Học ngành này làm ngành khác, được không?
Học ngành này làm ngành khác, được không?
‘Học xong ra trường nhỡ không xin được việc thì sao? Liệu học một ngành, có thể làm ngành khác được không?’.
Câu hỏi này của em Nguyễn Minh Hiền, Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hải Phòng), là một trong nhiều câu hỏi thú vị được đưa ra tại chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp ở Hải Phòng sáng 27-12.
Chương trình thu hút khoảng 6.000 học sinh Hải Phòng, do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Sở GD-ĐT Hải Phòng, Thành đoàn Hải Phòng và Trường ĐH Hàng hải Việt Nam tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Kỹ năng để “nhảy việc”
Theo các thầy trong ban tư vấn của chương trình, có nhiều ngành đào tạo cho phép sinh viên ra trường chọn nghề ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng cũng có những ngành hẹp mà nhu cầu nhân lực chỉ tập trung ở một lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, những người trẻ có thể “nhảy việc” khi có những thay đổi khách quan về cấu trúc nghề nghiệp trong xã hội hoặc khi tìm được một nghề mình đam mê không giống với điều mình từng theo đuổi.
TS Nguyễn Thị Cúc Phương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho biết: “Trường ĐH là nơi cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất của ngành nào đó. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, sinh viên đều được trang bị kiến thức nền và các kỹ năng mềm để có thể ứng dụng khi làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Nói thêm về khả năng linh hoạt chuyển đổi vị trí công việc, TS Nguyễn Thị Cúc Phương cho rằng “đừng bao giờ nghĩ vừa ra trường đã có thể làm ở những vị trí tốt nhất hoặc làm ông chủ. Mà người trẻ cần có ý thức tích lũy kinh nghiệm, rèn giũa kỹ năng ở những công việc nhỏ nhất”.
Chia sẻ về những ngành thuộc khối xã hội – nhân văn, PGS.TS Bùi Thành Nam – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội – đưa ra ví dụ về nhóm ngành tâm lý với các chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, tâm lý tham vấn, tâm lý học quản trị kinh doanh, tâm lý học xã hội…
Theo ông Nam, triển vọng việc làm của ngành này rất cao và đa dạng. Ví dụ như ngành tâm lý học lâm sàng và tâm lý tham vấn có thể hỗ trợ trong việc chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán các bệnh về tâm thần, hay tư vấn tổ chức khởi nghiệp, kinh doanh. Chuyên ngành tâm lý học quản trị kinh doanh hiện đang có việc làm rất tốt vì bộ phận bán hàng rất cần người am hiểu lĩnh vực tâm lý học quản trị kinh doanh để nắm bắt tâm lý khách hàng, tham vấn cho lãnh đạo…
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm khảo thí, phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội – cho biết xu thế đào tạo đa ngành, liên ngành hiện rất phổ biến. Với cơ chế đào tạo mềm dẻo, một sinh viên có thể tiết kiệm thời gian để học song ngành.
Việc đào tạo liên ngành cũng cho phép sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn với các ngành gần nhau. Vì thế, cơ hội công việc trong tương lai chẳng những tăng thêm mà còn tạo thuận lợi cho sinh viên ra trường điều chỉnh nghề nghiệp so với định hướng ban đầu.
Làm cho nhà nước hay tư nhân?
Nhiều học sinh Hải Phòng cho biết gia đình muốn các em làm ở khối nhà nước, trong khi đó các em lại muốn làm ở khối tư nhân nên rất băn khoăn trong việc chọn nghề. Giải đáp băn khoăn này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết ĐH Quốc gia Hà Nội đã có nhiều cuộc khảo sát về mong muốn việc làm của sinh viên và một kết quả rất ấn tượng là 50% sinh viên năm nhất muốn làm công chức, nhưng đến năm thứ 4 thì 70% muốn ra ngoài làm việc.
Trong quá trình học, lựa chọn của các em sẽ thay đổi rất nhiều. Có bạn chưa học xong đã được tuyển, có bạn thì đi du học. Do đó ngay từ đầu các em không nên bó hẹp trong đầu chọn cái gì. Theo ông Thảo, trong 4-5 năm tới, chắc chắn nhiều học sinh đang ngồi đây sẽ có những thay đổi về quan điểm trong việc “chọn là công chức hay công việc bên ngoài”.
