24/12/2024

2020 – Một năm buồn, nhưng đừng tuyệt vọng!

2020 – Một năm buồn, nhưng đừng tuyệt vọng!

Không quá khi nói rằng năm 2020 sẽ là “năm đi vào lịch sử” vì tất cả những gì đã xảy ra, gắn liền với đại dịch COVID-19.

 

 

 

2020 - Một năm buồn, nhưng đừng tuyệt vọng! - Ảnh 1.

Là người tuyên bố “đại dịch”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng bật khóc trong một buổi họp báo về tình hình COVID-19 vào ngày 9-7 – Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trong năm 2020 không chỉ có những điều tồi tệ, khi từ ngay chính trong đại dịch đã có những điều thực sự tốt đẹp mà nhân loại được chứng kiến. Trước thềm năm mới 2021, chúng ta nhìn vào đó để động viên nhau: Đừng tuyệt vọng!

Hậu quả lâu dài

Những hình ảnh có trong “thống kê buồn” này xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, nhưng chúng tôi chọn ảnh ở Việt Nam để gần gũi và nhớ về những tháng ngày khốn khó của chính chúng ta.

Năm 2020 đã không bất thường ngay từ đầu. Nó diễn ra bình thường tới khi giới chức y tế thông báo virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và thành lịch sử khi ngày 11-3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố dịch bệnh COVID-19 là “đại dịch”.

Tiếp sau đó là gì?

Hàng loạt nước nối tiếp nhau đóng cửa biên giới, trường học, doanh nghiệp; người dân được yêu cầu ở trong nhà, hạn chế tối đa ra ngoài. Ngoài hàng triệu người chết, hàng chục triệu ca nhiễm COVID-19 tới nay, thế giới cũng mất đi hàng chục ngàn tỉ USD vì thiệt hại kinh tế.

Hàng triệu người thất nghiệp đang chật vật tính kế mưu sinh từng ngày; vào giai đoạn đỉnh điểm của dịch, ít nhất 1,5 tỉ trẻ em và thanh thiếu niên tại hơn 160 nước đã không thể tới trường.

Hậu quả của COVID-19 với giáo dục có thể còn kéo dài trong nhiều thập niên nữa, bởi nó không chỉ làm gián đoạn học hành trong ngắn hạn mà còn thu hẹp bớt các cơ hội kinh tế cho thế hệ sinh viên bị ảnh hưởng về lâu dài.

“Từ của năm”: tất cả liên quan đến COVID-19

Ngôn ngữ luôn là tấm gương phản ánh đời sống theo cách chân thực và sinh động. Bằng tầm này năm ngoái, với phần lớn chúng ta, những khái niệm như “phong tỏa”, “giãn cách xã hội” gần như xa lạ.

Giờ đây, những từ ngữ này đã trở thành một phần trong ngôn ngữ hằng ngày. Không hẹn mà gặp, từ điển Merriam-Webster và từ điển Dictionary.com, hai trong những từ điển trực tuyến phổ biến nhất của Mỹ, mới đây đã cùng công bố chọn “đại dịch” (pandemic) là “từ của năm”.

“Đôi khi chỉ một từ thôi định nghĩa cả một thời đại, và điều này hoàn toàn phù hợp với một năm ngoại lệ, một năm đặc biệt khó khăn, một từ ngay lập tức được mọi người chú ý” – thông báo của từ điển Merriam-Webster nêu.

Trước Merriam-Webster và Dictionary.com, nhiều từ điển khác cũng đã chọn những thuật ngữ có liên quan đại dịch COVID-19 là “từ của năm” trong năm 2020 của họ.

Từ điển Cambridge Dictionary chọn “quarantine” (cách ly y tế), cho biết số lượt tìm kiếm từ này đã tăng cao trong tháng 3 năm nay. Đó là thời điểm nhiều nước trên thế giới ban hành các quy định hạn chế với cộng đồng để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Trong khi đó, Collins Dictionary – một từ điển lớn khác của Anh – lại chọn “lockdown” (phong tỏa) là “từ của năm” 2020. Từ điển này cho rằng từ “lockdown” phản ánh một trải nghiệm không mong muốn mà nhiều người trên thế giới đã và đang phải trải qua trong năm nay.

2020 - Một năm buồn, nhưng đừng tuyệt vọng! - Ảnh 2.

