Mẹ đau khổ tìm con trai 15 tuổi bỏ nhà đi vì bị la rầy

Mẹ đau khổ tìm con trai 15 tuổi bỏ nhà đi vì bị la rầy

Đã hơn một tuần trôi qua, chị P.T.C.T đau buồn vì con trai Lê Trung Thành bỏ nhà đi vẫn chưa có tin tức gì. Cậu bé đã chặn Facebook, cắt đứt liên lạc với gia đình và bạn cùng lớp.
La Trung Thành chặn Facebook, cắt đứt liên lạc với gia đình, bạn bè /// GĐCC
La Trung Thành chặn Facebook, cắt đứt liên lạc với gia đình, bạn bè GĐCC
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, chị P.T.C.T (ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Hôm 15.12, vì con hư nên tôi có rầy la con khiến con tự ái bỏ nhà đi đến nay chưa về. Tôi nghe bạn bè con nói con đã bỏ lên TP.HCM cùng người người bạn nào đó…”.
“Ở trên lớp con học rất giỏi, nhưng hay nói chuyện, phá phách, hút thuốc, thường xuyên có những hành vi khiến ba mẹ rất buồn lòng. Chúng tôi khuyên bảo con rất nhiều lần nhưng con vẫn không thay đổi dù con đã nhiều lần hứa hẹn, cam kết không lặp lại”, chị T. Kể.
Thời gian vừa rồi, chị T. bị stress do công việc, thấy con hư nên bức xúc và la rầy con, đồng thời phạt con bằng cách để con 21 giờ tối mới được ăn cơm. “Tôi không ngờ việc đó lại khiến con tự ái bỏ nhà đi. Sau hôm đó con có chat với một số bạn trong lớp, khi các bạn khuyên về nhà thì lập tức con chặn Facebook”, chị T. cho biết.
Trong một tuần qua, chị T. đã cầu cứu người thân, bạn bè trên Facebook chia sẻ thông tin nhưng hiện vẫn chưa thấy tung tích của con. Sáng nay 23.12, Công an huyện Long Hồ cũng hẹn chị T. tới để tường trình cụ thể sự việc và hỗ trợ tìm kiếm.

Trách nhiệm và tôn trọng luôn song hành

Bà Nguyễn Thị Minh Đăng, một chuyên gia về trí tuệ cảm xúc tại TP.HCM, cho biết rất chia sẻ với phụ huynh trong tình huống này.
Bà Đăng nhìn nhận: “Người lớn thường hay cho rằng mình luôn đúng, còn trẻ con luôn sai. Điều này không hoàn toàn phù hợp. Trẻ con cũng có lúc đúng. Vì thương con, muốn con phải tốt lên nên hay dùng cách la rầy, thậm chí mắng chửi và nghĩ rằng trách nhiệm của bậc làm cha mẹ là phải thế, mà không biết rằng điều đó làm con cảm thấy không được tôn trọng, dẫn đến ấm ức, phản kháng lại”.
Bà Minh Đăng cũng cho rằng trẻ phản kháng bằng cách bỏ nhà đi là để muốn ba mẹ thay đổi, không la mắng nữa, nhưng hành vi đó là chưa đúng. “Nếu trẻ đã hứa thì phải thực hiện lời hứa để ba mẹ tin tưởng. Tuy nhiên, trẻ có thể biết những việc làm như hút thuốc, nói dối… là sai, nhưng do còn nhỏ nên không đủ năng lực lãnh đạo bản thân, dẫn đến việc sai tiếp. Cha mẹ phải ứng xử theo cách “trách nhiệm và tôn trọng song hành”, và cũng nên trau dồi trí tuệ cảm xúc của bản thân để kiểm soát suy nghĩ, hành vi ứng xử với với con cái.

Lắng nghe và thấu hiểu con

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho rằng trong các tình huống con mắc lỗi hay sai lầm, cha mẹ nên hạn chế mắng chửi con, vì việc mắng chửi có thể sẽ là một hình thức “bạo lực tinh thần”, và nếu thường xuyên thì về lâu dài con sẽ càng gia tăng hành vì tiêu cực, chống đối hoặc hư hơn.
“Khi trẻ có hành vi không chuẩn mực, cha mẹ cần hiểu rằng trẻ có thể đang rơi vào một “trải nghiệm đau khổ”, hoặc trẻ đang gặp phải khó khăn nào đó. Việc trẻ có hành vi thiếu chuẩn mực có thể không phải lỗi của trẻ mà đôi khi có thể do chính người lớn. Chẳng hạn trẻ chưa được quan tâm đúng mức, hoặc chưa được cha mẹ thấu hiểu, gần gũi, sẻ chia… Ở tuổi mới lớn, có không ít trẻ bộc lộ cá tính của mình mà chưa hiểu rõ chuẩn mực để thích ứng phù hợp nên dẫn đến sai trái”, tiến sĩ Công nhìn nhận.
Do đó, theo tiến sĩ Công, cha mẹ cần có kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu khó khăn của trẻ, giúp trẻ vượt qua những sai lầm của cuộc sống và đừng làm trẻ đánh mất niềm tin vào chính bản thân mình.
HÀ THANH
TNO