“Điều tôi mong muốn là các nhà trường có thể đồng hành, hỗ trợ để những sinh viên khi ra trường có đủ kiến thức, năng lực và bản lĩnh khởi nghiệp. Khi đó, các em không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn mang lại việc làm cho nhiều người khác. Đó mới là mục đích cao cả” – ông Thảo chia sẻ.
Dự kiến tuần này sẽ ban hành phương án thi
Tư vấn cho học sinh tại chương trình, TS Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT) cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT và phương thức tuyển sinh năm 2021 sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Theo ông Hùng, các quy định về ưu tiên xét tuyển của Bộ GD-ĐT vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên hiện nay các cơ sở đào tạo có quyền tự chủ trong tuyển sinh nên việc ưu tiên tuyển sinh cụ thể như thế nào còn lệ thuộc vào quy định của mỗi trường. “Dự kiến trong tuần này Bộ GD-ĐT sẽ ban hành phương án thi giai đoạn 2021 – 2025”, ông Hùng nói.
Quan tâm đến chuyển đổi số
Nhiều thí sinh tham dự chương trình đặt nhiều câu hỏi về các ngành nghề liên quan đến xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Em Hoàng Ngọc Mai – Trường THPT Thủy Sơn (Hải Phòng) – đặt vấn đề: “Từ đợt COVID-19 này em nhận ra nhu cầu của việc chuyển đổi số từ các phương thức truyền thống sang làm việc online rất quan trọng và có thể trở thành xu thế cho tương lai sắp tới. Vậy nên em muốn tham khảo thêm về các ngành nghề có cơ hội trong xu hướng chuyển đổi số này”.
Tại gian tư vấn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Lê Chí Ngọc, giảng viên Viện Toán ứng dụng và tin học, cho biết: “Đúng là hiện tại việc chuyển đổi số, thay thế các phương thức làm việc truyền thống sang làm online trên nền tảng Internet đang trở thành xu thế và sẽ còn phát triển hơn nữa. Chúng tôi cũng đang tập trung đào tạo và phát triển các ngành nghề liên quan đến toán tin ứng dụng, các lĩnh vực công nghệ thông tin như khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, an ninh mạng”…
Trước đó, phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Phạm Xuân Dương – hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam – cũng cho rằng nếu như bức tranh hoạt động nghề nghiệp của năm 2020 gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 thì năm 2021 lại liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển dịch vụ logistics, phát triển kinh tế biển… Những mục tiêu phát triển của Chính phủ sẽ là định hướng quan trọng cho các học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề.M.THƯƠNG
Trường duy nhất từ miền Nam
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – tại gian tư vấn của nhà trường- Ảnh: MAI THƯƠNG
Tại chương trình tư vấn – tuyển sinh diễn ra ở Nam Định (26-12) và Hải Phòng (27-12), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là trường duy nhất ở khu vực miền Nam có gian tư vấn.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ: “Chúng tôi lặn lội từ TP.HCM ra tận đây để tư vấn tuyển sinh vì nhiều lý do. Thứ nhất, theo dõi số liệu về tuyển sinh năm trước, số học sinh phía Bắc với các tỉnh như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trở thành tân sinh viên của trường tăng lên gấp 10 lần. Chúng tôi mong muốn phát triển thương hiệu của trường không chỉ đa ngành, đa lĩnh vực mà còn muốn mở rộng quy mô ra cả nước để nhiều học sinh biết đến.
Hơn nữa, qua đánh giá chất lượng, chúng tôi nhận thấy học sinh phía Bắc chất lượng đầu vào tốt, ví dụ như học sinh Nam Định có điểm thi trong top cao nhất trên cả nước. Chúng tôi muốn có những sinh viên chất lượng như vậy để nâng cao thương hiệu của nhà trường với ngành giáo dục toàn quốc”.
Đến với chương trình tư vấn – tuyển sinh, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mang những mô hình robot để học sinh có thể tự trải nghiệm lắp ráp, khám phá dựa trên sự hướng dẫn của các giảng viên. Ngoài ra, gian tư vấn còn trưng bày những sản phẩm như xe tự động, vườn hoa nhảy múa… do sinh viên năm nhất của trường sáng tạo và thiết kế.
MAI THƯƠNG