06/01/2025

Giãn cách xã hội dài ngày, thế giới nở rộ ‘nhà khoa học nhân dân’

Giãn cách xã hội dài ngày, thế giới nở rộ ‘nhà khoa học nhân dân’

Bị “mắc kẹt” ở nhà do đại dịch COVID-19, hàng triệu nhà khoa học nghiệp dư trên thế giới đã và đang thu thập thông tin về mọi thứ, từ cây cối, chim chóc cho tới COVID-19 theo hướng dẫn của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.

 

Giãn cách xã hội dài ngày, thế giới nở rộ nhà khoa học nhân dân - Ảnh 1.

Người dân chú ý hơn về phòng chống bệnh truyền nhiễm nhờ COVID-19. Trong ảnh: người dân đeo khẩu trang đi xe buýt ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 12-1-2021 – Ảnh: AFP

Mặc dù giãn cách xã hội vẫn là cơn ác mộng với hầu hết mọi người, song nó thực sự là “chất xúc tác” thổi bùng niềm đam mê khoa học ở một bộ phận không nhỏ người dân trên thế giới, giúp khám phá rất nhiều tiềm năng khoa học trong mỗi người.

Trở thành chuyên gia về COVID-19

Theo tạp chí Vox (Mỹ), ngay từ đầu đại dịch COVID-19, rất nhiều dữ liệu đã dồn dập đổ về các nền tảng vốn dành để kết nối các nhà khoa học nghiệp dư như Zooniverse và SciStarter. Đây là nơi các nhà khoa học chuyên nghiệp sẽ nhờ “cộng đồng khoa học nhân dân” đóng góp và phân tích giúp các dữ liệu trực tuyến.

Đây là crowdsourcing trong khoa học, một hình thức tạo ra sản phẩm, thu thập thông tin hoặc ý kiến từ nhiều người thông qua việc gửi dữ liệu của họ qua Internet, mạng xã hội hoặc ứng dụng điện thoại thông minh.

Những người tham gia crowdsourcing đôi khi là những người làm nghề tự do (freelancer), hoặc những người thực hiện các nhiệm vụ nhỏ trên cơ sở tự nguyện. Với hai cộng đồng khoa học trực tuyến Zooniverse và SciStarter, các tình nguyện viên được tạo cơ hội trở thành một phần của cộng đồng khoa học thực sự.

Bên cạnh các lĩnh vực khoa học truyền thống, nhiều người dân cũng mong muốn đóng góp sức mình vào công cuộc chống đại dịch COVID-19 của các nhà khoa học.

Hiểu được điều này, nhà nghiên cứu Roni Rosenfeld tại ĐH Carnegie Mellon ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ) đã thiết lập một nền tảng để các tình nguyện viên có thể tham gia hỗ trợ hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán chính xác hơn về tình hình lây lan của virus corona ngay cả khi họ không biết gì về AI.

Tương tự, các nhà khoa học tại ĐH Washington đã mời mọi người tham gia góp sức tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19 thông qua việc sử dụng một trò game máy tính có tên Foldit. Với trò game này, mọi người có thể thử nghiệm thiết kế các loại protein có thể bám vào virus gây bệnh COVID-19 và tìm cách ngăn nó thâm nhập tế bào con người.

Bà Laura Trouille – phó chủ tịch phụ trách mảng khoa học nhân dân tại Bảo tàng Adler Planetarium ở TP Chicago, bang Illinois (Mỹ), đồng chủ trì nền tảng Zooniverse – cho biết bà không hề ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người tham gia các dự án khoa học cộng đồng như vậy.

Nhiều năm trước, Zooniverse từng làm khảo sát để hiểu vì sao mọi người dành rất nhiều thời gian quý báu cho họ. Theo đó, có ba lý do chính phổ biến nhất: muốn có sự đóng góp ý nghĩa cho khoa học, muốn được tận hưởng niềm vui từ cuộc sống mỗi ngày, và muốn là một phần của cộng đồng hỗ trợ.

Khi không dịch bệnh COVID-19 đã vậy, nay trong dịch bệnh, các khoảng thời gian giãn cách xã hội càng khiến những động lực này mạnh mẽ hơn. “Mọi người thực sự cần được kết nối theo những cách có ý nghĩa. Và các cộng đồng online thân thiện tạo ra điểm đến tuyệt vời cho điều đó” – bà Trouille chia sẻ.

Huy động trí tuệ đám đông

Mỗi dự án đưa ra ở hai nền tảng Zooniverse và SciStarter đều có diễn đàn thảo luận để các thành viên cùng đặt câu hỏi cho nhau, và thường sẽ có các nhà khoa học đứng sau những dự án này để thúc đẩy những kết nối hữu hảo trên tinh thần khoa học giữa các thành viên.

“Có một dự án tuyệt vời tên là Rainfall Rescue (Giải cứu lượng mưa) ghi chép lại biên bản thời tiết theo lịch sử thời gian. Đây là dự án về biến đổi khí hậu giúp chúng ta hiểu hơn về việc thời tiết đã thay đổi như thế nào trong vài trăm năm qua” – bà Laura Trouille chia sẻ với tạp chí Vox. “Các thành viên đã tải lên bộ dữ liệu khoảng 10.000 biên bản thời tiết cần được sao chép lại và việc này đã được hoàn thành chỉ trong một ngày!” – bà nói.

Một dự án khác của Zooniverse cũng đã rất thành công trong đại dịch COVID-19 là Snapshot Safari yêu cầu các thành viên phân loại những loài thú trong ảnh chụp từ các camera đặt trong môi trường thiên nhiên hoang dã.

Trong những ngày đầu nước Mỹ thực hiện phong tỏa phòng dịch bệnh, mỗi ngày dự án này nhận được từ 25.000-200.000 lượt phân loại. Trong tổng thể dự án, Zooniverse cho biết khoảng 200.000 thành viên tham gia đã đóng góp hơn 5 triệu lượt phân loại hình ảnh chỉ trong một tuần. Đây là khối lượng công việc tương đương với 48 năm nghiên cứu. Và mặc dù mức độ tham gia dự án đã chậm đi một chút kể từ mùa xuân, song so với giai đoạn trước đại dịch vẫn nhiều hơn gấp 4 lần.

Tham gia thế nào?

Để mọi người ở khắp nơi có thể tham gia các dự án khoa học ý nghĩa, các nhà nghiên cứu đứng sau mỗi dự án crowdsourcing trực tuyến kiểu này sẽ chia nhỏ các nhiệm vụ phức tạp ra thành nhiều phần việc “vi mô” để ngay cả những người không hề được đào tạo chuyên môn vẫn có thể thực hiện.

Ngay cả khi công việc của một người chưa chính xác, các nhà khoa học vẫn có cách điều chỉnh lại chính xác. Chẳng hạn, với dự án Snapshot Safari, Zooniverse sẽ có từ 25-45 người phân loại một bức hình. Các thuật toán khai thác “trí tuệ của đám đông” sẽ giúp họ tìm ra kết quả phân loại chính xác ngay cả khi một vài người trong đó phân loại sai.

Với một số dự án cần có thêm hướng dẫn như dự án nghiên cứu thiên văn Disk Detectives, sau khi người dùng đăng nhập ứng dụng Zooniverse trên máy tính hoặc điện thoại, nền tảng này sẽ có phần chỉ dẫn ngắn gọn chừng 2 phút để giúp họ biết cách xác định những ngôi sao có những kiểu loại vành đai hay đĩa khí bụi nhất định nào bao quanh.

D.KIM THOA
TTO