25/12/2024

Câu chuyện giáo dục: Một lần làm tổn thương học sinh

Câu chuyện giáo dục: Một lần làm tổn thương học sinh

Giờ ra chơi, N. bị một bạn va chạm khá mạnh khi bạn này mải đùa giỡn với các bạn khác. Vì đau và bực tức, N. buột miệng văng tục.

 

Câu chuyện giáo dục: Một lần làm tổn thương học sinh - Ảnh 1.

Là giáo viên chủ nhiệm, tôi giao lớp trưởng ghi nhận và báo cáo ở sinh hoạt cuối tuần của lớp. Tôi phân tích các bạn cẩn thận khi đùa giỡn với nhau. Nếu lỡ làm bạn đau nên sửa sai, nói lời xin lỗi, tránh phản ứng không hay từ bạn. Thế nhưng sự việc chưa dừng ở đó.

Trong giờ chào cờ đầu tuần, như thường lệ, cuối buổi là phê bình dưới cờ. Thầy trực tuần hôm đó đọc khuyết điểm của N. trước toàn thể học sinh và yêu cầu em rời chỗ ngồi bước lên đứng ngay cột cờ. Tôi không kịp có phản ứng gì. N. nhìn tôi như cầu cứu.

Tôi chưa biết làm gì thì có tiếng thúc giục của giáo viên nhắc N. thực hiện yêu cầu đã nêu. N. với ánh mắt buồn rầu bước lên trên và đứng ngay cột cờ chịu đựng sự “nhục nhã” như lời em chia sẻ sau này với tôi. N. không muốn đến trường nữa!

Đồng nghiệp nhìn tôi như ngao ngán. Lớp tôi đứng cuối bảng phải dọn vệ sinh toàn trường trong một tuần. Giờ chào cờ đã qua, N. về lớp trong bao tiếng cười của các bạn…

Tôi bàng hoàng vì việc vừa xảy ra và đến gặp thầy giáo trực tuần để hỏi. Thầy trả lời vì giám thị đọc thấy vi phạm của N. trong sổ theo dõi của lớp nên đề nghị lập tức phê bình N. trong buổi chào cờ hôm nay.

“Nể nang cô T. và thấy việc phê bình dưới cờ này thường xuyên xảy ra nên tôi không có trao đổi lại với thầy là chủ nhiệm lớp. Mong thầy thông cảm…” – thầy giáo trực tuần bảo vậy.

Tôi giận lắm. Học sinh vi phạm, tôi đã phê bình ở lớp. Việc phê bình này còn chưa được phụ huynh tán thành vì một khuyết điểm không lớn. Nay giám thị lại mang học sinh ra phê bình trước trường.

Tôi trao đổi với hiệu trưởng. Hiệu trưởng cho biết cũng bất ngờ khi chứng kiến việc em N. bị phê bình trước trường và bị đứng dưới chân cột cờ như vậy. Hiệu trưởng nhận thấy sự việc đã đi quá xa. Tôi cũng cho biết phản ứng của phụ huynh khá gay gắt. Nhà trường nên giải tỏa tâm lý cho phụ huynh và cả em N..

Tôi gặp phụ huynh thông báo mọi việc. Tôi cũng nhận lỗi đã có phương pháp chưa hợp lý khi giáo dục học sinh và làm tổn thương em. Nhắc nhở, gặp riêng học sinh phạm lỗi ở bước đầu khi vi phạm xảy ra sẽ thu kết quả tốt hơn đẩy sự việc đi quá xa như chuyện của N..

Mẹ của N. tỏ ý thông cảm và bỏ ý định chuyển N. sang trường khác học. Giờ sinh hoạt lớp tuần sau đó, tôi nhắc học sinh không nên nói nhiều về sai sót của bạn. Những bạn trót có vi phạm nội quy cần được thông cảm, giúp nhau tiến bộ chứ không nên đợi bạn vi phạm rồi ghi sổ báo thầy cô kỷ luật bạn.

N. giao tiếp với bạn bè thân ái hơn xưa. Lớp quên đi N. từng bị phạt đứng dưới cờ.

Trường tôi sau đó giảm dần việc phê bình học sinh dưới cờ. Thầy cô giám thị cũng cẩn trọng hơn trước khi quyết định hình thức kỷ luật giáo dục học sinh.

Các em bị phê bình biết trước nên hay cúp tiết, ngồi quán net chờ tiết sau vào. Khi thầy cô đọc tên, không có học sinh nào xuất hiện. Học sinh bị nêu tên, đứng lên trong giờ chào cờ vài lượt đã không còn “sợ” gì cả…

Xem ra việc phê bình dưới cờ không có tác dụng gì.

NGUYỄN HỮU NHÂN
TTO