29/12/2024

Tiếp cận vắc xin COVID-19: Nước giàu thừa mứa, nước nghèo khan hiếm

Tiếp cận vắc xin COVID-19: Nước giàu thừa mứa, nước nghèo khan hiếm

Theo CNN, cuộc chạy đua kết thúc đại dịch COVID-19 đang phân tách thế giới làm hai nửa, những nước sở hữu vắc xin và những nước không có vắc xin. Thực tế này khiến người ta hoài nghi về cái gọi là đoàn kết toàn cầu về vắc xin.

 

Tiếp cận vắc xin COVID-19: Nước giàu thừa mứa, nước nghèo khan hiếm - Ảnh 1.

Một cụ ông được tiêm vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech COVID-19 tại Bệnh viện Guy ở London, Anh ngày 8-12 – Ảnh: REUTERS

Các nước giàu đã tìm mua vắc xin trong nhiều tháng qua bằng các giao dịch song phương trị giá hàng tỉ USD với các loại vắc xin tiềm năng. Một số nước và khu vực thậm chí đã đặt mua vắc xin dư dùng cho toàn bộ dân số.

Chẳng hạn, riêng chính phủ Canada đã đảm bảo số lượng vắc xin gấp 5, thậm chí gấp 6 lần nhu cầu tiêm cho công dân nước mình dù không phải tất cả các ứng cử viên vắc xin họ đã đặt hàng trước đều được phê duyệt.

Trong khi các nước giàu nhất thế giới dễ dàng đạt được các thỏa thuận về vắc xin thì cơ hội tốt nhất cho gần 70 nước nghèo là họ chỉ có thể có vắc xin từ năm 2021 và cũng chỉ 10% dân số được tiêm.

Giáo sư Gregory Hussey, thành viên trong một ủy ban tư vấn cấp bộ cho chính phủ Nam Phi về việc tiếp cận với vắc xin COVID-19, bày tỏ: “Mặc dù ý tưởng tiếp cận vắc xin công bằng trên toàn cầu đã được nêu ra, chủ nghĩa dân tộc về vắc xin lại là nguyên tắc tối thượng”.

Trả lời phỏng vấn của CNN, John Nkengasong, người đứng đầu Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát và dịch bệnh châu Phi, cho biết việc các nước nghèo không có khả năng tiếp cận vắc xin sẽ là “thảm họa”.

Khi đại dịch tràn qua các quốc gia và bệnh nhân COVID-19 lấp đầy các bệnh viện, cả thế giới đã nỗ lực để tìm kiếm vắc xin hiệu quả và an toàn. Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin COVID-19 (Cơ chế COVAX) do Gavi – Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng – nắm vai trò lãnh đạo ra đời.

Cho đến nay, đã có 189 quốc gia và vùng lãnh thổ ký cam kết tham gia cơ chế này. Gavi đã huy động được hơn 2 tỉ USD để mua vắc xin cho các nước nghèo nhất.

Nhưng số tiền đang có không giúp họ mua được những liều vắc xin đã được bán cho các nước khác. Những nước đóng góp chính cho COVAX như EU, Anh và Canada đã có thỏa thuận song phương riêng số lượng lớn với các công ty dược.

Bác sĩ Richard Mihingo, điều phối viên về Tiêm chủng và phát triển vắc xin khu vực châu Phi của WHO, cho biết ông hiểu các quốc gia cần đảm bảo công dân của họ được tiêm vắc xin và nước giàu có thuốc tốt và có trước là một thực tế đáng buồn, nhưng không mới.

Châu Phi phải đấu tranh hàng năm trời để khu vực này tiếp cận được các loại thuốc điều trị HIV/AIDS, rất lâu sau khi chúng có mặt ở phương Tây hoặc vắc xin cúm H1N1.

Vắc xin COVID-19 có thể gợi lại những kỷ niệm đắng chát này nhưng khác biệt là về mặt dịch tễ: “Trừ khi tất cả mọi người được bảo vệ, bằng không sẽ không có ai được an toàn”.

Chúng ta đang sống trong một thế giới siêu liên kết, do đó các nước giàu có thể có vắc xin và được bảo vệ khỏi dịch bệnh, nhưng họ chỉ có thể làm vậy nếu tự cô lập, trong khi thế giới cần được kết nối như trước đây về xã hội và kinh tế.

Về dài hạn, thiếu vắc xin COVID-19 ở các nước nghèo sẽ làm giãn rộng sự bất công trên toàn cầu. Sự bất công đó là công dân những nước giàu, được tiêm vắc xin thì được đi du lịch, đi làm ăn, đi học hành, trong khi không được tiêm vắc xin thì những cơ hội này bị tước đoạt với công dân khác.

HỒNG VÂN
TTO