27/12/2024

Cuối năm cảnh giác lừa đảo

Cuối năm cảnh giác lừa đảo

Giả danh cơ quan công an , lừa đảo qua điện thoại, bán vé máy bay siêu rẻ, đánh cắp tài khoản ngân hàng… là những chiêu trò cũ nhưng cứ đến cuối năm lại nở rộ.
 /// minh họa: DAD
minh họa: DAD

Kết bạn, tặng quà… lừa 400 tỉ đồng

Ngày 15.12, Bộ Công an thông tin Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng An ninh mạng) thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ – Bộ Công an và Công an TP.HCM phá chuyên án, bắt giữ một đối tượng người VN trong đường dây lừa đảo gần 400 tỉ đồng.

Càng về cuối năm, khi các giao dịch mua bán hàng hóa, chuyển tiền và nhất là hoạt động trên mạng diễn ra nhiều thì những kẻ lừa đảo sẽ đẩy mạnh hoạt động

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena

Cụ thể vào đầu tháng 11, Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận được đơn của bà T.T.R và H.T.T.T (cùng trú tại Thừa Thiên-Huế) trình báo về việc bị một nhóm đối tượng giả danh nhân viên sân bay cấu kết với một đối tượng người nước ngoài lừa đảo số tiền hơn 700 triệu đồng. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, đầu tháng 12 lực lượng công an đã bắt giữ Lê Thành Nhân (sinh năm 1989, trú tại H.Cần Đước, Long An; làm nghề lái xe tại TP.HCM). Nhân khai nhận vào khoảng tháng 5 vừa qua, Nhân làm quen và được một người phụ nữ (hiện trú tại Campuchia) rủ tham gia một đường dây người nước ngoài lừa đảo tại VN. Nhân chịu trách nhiệm liên lạc, nhận và chuyển tiền của các bị hại cho người phụ nữ này.

Từ những thông tin trên, lực lượng công an vạch trần thủ đoạn lừa đảo của đường dây tội phạm này. Đó là thông qua ứng dụng WhatsApp, một số đối tượng người Nigeria giả là quân nhân, bác sĩ nước ngoài… kết bạn, làm quen với phụ nữ VN. Sau một thời gian trò chuyện, ngỏ lời yêu đương, nhóm này sẽ bày tỏ muốn tặng quà, gửi ngoại tệ có giá trị cao cho các bị hại hòng làm mồi nhử. Khi có được thông tin của bị hại, chúng chuyển cho các đối tượng khác sinh sống ở Campuchia để lấy thông tin tài khoản ngân hàng; sau đó các đối tượng ở Campuchia sẽ cung cấp thông tin cho Lê Thành Nhân tại VN. Lúc này, Nhân sẽ “giả danh” nhân viên quản lý và giao hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện, thông báo cho các bị hại hiện đang có một kiện hàng của người thân từ nước ngoài gửi về, yêu cầu nộp các khoản phí qua các tài khoản ngân hàng để hoàn tất thủ tục nhận hàng. Ngoài ra, từ công tác điều tra mở rộng vụ án, lực lượng công an còn phát hiện nhóm đối tượng người Nigeria kết bạn với một số nam giới tại VN, tạo giả các hợp đồng làm ăn với số tiền lớn cần chuyển về VN để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Bằng những thủ đoạn này, chỉ từ tháng 6 đến nay, các đối tượng đã lừa đảo hàng trăm nạn nhân trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt gần 400 tỉ đồng.
Trước đó, đầu tháng 11, Tập đoàn VNPT cũng cho hay một phụ nữ ở Hà Nội đã đến cơ quan công an trình báo bị lừa 13 tỉ đồng sau khi nhận cuộc điện thoại từ người tự xưng là nhân viên cơ quan tư pháp. Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ lừa đảo được người dân trình báo từ đầu năm 2020. Ước tính, tổng số tiền các nạn nhân bị lừa trên cả nước đã lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Cuối năm cảnh giác lừa đảo

Lực lượng công an bắt giữ Lê Thành Nhân (đối tượng vụ lừa đảo gần 400 tỉ đồng) tại TP.HCM, di lý về Huế để điều tra

ẢNH: HỒNG NHUNG

Bán vé máy bay giả, mở thẻ tín dụng ảo…

Một nữ hành khách có nhu cầu bay Hà Nội – Đà Lạt vào cuối tháng 11 đã lên mạng tìm kiếm website đặt vé của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, sau khi hiện kết quả tìm kiếm, do không kiểm tra kỹ lưỡng nên khách hàng đã nhấp chuột truy cập website www.vietnamairslines.com (trang web này chỉ thêm chữ “s” chèn vào giữa từ “airlines” khiến khách hàng khó phân biệt). Nữ khách hàng này đã chuyển khoản 4 triệu đồng tiền vé và vẫn nhận được thông tin kèm mã vé máy bay qua email. Nhưng khi nhận ra điểm bất thường trên website đặt vé, khách hàng kiểm tra lại mã đặt chỗ trên website chính thức của Vietnam Airlines nhưng không tìm ra kết quả. Liên hệ với các số điện thoại trên trang web đã mua vé không được, người này mới phát hiện mình đã đặt vé nhầm qua website lừa đảo.

Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng đa dạng, người dân cần hết sức cẩn trọng khi thực hiện đăng nhập những thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, những gì liên quan đến tiền… Ngoài ra, không nên nhận rút giúp tiền hay bán số tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, đây là hành vi tiếp tay cho kẻ gian lừa đảo.

Ông Huỳnh Trung Minh, giảng viên Học viện Ngân hàng

Trước đó, đầu năm 2020, một nam hành khách được bạn nhờ đặt vé, nên đã tìm kiếm trang web của Vietnam Airlines và vào nhầm website www.vietnamairilines.com. Tên miền website này có chữ “i” được chèn vào giữa từ “airlines” khiến khách hàng khó phân biệt so với trang web chính thức của Vietnam Airlines. Sau khi có thư điện tử xác nhận và tài khoản báo trừ tiền, nam hành khách này chờ mãi không thấy thư báo thông tin chuyến bay. Lúc này, hành khách mới xem lại và phát hiện mình đã vào nhầm trang web giả mạo.

Lĩnh vực tài chính luôn tập trung nhiều chiêu trò lừa đảo. Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết gần đây liên tục nhận được phản hồi của khách hàng về việc một số đối tượng mạo danh nhân viên OCB gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email hoặc đến tận nhà khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo thu phí làm hồ sơ vay hoặc mở thẻ tín dụng nhằm khai thác thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền khách hàng. Đặc biệt, những đối tượng này còn đến tận nhà chào mời khách hàng vay tín chấp bằng cách mở thẻ. Nhóm người này yêu cầu khách hàng trả một khoản phí 450.000 đồng để được hỗ trợ hồ sơ thẻ tín dụng/vay và giải ngân tiền. Sau khi khách hàng đóng phí, các số điện thoại liên lạc trực tiếp đến khách hàng đều mất tín hiệu.
Công an TP.HCM cũng đã cảnh báo một số thủ đoạn mà kẻ lừa đảo thực hiện gần đây trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook là giả mạo công ty tài chính cho vay với thủ tục nhanh, đơn giản, lãi suất thấp nhằm đánh vào tâm lý những người cần tiền gấp. Khi người vay đồng ý theo các nội dung vay tiền, đối tượng gửi cho người vay bản hợp đồng tín dụng giả qua các công ty chuyển phát nhanh. Đồng thời, nhân viên của các công ty chuyển phát nhanh sẽ thu khoản tiền bảo hiểm rủi ro 550.000 đồng/khoản vay. Sau khi nhận tiền, đối tượng lừa đảo sẽ ngắt liên lạc với khách hàng.

Nâng cao cảnh giác cuối năm

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, nhận định càng về cuối năm, khi các giao dịch mua bán hàng hóa, chuyển tiền và nhất là hoạt động trên mạng diễn ra nhiều thì những kẻ lừa đảo sẽ đẩy mạnh hoạt động. Các chiêu lừa đảo không quá mới nhưng cách thức thực hiện sẽ tinh vi hơn. Đặc biệt sử dụng tổng đài ảo, giả danh công an, tòa án cho thấy những kẻ lừa đảo đã có sự nghiên cứu kỹ về thông tin, quan hệ xã hội cũng như tâm lý của người bị hại. Từ đó kẻ lừa đảo thực hiện khai thác thông tin khiến nạn nhân bị cuốn vào câu chuyện và làm theo lời chỉ dẫn để chuyển tiền, cung cấp số tài khoản thành công. Vì vậy người dùng nên nâng cao cảnh giác, phải kiểm tra chéo để xác định thông tin trước khi làm theo yêu cầu hay chỉ dẫn của người khác, nhất là các cuộc điện thoại lạ.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Minh, giảng viên Học viện Ngân hàng, cho hay kẻ gian thường lựa chọn thời điểm cuối năm để lừa đảo do tâm lý của người dân thường cần tiền mua sắm, cũng như khá bận rộn công việc nên bỏ qua những chi tiết bất thường. Chẳng hạn như đăng nhập phải một trang web giả mạo có giao diện rất giống cơ quan ban ngành, ngân hàng rồi từ đó yêu cầu người dân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, Facebook… Những thủ đoạn này liên tục được cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy, một phần do lòng tham như trường hợp kẻ gian bảo chuyển một khoản phí, tiền đặt cọc, tiền thuế… để nhận quà khuyến mãi tiền triệu là chuyển ngay tức thì mà không đắn đo. Những kẻ lừa đảo khi đã đưa số tài khoản thường sử dụng những mánh khóe nhằm tránh để lại giấu vết như thuê người khác mở tài khoản rồi mua lại, hoặc dùng chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản.
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO