23/01/2025

Vì sao biến thể virus corona xuất hiện nhiều nơi, chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Vì sao biến thể virus corona xuất hiện nhiều nơi, chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Biến thể virus corona xuất hiện với tốc độ kinh ngạc ở nhiều quốc gia đặt ra câu hỏi vì sao như vậy, và tương lai đại dịch sẽ đến đâu?

 

Vì sao biến thể virus corona xuất hiện nhiều nơi, chuyện gì xảy ra tiếp theo? - Ảnh 1.

Hàng loạt quốc gia trên thế giới báo cáo về sự xuất hiện của nhiều biến thể virus corona có khả năng lây lan cao hơn – Ảnh: News Medical

Trong khi hai hãng dược Pfizer và Moderna đang nghiên cứu liệu các biến thể mới có khả năng lẩn tránh kháng thể do vắc xin tạo ra hay không, các nhà khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi bộ gen SARS-CoV-2 sau hàng loạt phát hiện ở Anh, Nam Phi… và mới đây là Nigeria, Brazil.

Một số bệnh nhân COVID-19 mãn tính có thể gây ra biến đổi lớn ở virus. Có người bị suy giảm miễn dịch, có người được truyền huyết tương mang kháng thể, có người được cho dùng thuốc kháng virus remdesivir.

Ông Ravindra Gupta – nhà virus học thuộc Đại học Cambridge

“Hết sức bất thường”

Đầu tháng 12, số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt ở xứ Kent (Anh) khiến các nhà khoa học thắc mắc muốn biết tại sao. Học giả Nick Loman và các đồng nghiệp thuộc Hiệp hội Nghiên cứu gen Vương quốc Anh lập tức bắt tay vào nhiệm vụ.

Theo giáo sư Loman, đột biến là những lỗi nhỏ xảy ra tự nhiên trong quá trình bộ gen của virus sao chép. Kể từ khi xuất hiện, virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đột biến với tốc độ ổn định từ 1-2 “lỗi” mỗi tháng.

Do đó các nhà khoa học hết sức bất ngờ khi phát hiện một ổ dịch lớn ở Kent mang đặc điểm khác thường là có tới 23 đột biến. Biến thể này xuất hiện đột ngột không dấu hiệu báo trước và lây lan với tốc độ cực nhanh.

“Đó là một phát hiện hết sức bất thường”, giáo sư Loman chia sẻ với mạng lưới truyền hình National Geographic.

Vì sao biến thể virus corona xuất hiện nhiều nơi, chuyện gì xảy ra tiếp theo? - Ảnh 3.

Các nhà khoa học còn rất nhiều thắc mắc liên quan đến khả năng tiến hóa của SARS-CoV-2

Nghiên cứu tiếp theo của Cơ quan y tế cộng đồng Anh ghi nhận biến thể B.1.1.7 (hoặc 501Y.V1) trở nên phổ biến khi số ca nhiễm tăng vọt ở Kent và nhiều nơi ở vùng đông nam nước Anh.

Lần theo dấu vết, họ phát hiện biến thể này đã xuất hiện trên bệnh nhân COVID-19 từ ngày 20-9. Vậy mà chỉ đến giữa tháng 11, biến thể đã chiếm đến 20 – 30% số ca nhiễm ở London và vùng phía đông phụ cận. Ba tuần tiếp theo, nó đã chiếm khoảng 60%.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 23-12, các nhà khoa học Anh lại ghi nhận một biến thể virus corona khác hoàn toàn mới được phát hiện ở Nam Phi trên hai bệnh nhân ở Anh.

Có thể nói những diễn biến quá nhanh khiến giới nghiên cứu không khỏi hoang mang. Họ không chắc những ổ dịch đột biến này xuất hiện ra sao, cũng như hệ quả của hiện tượng này về lâu dài.

Virus biến đổi do áp lực tiến hóa?

Nhiều nhà khoa học nghi rằng các liệu pháp chữa cho bệnh nhân COVID-19 mãn tính đã dẫn đến áp lực thúc đẩy virus corona tiến hóa, tương tự như cách virus HIV trở nên kháng thuốc ở những bệnh nhân không hoàn thành liệu trình điều trị.

