28/01/2025

Chạy đua ứng phó Covid-19 cuối năm

Chạy đua ứng phó Covid-19 cuối năm

Lo ngại đợt bùng phát mới vào cuối năm, nhiều nước đang siết chặt biện pháp phòng dịch Covid-19 và xúc tiến triển khai vắc xin.
Các nhân viên y tế được tiêm vắc xin Covid-19 tại thủ đô Santiago, Chile /// Ảnh: Reuters
Các nhân viên y tế được tiêm vắc xin Covid-19 tại thủ đô Santiago, Chile ẢNH: REUTERS
Các nước khu vực Mỹ Latin – bao gồm Mexico, Chile và Costa Rica – hôm qua khởi động chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19 của liên doanh Mỹ – Đức Pfizer/BioNTech, theo AFP.
Các nhân viên y tế tuyến đầu ở Mexico và Chile được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, Mexico và Chile chỉ nhận được lần lượt 3.000 và 10.000 liều vắc xin vào ngày 24.12 dù mỗi nước đặt hàng hơn 1 triệu liều. Còn Argentina là nước đầu tiên ở Mỹ Latin phê chuẩn và triển khai vắc xin Sputnik V của Nga, vừa nhận được 300.000 liều.
Reuters hôm qua dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Abdolnaser Hemmati cho hay một ngân hàng nước này đã được Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho phép chuyển tiền đến một ngân hàng Thụy Sĩ để mua vắc xin Covid-19. “Họ (người Mỹ) cấm vận tất cả ngân hàng của chúng ta. Họ chấp nhận trường hợp này dưới áp lực của dư luận thế giới”, ông Hemmati khẳng định trên truyền hình nhà nước Iran. Ông cho biết thêm Iran sẽ chi trả khoảng 244 triệu USD (gần 5.700 tỉ đồng) cho 16,8 triệu liều vắc xin Covid-19.
Minh Trung

Riêng quốc gia đông dân nhất ở Mỹ Latin là Brazil chưa phê chuẩn bất kỳ loại vắc xin nào. Ngày 24.12, các nhà nghiên cứu Brazil cho biết vắc xin Covid-19 của Hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) đạt hiệu quả chỉ hơn 50% trong cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối ở Brazil. Tuy nhiên, dữ liệu từ cuộc thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vắc xin Trung Quốc đạt hiệu quả 91,25%.

Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang chuẩn bị khởi động chương trình tiêm chủng trên toàn khối từ ngày 27.12. Còn Mỹ triển khai vắc xin của Pfizer/BioNTech trên toàn quốc kể từ ngày 14.12, đến nay có hơn 1 triệu người được tiêm chủng.
Dù vắc xin mang đến tia hy vọng nhưng nhiều quốc gia đang lo ngại trước biến thể đột biến của SARS-CoV-2 gây Covid-19 với độ lây nhiễm cao ở Anh, theo Reuters. Hơn 50 quốc gia, mới nhất là Trung Quốc và Brazil, tuyên bố hạn chế hoặc tạm ngừng các chuyến bay đến từ Anh. Riêng Mỹ yêu cầu hành khách trên chuyến bay đến từ Anh phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Biến thể SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở Đức sau khi một phụ nữ đáp chuyến bay từ Anh đến nước này. Các chuyên gia cho biết hiện vẫn chưa rõ các loại vắc xin được phê chuẩn khẩn cấp có thể chống lại biến thể mới hay không.
Bên cạnh đó, nhiều nước như Anh, Úc và Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt. Chính phủ các nước này siết chặt biện pháp phòng dịch bao gồm lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, cấm tụ tập đông người, giảm quy mô hoặc hủy bỏ lễ hội đón năm mới 2021.
PHÚC DUY
TNO