ngọt.

Không những vậy, các chất phát sinh trong khi canh tác như CO2, CH4, N2O cũng góp phần gây biến đổi khí hậu.

Ngược lại, gạo zostera có năng suất tương tự như lúa nước truyền thống, lại phát triển tốt trong nước mặn và có lượng carbon dư thừa thấp.

Về đa dạng sinh học, cỏ biển tạo góp phần tạo nên vùng đa dạng sinh học cho đại dương. “Đó không chỉ là gạo. Đó còn là mơ ước về một khu vườn dưới nước cho con người”, León nói.

Trồng cỏ biển lấy... gạo - Ảnh 5.

Nhóm nghiên cứu trồng cỏ biển zostera – Ảnh: TIME

Trồng cỏ biển lấy... gạo - Ảnh 6.

Phần rễ của cỏ biển zostera – Ảnh: TIME

Trồng cỏ biển lấy... gạo - Ảnh 7.

Phòng thí nghiệm ngay trong nhà hàng của León – Ảnh: TIME

VĂN KHOA
TTO