28/12/2024

Iran yêu cầu Hàn Quốc không chính trị hóa vụ bắt tàu hàng có thuyền viên Việt

Iran yêu cầu Hàn Quốc không chính trị hoá vụ bắt tàu hàng có thuyền viên Việt

Thứ trưởng Ngoại giao Iran cảnh báo Hàn Quốc không nên chính trị hóa việc Iran bắt giữ tàu hàng MT Hankuk Chemi chở ethanol (treo cờ Hàn Quốc) và các thuyền viên, bao gồm người Việt, ở vùng Vịnh.
Xuồng cao tốc của phía Iran lai dắt tàu hàng MT Hankuk Chemi tại vùng Vịnh ngày 4.1 /// Reuters
Xuồng cao tốc của phía Iran lai dắt tàu hàng MT Hankuk Chemi tại vùng Vịnh ngày 4.1   REUTERS
Phía Iran đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Tehran bắt giữ chiếc tàu của Hàn Quốc và thủy thủ đoàn 20 người, bao gồm người Việt, là hành động “bắt giữ con tin”, đồng thời cho rằng chính Seoul đang giữ tiền của Iran để làm “con tin”. Tehran yêu cầu Seoul giải phóng số tiền 7 tỉ USD bị các ngân hàng Hàn Quốc đóng băng vì lệnh trừng phạt của Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun đến Iran vào ngày 10. để thảo luận về việc thả tàu MT Hankuk Chemi bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắt giữ hôm 4.1 gần eo biển chiến lược Hormuz, theo Reuters.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nói với ông Choi rằng Seoul “nên kiềm chế việc chính trị hóa vấn đề này và cho phép tiến hành các thủ tục pháp lý”.
“Trong khoảng thời gian 2 năm 6 tháng qua, các ngân hàng Hàn Quốc đóng băng các quỹ của Iran… điều đó là không thể chấp nhận được… Theo quan điểm của chúng tôi, điều này là do Seoul thiếu ý chí chính trị để giải quyết vấn đề hơn là các lệnh trừng phạt của Mỹ”, hãng thông tấn Fars dẫn lời Araqchi nói.
Reuters dẫn lời một người phát ngôn của chính phủ Iran cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắt giữ tàu MT Hankuk Chemi theo lệnh của tòa án Iran vì tàu “gây ô nhiễm môi trường“.
Tuy nhiên, Taikun Shipping – công ty vận hành con tàu (trụ sở tại thành phố Busan, Hàn Quốc) – khẳng định không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhà chức trách Iran đang điều tra việc vi phạm quy định bảo vệ môi trường trước khi bắt giữ tàu MT Hankuk Chemi.
Washington tái áp dụng các lệnh cấm vận Iran vào năm 2018 sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với nhóm P 5+1, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh Quốc, Mỹ cộng với Đức. Theo thỏa thuận đó, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận.
Iran đáp trả động thái của Mỹ bằng cách từng bước bỏ qua cam kết hạn chế về mức độ làm giàu uranium trong thỏa thuận. Hôm 4.1, Iran tuyên bố tiếp tục làm giàu 20% uranium tại cơ sở hạt nhân Fordow dưới lòng đất.
PHÚC DUY
TNO