Chính phủ tính gói hỗ trợ lần 2Chính phủ tính gói hỗ trợ lần 2
Chính phủ tính gói hỗ trợ lần 2
Việc nghiên cứu gói hỗ trợ kinh tế lần 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn đang được tính toán về quy mô, phạm vi áp dụng. Chính phủ cũng sẽ có công cụ để đánh giá việc rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh…
Thông tin này được nêu ra tại buổi họp báo Chính phủ chuyên đề thông tin về nghị quyết 01 và 02 nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì ngày 4-1.
Chưa rõ thời điểm “mở cửa”
Về gói hỗ trợ kinh tế lần 2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Thủ tướng đã giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong năm 2021.
“Các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế cần phải có nghiên cứu chi tiết… Bên cạnh đó còn phải căn cứ vào những điều kiện về mặt nguồn lực cũng như cách thức triển khai các giải pháp” – ông Phương nhấn mạnh đến thời điểm chín muồi hoàn tất nghiên cứu sẽ thông tin chi tiết về gói hỗ trợ kinh tế này.
Với hoạt động vận tải hành khách, ông Phương nhấn mạnh việc mở cửa đi lại quốc tế phụ thuộc nhiều yếu tố, bởi dịch COVID-19 còn rất phức tạp, có các chủng mới trong khi chưa khẳng định việc tiêm vắcxin trong năm 2021. Do đó, chưa thể nói chính xác ngày nào, giờ nào cho phép giao thương, mà còn phụ thuộc vào công tác nắm bắt tình hình.
“Các bộ, ngành sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét mở lại giao thương về mặt phạm vi, quy mô, các địa bàn quốc gia có thể mở được để đảm bảo sự an toàn cao nhất” – ông Phương nhấn mạnh.
Cải cách các chỉ số quan trọng
Với nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện đầy đủ các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra trong năm trước. Tập trung cải cách các chỉ số, chỉ tiêu như cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải pháp tranh chấp hợp đồng, chất lượng đào tạo, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng…
Sẽ xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì, giải quyết bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước; gắn với tập trung chuyển đổi số, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ xây dựng công cụ đánh giá về cắt giảm điều kiện kinh doanh thủ tục hành chính để “việc cắt giảm ở đâu, giảm gì là bằng công cụ đánh giá cụ thể”.
Trả lời Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh toàn bộ công cụ đánh giá dựa trên nền tảng đánh giá rất thông minh của tổ chức quốc tế OECD, Ngân hàng Thế giới và hiện các tổ chức này đang giúp Chính phủ xây dựng công cụ này, đảm bảo tính minh bạch.
“Cùng với đó, các hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng có nhiều công cụ đánh giá. Các chỉ số cải cách này đồng bộ tự động chứ không có con người tác động vào. Chỉ số này rất thông minh, minh bạch tại Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Do đó, khi bộ đưa 100% dịch vụ công trực tuyến, không có lý gì khi người dân làm thủ tục thì gặp cản trở khó hơn khi làm trực tiếp”.
8 trọng tâm điều hành
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay nghị quyết 01 vừa được Chính phủ ban hành, có tám trọng tâm chỉ đạo điều hành. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội; cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia… hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông, năng lượng, đô thị…