23/11/2024

Đề thi học sinh giỏi quốc gia môn văn: Có đánh đố, vượt tầm, thiếu sáng tạo?

Đề thi học sinh giỏi quốc gia môn văn: Có đánh đố, vượt tầm, thiếu sáng tạo?

Nhiều ý kiến tranh luận về những khái niệm đề cập đến trong đề thi môn ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi quốc gia như có vượt tầm, đánh đố học sinh hay không và có hạn chế sự sáng tạo?
Đoàn học sinh TP.HCM tham dự học sinh giỏi cấp quốc gia /// Hồng Phong
Đoàn học sinh TP.HCM tham dự học sinh giỏi cấp quốc gia  HỒNG PHONG

Không thật sự kích thích học sinh sáng tạo

Giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng, đề thi học sinh giỏi quốc gia môn văn khá thử thách, đòi hỏi những góc nhìn sâu sắc. Những vấn đề đặt ra trong đề thi có ý nghĩa, nhưng vẫn có cảm giác đề hơi cũ, không thật sự kích thích học sinh muốn viết và sáng tạo.

Ở góc độ cảm xúc, thầy Đức Anh cho rằng đề không gợi được nhiều hứng thú cho học sinh. Câu nghị luận xã hội chọn một vấn đề quá tầm với học sinh 17-18 tuổi, dù là học sinh giỏi quốc gia cũng khó có thể kiến giải một vấn đề lớn và rộng như ở một kỳ họp Quốc hội một cách rõ ràng, sâu sắc chưa kể thời gian làm bài lại có giới hạn.

Câu nghị luận văn học có lẽ na ná với kiểu bài và vấn đề mà học sinh giỏi thường được luyện từ kỳ thi học sinh giỏi cấp trường và cấp thành phố. Đề không có đột biến, buộc học sinh phải có cách viết đột phá, nếu không, người chấm bài có lẽ sẽ khó tìm được học sinh ưu tú với đề này.

Khái niệm có quá tầm của học sinh?

Còn phụ huynh N.A.Thơ tại TP.HCM thì cho rằng, đề thi đánh đố cho dù đây là cuộc thi học sinh giỏi. Đọc đề lên đã thấy trúc trắc với những khái niệm và câu chữ trong đề thi. Các em mới có mười mấy tuổi thôi, sao yêu cầu đề chạm đến những vấn đề lớn đến như vậy, lại không nằm trong văn chương… Không hiểu người ra đề mong muốn điều gì đối với học trò, chọn học sinh giỏi và khuyến khích các em yêu văn học.

Trong khi đó, một giáo viên dạy ngữ văn tại Q.2, TP.HCM thì cho rằng, khái niệm đề cập đến trong đề thi không khó. Dù đề thi tạo ra sự tranh luận, dù còn nhiều vấn đề nhưng không thể phủ nhận kiến thức phổ thông hiện nay phong phú, phức tạp, được nâng cấp hơn rất nhiều. Đó là quy luật tất yếu của sự vận động, phát triển cho phù hợp với thời đại. Những khái niệm này không làm khó học trò thời nay mà chỉ là vấn đề phức tạp, nhiều điều khó nói.

Đề thi học sinh giỏi quốc gia môn văn: Có đánh đố, vượt tầm, thiếu sáng tạo? - ảnh 1

Nguyên văn đề thi học sinh giỏi quốc gia môn ngữ văn năm 2020  CHỤP MÀN HÌNH

Đề thi quen mà lạ

Giáo viên Đặng Thị Lan Hương, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, nhận xét đề thi học sinh giỏi năm nay không quá mới để gây bất ngờ, không quá lạ để gây sốc, không quá khó để học sinh phải cắn bút. Nhưng đủ để giáo viên và học sinh không ngừng băn khoăn nghĩ ngợi về nó cho dù dòng chữ cuối cùng đã được viết ra.

Câu nghị luận xã hội khó nhất là giải thích cho thấu đáo cụm từ “đứng vào dân tộc” nhưng tôi vẫn mong vấn đề mang tính thời sự và thực tiễn hơn.

Câu nghị luận văn học hay, học sinh dễ dàng xác định được “tính muôn thuở, tầm vóc nhân loại” của văn chương. Tuy nhiên, cái ý “vì sao văn học Việt Nam chưa có những tác phẩm….” là ý dẫn đến nhiều cách triển khai ý khác nhau.

Cách ra đề đã quá cũ?
Cần có những câu hỏi mới mẻ hơn, mang tính thời sự hơn, gần gũi hơn chứ không hàn lâm, cũ kỹ như đề thi học sinh giỏi quốc gia môn văn 2020.
Xét về cả hai câu hỏi, đề thi không “thông thường” như những đề kiểm tra cuối học kỳ của sở, của kỳ thi tốt nghiệp THPT dù độ khó của đề nhiều hơn so với thi tốt nghiệp THPT.
Về câu hỏi nghị luận xã hội, ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu rất hay, rất ý nghĩa nhưng cách ra đề đã … cũ. Cần có những câu hỏi mới mẻ hơn, mang tính thời sự hơn, gần gũi hơn. Chẳng hạn năm nay có những vụ thiên tai, dịch bệnh xảy ra bất ngờ, đó cũng là đề tài để khai thác.
Câu hỏi nghị luận văn học vẫn còn mang hơi hướng … cũ. Nam Cao và Nguyễn Minh Châu là hai nhà văn lớn, các tác phẩm của hai nhà văn gây tiếng vang lớn trong lòng bạn đọc nhiều thời đại, nhất là những tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa. Khi trả lời câu hỏi này, thí sinh không thể “tủ” một vài tác phẩm của hai nhà văn mà phải cảm thụ, lý luận văn chương – trình bày suy nghĩ bằng kiến thức sâu và rộng, hiểu biết về văn học chứ không phải nội dung tác phẩm. Tuy nhiên, câu hỏi này cần mở rộng, liên hệ thực tế mang hơi thở của thời đại, của những năm 20 của thế kỷ 21 liên qua đến khát vọng, trăn trở đáng quý ấy.
Mong rằng, đề thi học sinh giỏi những năm sau sẽ “chất” hơn, thuyết phục hơn.
Thái Hoàng

Tổng thể, đề thi học sinh giỏi quốc gia môn văn năm nay rất xứng tầm học sinh giỏi quốc gia, đòi hỏi kiến văn sâu rộng, khả năng lập luận sắc bén. Đề quen mà vẫn có ý, có chỗ lạ và khó.

BÍCH THANH

TNO