Bán lẻ TP.HCM tăng hai con số trong dịch COVID-19
Bán lẻ TP.HCM tăng hai con số trong dịch COVID-19
Doanh nghiệp khai báo hải quan là đá xây dựng nhưng khi xuất khẩu, trên tờ khai C/O lại ghi là đá vôi. Kết quả giám định, phía hải quan khẳng định đá vôi dùng để sản xuất ximăng. Do đó, 1 triệu tấn đá vôi đang bị giữ ở cửa khẩu Quảng Ninh
Tổng cục Hải quan cho biết Cục Hải quan Quảng Ninh đang lưu giữ, chưa làm thủ tục xuất khẩu đối với hơn chục tàu chở đá vôi để sản xuất ximăng. Tổng trọng lượng số hàng đang tập kết dưới tàu để chờ thông quan lên tới khoảng 1 triệu tấn.
Để được xuất khẩu lô đá vôi này, ông Hoàng Tú Hoàn – chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Cục Hải quan Quảng Ninh – cho biết theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp phải có giấy tờ chứng minh đá được khai thác từ các mỏ do Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép.
Tuy nhiên, ông T.V.M., đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu đá đang bị “ách” tại khu vực Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, cho biết yêu cầu trên của cơ quan hải quan khác nào “đánh đố” doanh nghiệp. Việc điều chỉnh đột ngột đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp khi phải bỏ chi phí việc thuê tàu, hàng thì chưa biết bao giờ mới xuất được.
“Từ trước đến nay, chúng tôi xuất khẩu đá theo thông tư 05 năm 2019 của Bộ Xây dựng, không quy định hàm lượng CaCO3, chỉ phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Nếu xuất đá để làm đường thì khai mã có mức thuế 15%, nếu khai là đá vôi thì phải nộp 17%” – ông M. phân trần.
Nguyên nhân tạm dừng chưa cho thông qua các lô đá vôi, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Âu Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết kiểm tra hồ sơ xuất khẩu của các doanh nghiệp đang “kêu cứu” thì các mặt hàng này có tên khai báo là đá xây dựng, có mức thuế 15%.
Doanh nghiệp không khai báo hàm lượng CaCO3 nhưng trên invoice (hóa đơn thương mại của người bán phát hành cho người mua) và hợp đồng thì mặt hàng này có tên thương mại là limestone (đá vôi).
Thu thập một số tài liệu khác của doanh nghiệp như giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) do Việt Nam cấp thì mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp có tên thương mại là limestone. Và khi cơ quan Hải quan phân tích, giám định thì đá vôi có hàm lượng CaCO3 trên 85%, đạt tiêu chuẩn đá vôi để làm ximăng có thuế xuất khẩu 17%.
Mặt khác, theo Tổng cục Hải quan, theo báo cáo của Cục Hải quan Quảng Ninh, những lô hàng này này được UBND tỉnh cấp phép khai thác. Trong khi theo quy định Luật khoáng sản, ông Âu Anh Tuấn nhấn mạnh đá vôi để sản xuất ximăng phải được khai thác từ các mỏ do Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép. Còn các mỏ do UBND tỉnh cấp phép thì chỉ làm vật liệu xây dựng thông thường.
“Do vậy, các lô hàng khai báo đá vôi xuất khẩu đang lưu giữ tại cửa khẩu có nguồn gốc từ các mỏ do UBND tỉnh cấp phép là không đúng quy định Luật khoáng sản, chưa được thông quan”- Tổng cục Hải quan khẳng định.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Như Long, giám đốc Sở Tài Nguyên và môi trường Quảng Ninh, thông tin: hiện các mỏ khai thác đá do UBND tỉnh Quảng Ninh cấp đều đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, không nằm trong vùng quy hoạch mỏ đá vôi cấp cho nhà máy sản xuất ximăng.
Trước thực trạng này, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố phân loại đá vôi để sản xuất ximăng thì áp đúng mã và thuế xuất khẩu mức 17%.
Đồng thời, rà soát các tờ khai xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá xây dựng… đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia nhưng chưa phân loại thuộc đá vôi sản xuất ximăng để phân loại, áp đúng mức thuế, thu đủ tiền thuế và xử phạt theo quy định.