Ví dụ, liệu pháp huyết tương có hiệu quả rất khác nhau ở bệnh nhân COVID-19 tùy thuộc vào loại kháng thể tự nhiên mà hệ miễn dịch của người hiến sinh ra.

“Nếu anh dùng cây búa tạ đập một quả hạt, anh luôn có khả năng tách nó ra. Nhưng khoa học chưa có cây búa tạ (liệu pháp) nào cho bệnh COVID-19 mãn tính”, bác sĩ Gupta – người đã dành nhiều thập niên nghiên cứu virus HIV – so sánh.

Vì sao biến thể virus corona xuất hiện nhiều nơi, chuyện gì xảy ra tiếp theo? - Ảnh 4.

SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều bí mật chưa được khám phá – Ảnh: Scientist Magazine

Vài nghiên cứu đã phát hiện khả năng tiến hóa nhanh của virus corona ở bệnh nhân COVID-19 mãn tính (mắc bệnh trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng).

Trong một trường hợp, bệnh nhân nọ được điều trị huyết tương 3 lần bắt đầu từ ngày thứ 63 của bệnh, bác sĩ Gupta và đồng nghiệp đã phát hiện 2 đột biến trong bộ gen của virus nằm ở gai protein.

Điều tương tự xảy ra ở một bệnh nhân ung thư 65 tuổi sống sót sau khi mắc COVID-19 105 ngày. Theo nghiên cứu của Anh mới công bố hồi tháng 11, một đột biến của biến thể corona Nam Phi – N439K – có thể giúp virus kháng lại các loại thuốc kháng thể đơn dòng.

Theo bà Emma Hodcroft – nhà đồng phát triển của tổ chức Nextstrain chuyên theo dõi sự tiến hóa của mầm bệnh – khả năng tiến hóa nhanh như trên cũng được quan sát ở các loại virus gây bệnh cúm, tuy nhiên SARS-CoV-2 có thể đi theo một con đường khác mà khoa học chưa hiểu rõ.

Theo bác sĩ Muge Cevik – chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học St. Andrews – nếu giả thiết “virus tiến hóa” trên là đúng, nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cách thức chữa trị COVID-19.

Hồi đầu dịch, do không ai biết cách nào tốt nhất chữa căn bệnh mới này, các bệnh viện đã áp dụng hàng loạt liệu pháp cho bệnh nhân với hi vọng cách nào đó sẽ hiệu quả. Nhưng nếu thuốc kháng virus và liệu pháp kháng thể góp phần khiến virus đột biến, “đây là lời nhắc nhở cho cộng đồng y khoa cần phải thận trọng” – bác sĩ Cevik lưu ý.

Biến đổi lớn “chưa từng có”

Đột biến làm thay đổi bộ gen, nhưng nó ít khi dẫn đến thay đổi bên ngoài ở virus hoặc sinh vật sống. Đây là lý do tại sao những biến thể corona mới gây nhiều sự chú ý.

Mô tả cho dễ hình dung, cứ như con virus bước vào phòng thay đồ rồi bước ra với bộ cánh hoàn toàn mới thay vì chỉ thay mỗi chiếc nón như bình thường.

Trong số 23 đột biến của biến thể corona ở Anh, 17 nằm ở bộ gen hình thành nên các protein của virus, và 8 trong số đó nằm ở khu vực quy định gai protein – bộ phận giúp SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào người.

Báo cáo của Hiệp hội nghiên cứu gen Vương quốc Anh gọi đây là thay đổi lớn “chưa từng có” trong đại dịch COVID-19.

Mặc dù chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy các biến thể corona mới làm tăng tính trầm trọng của bệnh, các nghiên cứu ban đầu nhận định virus trở nên dễ lây hơn chủng gốc từ 70 – 100%. Và hiển nhiên, khi số ca bệnh tăng cũng đồng nghĩa số ca nhập viện và số người chết tăng theo.

“Các mô hình cung cấp thông tin sơ bộ nhưng chưa cụ thể. Câu trả lời sẽ đến từ sự kết hợp của một loạt lĩnh vực như dịch tễ học, virus học, nghiên cứu gen… Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời”, bác sĩ Cevik nhận định.

PHÚC LONG (theo National Geographic)
TTO