13/01/2025

Hậu trường chính trị: Anh nỗ lực tìm thị trường mới hậu Brexit

Hậu trường chính trị: Anh nỗ lực tìm thị trường mới hậu Brexit

Cuộc đàm phán giữa Anh và đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Liên minh Châu Âu (EU) nhằm đảm bảo một thoả thuận thương mại lâu dài đang bước vào giai đoạn cuối.
Ảnh minh họa /// Reuters
Ảnh minh họa REUTERS
Đến ngày 1.1.2021, những thỏa thuận chuyển tiếp còn giữ Anh nằm trong thị trường chung của EU và liên minh hải quan kể từ khi nước này rời khỏi EU (Brexit) từ tháng 1.2020 sẽ hết hiệu lực. Dù kết quả đàm phán như thế nào đi nữa, Anh muốn tìm thỏa thuận với các nước khác, dùng vị thế không còn bị ràng buộc bởi chính sách thương mại chung của EU để cố gắng thiết lập thị trường mới cho các ngành dịch vụ và tài chính.
Ngày 13.12, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cho hay cuộc đàm phán thương mại với Úc đang có tiến triển tốt, sau khi vòng đàm phán thứ 3 giữa hai nước kết thúc ngày 4.12, với nhiều cuộc thảo luận trong 50 lĩnh vực khác khau, theo Reuters. Thương mại về hàng hóa và dịch vụ giữa Anh và Úc trong năm 2019 đạt 18,5 tỉ bảng (hơn 572.000 tỉ đồng) và chính phủ Anh ước tính một thỏa thuận thương mại sẽ giúp gia tăng xuất khẩu sang Úc lên thêm 900 triệu bảng. Có được một thỏa thuận với Úc được xem là bước quan trọng để Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngoài Úc, Anh cũng đang đeo đuổi thỏa thuận song phương với những đối tác lớn khác như Mỹ và New Zealand sau khi đạt thỏa thuận ban đầu với Canada và Nhật Bản.
VĂN KHOA
TNO