Một khu dân cư tại Đà Nẵng bị phong tỏa do có người nhiễm COVID-19 trong làn sóng dịch lần thứ 2 – Ảnh: TẤN LỰC

Thế giới “buồn”

Nhìn lại năm 2020, Ngân hàng Thế giới nhắc tới hậu quả đầu tiên của đại dịch chính là tạo ra một lớp người nghèo mới. Sau nhiều thập niên đạt được tiến bộ ổn định trong việc giảm số người chỉ sống với chưa đến 1,9 USD/ngày, đại dịch COVID-19 sẽ làm đảo ngược kết quả của mọi nỗ lực chống nghèo đói trong suốt một thế hệ.

Trong 12 tháng qua, đại dịch đã gây tổn thất nặng nhất cho những người nghèo và những người thuộc nhóm dễ tổn thương, đe dọa đẩy thêm 88 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói; trong trường hợp tệ nhất, con số này có thể tăng lên 115 triệu.

Không chỉ kinh tế, lĩnh vực văn hóa, giải trí và nhất là thể thao đã có một năm vô cùng u ám với hàng loạt sự kiện lớn mang tính định kỳ đã bị hoãn, hủy hoặc thay đổi cách thức/quy mô tổ chức.

Đáng kể nhất là Thế vận hội Tokyo 2020 buộc phải dời một năm đến 23-7-2021 vì mọi nỗ lực để không phải hoãn sự kiện đã không thành công do COVID-19 không một ngày hạ nhiệt. Cùng với Olympic, giải bóng đá có quy mô lớn thứ hai thế giới chỉ sau World Cup là Euro 2020 cũng đã phải hoãn lại tới tháng 6-2021.

Cùng với thể thao, nhiều sự kiện văn hóa lớn đã không thể diễn ra vì COVID-19 như Liên hoan phim Cannes (Pháp), Lễ hội đua bò tót nổi tiếng của Tây Ban Nha, Cuộc thi ca khúc truyền hình châu Âu 2020.

Do quy mô ảnh hưởng quá lớn của đại dịch, trang Bách khoa thư mở trực tuyến Wikipedia còn có thêm mục “Danh sách những sự kiện bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19”. Trong đó, các mức độ bị ảnh hưởng được chia làm ba phần: bị hủy, bị hoãn hoặc tạm dừng và bị thay đổi cách thức/quy mô tổ chức.

2020 - Một năm buồn, nhưng đừng tuyệt vọng! - Ảnh 3.

Chuyến bay giải cứu công dân VN từ Paris về TP.HCM cuối tháng 11-2020 – Ảnh: NGUYỄN THANH THỦY

Ấm áp tình người

2020 buồn thế nhưng cũng chính trong năm này, chúng ta nhận ra không chỉ với những điều tồi tệ mà đã có những điều thực sự tốt đẹp nhân loại được chứng kiến.

Trong đó, trước hết phải kể tới là tinh thần làm việc quên mình và sự hi sinh của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh. Họ cũng đã “đi vào lịch sử” của năm 2020 vì lòng tận tụy rất mực đó.

Đã có những cảm xúc ấm áp được nhen lên giữa những ngày tháng đen tối nhất khi người dân ở nhiều thành phố lớn của Mỹ, Tây Ban Nha, Ý… ùa ra bancông vào khoảng thời gian các y bác sĩ ở địa phương giao ca để vỗ tay cảm ơn, động viên họ – những người đã gần như không nghỉ trong chuỗi ngày liên tục để cứu chữa bệnh nhân COVID-19.

Ở Việt Nam, làm sao có thể quên những hi sinh, căng thẳng của đội ngũ y tế trong gần một năm qua, của những chuyến “chi viện” cho Đà Nẵng ở đợt dịch thứ 2.

Ở Việt Nam thì cũng làm sao quên tình tương thân tương ái của từng người dân, đặc biệt vào những lúc “cao điểm” phòng chống dịch. Hoặc đâu đó vẫn còn một vài người kém ý thức với dịch bệnh làm ảnh hưởng đến cộng đồng, nhưng đại đa số mọi người đã ý thức rất nhiều vì nhau, vì cộng đồng.

2020 - Một năm buồn, nhưng đừng tuyệt vọng! - Ảnh 4.

Nghiên cứu sản xuất vắcxin chống COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen – Ảnh: DUYÊN PHAN

Kỷ lục về thời gian có vắcxin

Lịch sử chắc chắn không quên ghi công các nhà khoa học đã phát triển thành công các vắcxin COVID-19 khả dụng trong thời gian nhanh kỷ lục, giúp nhân loại có thể tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Thành tựu này thực sự kỳ diệu và nhiều người đã “không dám mơ” khi hiểu rằng phát triển vắcxin là một quá trình lâu dài và phức tạp.

Các nhà khoa học đã mất 18 năm để phát triển thành công vắcxin chống bại liệt nhưng theo WHO, hiện đã có hơn 50 ứng cử viên vắcxin đang được thử nghiệm lâm sàng và ít nhất 12 trong số các thử nghiệm đó đã ở giai đoạn ba với 40.000 tình nguyện viên tham gia, một vài quốc gia đã tiêm vắcxin “thật” nữa.

Cứ tưởng tượng nếu năm 2020 cũng có cảm xúc giống con người, hẳn nó sẽ buồn biết bao khi biết mình “được đi vào lịch sử” vì là năm của đại dịch COVID-19. Chắc nó cũng sẽ muốn thanh minh với mọi người rằng đại dịch không “nằm trong kế hoạch năm” của nó.

Ai trong chúng ta rồi cũng muốn quên đi một năm tồi tệ như thế này, nhưng quên một phần quan trọng của lịch sử lại là điều nguy hiểm.

Người ta vẫn nói “những ai không học lịch sử sẽ lặp lại nó”. Bởi vậy, nhớ lại những bài học giá trị trong năm 2020 sẽ là một điều cần thiết. Từ đó hãy nói với nhau: Đừng tuyệt vọng. Đừng buồn. Giữa những ngày tối tăm và bất an nhất vẫn luôn có những khoảnh khắc đẹp và tươi sáng.

2021 sẽ tốt đẹp hơn

Trong bài chia sẻ rất dài trên trang Gatesnotes ngày 23-12, tỉ phú Bill Gates nói về những điều mà ông tin tưởng sẽ mang lại tin tức tốt lành hơn trong năm 2021.

“Tôi đã dành hầu hết thời gian của mình trong năm nay để làm việc với các cộng sự tại quỹ và trên toàn thế giới nhằm tìm các giải pháp cho việc xét nghiệm, điều trị và phòng ngừa COVID-19.

Khi nghĩ lại tốc độ của những tiến bộ khoa học trong năm 2020, tôi đã thực sự sửng sốt. Nhân loại chưa bao giờ đạt được nhiều tiến bộ về bất cứ căn bệnh nào như những gì thế giới làm được với bệnh COVID-19 trong năm nay.

Trong những tình huống thông thường, để tạo ra một vắcxin phải mất khoảng 10 năm. Lần này, nhiều vắcxin đã được tạo ra trong chưa đến một năm”, tỉ phú Bill Gates viết.

2020 - Một năm buồn, nhưng đừng tuyệt vọng! - Ảnh 6.

Tỉ phú Bill Gates cho rằng bất kể các mô hình máy tính cho rằng dịch bệnh thậm chí còn có thể tồi tệ hơn trong tháng tới, song có hai lý do chính để chúng ta có thể tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong năm mới.

 

Trước hết là tác dụng kéo chậm lại dịch bệnh từ việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn khác trong lúc vắcxin được triển khai giúp cứu sống nhiều người hơn.

Thứ hai, trong mùa xuân 2021, các vắcxin và những liệu pháp điều trị COVID-19 đã được đưa vào sử dụng sẽ bắt đầu đạt tới quy mô để tạo ra hiệu ứng toàn cầu.

Dù vẫn sẽ cần một số hạn chế phòng dịch (như tránh tụ tập quy mô lớn), song số ca mắc và số người chết sẽ bắt đầu giảm mạnh, ít nhất tại những nước giàu, và cuộc sống sẽ sớm trở lại giống với bình thường hơn lúc này.

Trong quá trình tìm kiếm phương pháp điều trị, thất bại là một thành công. Như tôi vẫn thường nói với nhóm làm việc tại Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, chúng ta không thể sợ thất bại – và khi chúng ta thất bại, ta nên làm điều đó nhanh chóng và học hỏi từ đó.

Đây là ví dụ của việc chúng tôi đã thất bại nhanh chóng với các liệu pháp điều trị COVID-19 nhưng theo một cách hiệu quả nhất có thể. (Bill Gates)

D.KIM THOA
TTO