‘Cổ tích’ của cô học trò từ chối trường chuyên: ‘Cô nói cứ về ở với cô…’
‘Cổ tích’ của cô học trò từ chối trường chuyên: ‘Cô nói cứ về ở với cô…’
Đoạt giải nhất thi học sinh giỏi tỉnh và được tuyển thẳng vào trường chuyên, cô nữ sinh quê Lâm Thao khiến thầy cô bất ngờ khi từ chối trường chuyên. Cô giáo Vũ Thị Hạnh tìm tới nhà em. Chuyện ‘cổ tích’ của hai cô trò bắt đầu..
‘Lần đầu đón Nga về, tôi chỉ nói với hai con là nhà mình có chị Nga. Mẹ đón chị về để dạy chị thi học sinh giỏi…’. Cô Vũ Thị Hạnh – giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) – kể lại câu chuyện của Nguyễn Thị Thu Nga.
Cô học trò này được thầy cô ở trường chuyên biết đến khi đoạt giải nhất thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 9 và trong diện tuyển thẳng vào trường chuyên. Nhưng ngày nộp hồ sơ nhập học lại không thấy Nga đến.
Hơn hai năm qua tôi như có thêm một đứa con. Mẹ con, cô trò có gì ăn nấy, có gì dùng nấy. Tôi nghĩ đơn giản chia sẻ được với ai đó cũng là hạnh phúc.
Cô VŨ THỊ HẠNH (giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ)
Từ chối trường chuyên để đỡ tốn kém
Cô Hạnh kể: “Tôi đi Lâm Thao, quê của Nga, theo yêu cầu của lãnh đạo trường thuyết phục em vào học trường chuyên. Vì những học sinh đoạt giải cao thường được chú ý, là những hạt giống tốt để nuôi dưỡng.
Tôi chưa đến nhà em, mà gặp ban giám hiệu trường THCS nơi em học. Nga được thầy cô đánh giá cao về năng lực, đặc biệt là sự đam mê với môn sinh học nhưng hoàn cảnh gia đình em cũng rất khó khăn. Có lẽ đó chính là lý do Nga từ chối học trường chuyên. Những thông tin ban đầu về Nga như vậy càng thôi thúc tôi gặp em…”.
Vóc dáng nhỏ bé, nước da xanh mét nhưng đôi mắt rất sáng, lanh lợi, Nguyễn Thị Thu Nga làm người đối diện cảm nhận ở em sự mạnh mẽ, tự tin. Trò chuyện với Nga bên lề cuộc trao thưởng cho học sinh đoạt giải Olympic quốc tế của Bộ GD-ĐT, Nga nhớ lại buổi đầu gặp cô Hạnh để quyết định khăn gói theo cô về trường.
“Cô trẻ hơn so với tuổi, thân thiện và rất kiên nhẫn, khác hẳn với hình dung của em trước đó. Đúng là em từ chối trường chuyên vì sợ rằng chi phí sinh hoạt xa nhà, học phí cao không thể chi trả được.
Em quyết định chọn trường gần nhà để đỡ tốn kém và có điều kiện giúp đỡ gia đình. Nói chuyện với cô Hạnh, em biết cô hiểu được lý do đó. Nhưng cô chỉ nói nhiều về khả năng, về tương lai rộng mở với em, về cơ hội em không nên bỏ qua. Cô cho em cảm giác yên tâm, tin tưởng” – Nga nhớ lại.
“Tôi chỉ nói với em nếu có khó khăn gì không ở được trường thì về nhà cô, ở với cô. Ngày đầu đón Nga về, tôi cũng chỉ nói với các con nhà mình có chị Nga nhưng tôi cũng phải tạm giấu gia đình nội, ngoại. Hơn hai năm qua tôi như có thêm một đứa con. Mẹ con, cô trò có gì ăn nấy, có gì dùng nấy. Tôi nghĩ đơn giản chia sẻ được với ai đó cũng là hạnh phúc” – cô Hạnh bảo vậy.
Người bạn đời của cô Hạnh qua đời từ lúc còn trẻ. Một mình cô nuôi dạy hai con, hai năm nay thêm Nga. Nhiều người cũng nói “làm sao có thể xem người xa lạ như ruột thịt để cùng đi trên một chặng đường dài”. Nhưng cô Hạnh chỉ cười rồi nói: “Tôi không nghĩ nhiều quá đâu”.
Gia đình Nga gần đây mới được cấp chứng nhận hộ cận nghèo vì mẹ Nga làm công nhân may lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Bố Nga mất vì đột quỵ, đồng lương của mẹ trang trải lo học cho ba đứa con, phụng dưỡng mẹ già.
Căn nhà mẹ con Nga ở có hai gian trống tuềnh toàng. Cái bếp thì chồng lên bằng xỉ than, lợp tôn thấp lè tè phải cúi mới vào được. “Sau này khi Nga về trường, tôi đưa Nga và hai con tôi về quê ngoại ở Đoan Hùng, rồi về thăm nhà em ở Sơn Vy, Lâm Thao. Khi đó mới càng hiểu vì sao em từng quyết từ chối cơ hội học tập mà em đã rất ao ước có được” – cô Hạnh kể.
Vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia
“Tháng 8-2018, chúng tôi mở trường hè cho những học sinh ở các tỉnh muốn rèn luyện để thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Tôi gọi Nga lên học cũng để kiểm tra năng lực của em. Lần gặp đầu tiên, Nga rất tự tin vào khả năng của mình, khác hẳn những học sinh tôi từng bồi dưỡng, làm cho tôi phải đặt dấu hỏi và cứ nghĩ mãi về điều đó. Liệu sự tự tin ấy có đến từ một nội lực dồi dào, đặc biệt không?” – cô Hạnh nhớ lại.
Nga khi ấy chuẩn bị học lớp 10, được cô Hạnh bố trí học cùng với những học sinh sắp bước vào lớp 12. Tuy chưa được học kiến thức mới ở bậc THPT nhưng khi dự học, Nga tiếp thu nhanh, có trí nhớ rất tốt.
Là người có kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, từng có học sinh dự thi quốc tế, cô Vũ Thị Hạnh nhận ra ngay khác biệt.
“Tôi giao cho Nga tài liệu, yêu cầu đọc trong ba ngày và viết những gì hiểu được ra vở cho tôi. Sau ba ngày, em gửi cho tôi. Tuy viết chưa tốt nhưng khả năng ghi nhớ kiến thức, khả năng suy luận rất tốt. Hết 14 ngày trường hè, tôi đón Nga về nhà tôi luôn và dạy em thêm 2 tuần” – cô Hạnh kể.
Theo cô Hạnh, với những trường hợp đặc biệt phải áp dụng cách dạy đặc biệt, nhất là khi cần phải “đốt cháy giai đoạn”. Và Nga là trường hợp như thế. Nga được cô Hạnh giao tiếp cận luôn với đề thi quốc tế và bắt đầu làm từ cao xuống thấp, mắc ở đâu giải quyết ở đó.
Cô trò miệt mài “lội ngược dòng” với trên 10 tiếng/ngày. Trong đợt thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia môn sinh năm học 2018-2019 của Phú Thọ vào nửa tháng sau đó, Nga là học sinh lớp 10 duy nhất nhưng đạt số điểm cao nhất.
Đi thi Olympic quốc tế
Năm đầu tiên “bén duyên” với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Nguyễn Thị Thu Nga đoạt giải nhì. Em tham gia thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc tế và là trường hợp đầu tiên lọt vào vòng 2 khi chỉ là học sinh lớp 10. Nhưng năm đó Nga chỉ dừng lại ở vòng 2.
Năm lớp 11, Nga cũng đoạt giải nhì chọn học sinh giỏi quốc gia và lọt vào top 4, trở thành thành viên chính thức thi Olympic quốc tế sinh học. Chỉ đoạt giải khuyến khích nhưng theo các thầy cô bồi dưỡng đội tuyển, Nga là học sinh có tiềm năng. Năm nay, Nga được đặc cách không thi vòng 1 và vào thẳng vòng 2 chọn đội tuyển quốc tế.
“Em vừa thấy ấm áp bởi những ân tình của nhiều người, nhất là cô Hạnh, nhưng cũng vừa rất áp lực khi phải nỗ lực hơn nữa để đền đáp ân tình đó. Những trải nghiệm vừa qua khiến em học hỏi được nhiều và càng cho thấy ngày đó em đã không sai khi đi theo cô Hạnh về trường” – Nga chia sẻ.
Nga được nhà trường miễn một số phí. Riêng học phí theo quy định vẫn phải đóng nhưng có thể trang trải từ tiền giải thưởng, tiền hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho học sinh nghèo ở trường.
Nhưng với Nga thì cô Hạnh luôn có vị trí đặc biệt vì không chỉ cho em một mái ấm, dạy dỗ tận tình mà còn là người bầu bạn, chia sẻ những điều thầm kín nhất, điều chỉ một người mẹ mới làm được…
Tuyển thẳng vào ĐH Y Hà Nội
Nguyễn Thị Thu Nga được Trường ĐH Y Hà Nội nhận tuyển thẳng và được bảo lưu kết quả này tới khi em học xong THPT. Em cũng là đại diện của học sinh ở Phú Thọ tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.
Trong các truyện cổ tích, kết thúc thường là “ở hiền gặp lành”. Nhưng trong truyện cổ tích của Nga, hạnh phúc lại là hành trình tiếp nối của sự “cho đi” của người thầy và nỗ lực không ngừng của cô học trò bé nhỏ.
Tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế
Ngày 8-1, Bộ GD-ĐT tổ chức tuyên dương, trao bằng khen cho học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và giáo viên có thành tích trong bồi dưỡng đội tuyển. Năm qua, do tình hình dịch COVID-19, ban tổ chức các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế quyết định thi trực tuyến, quốc gia nào thi tại quốc gia đấy.
Việt Nam có năm đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 24 lượt học sinh tham gia (gồm một đoàn tin học tham dự Olympic khu vực châu Á – Thái Bình Dương và bốn đoàn tham dự Olympic quốc tế là toán, hóa học, sinh học và tin học).
Tất cả các đoàn tham dự đều có thí sinh đoạt huy chương vàng, 100% học sinh đi thi đều đoạt giải (9 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 5 huy chương đồng và 2 bằng khen).