Người trẻ có thể bị đột quỵ không ?
Người trẻ có thể bị đột quỵ không ?
Thời gian gần đây, truyền thông đưa tin nhiều người qua đời vì đột quỵ. Nhiều phụ huynh lo lắng liệu người trẻ tuổi có nguy cơ bị đột quỵ không.
Tháng 1.2019, trên đường chạy marathon ở TP.HCM, chàng trai V.V.T, 24 tuổi, tử vong với chẩn đoán của bác sĩ là đột quỵ. Người viết bài đã thực hiện nhiều bài viết về hoàn cảnh thương tâm của những bạn trẻ trên dưới 30 tuổi, đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, ban ngày vẫn đi làm bình thường nhưng sau một đêm, đồng nghiệp phát hiện chết tại nhà trọ. Khám nghiệm tử thi cho thấy bị đột quỵ.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 10.12, bác sĩ Hồ Thanh Phong, công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết người trẻ cũng có nguy cơ bị đột quỵ.
Đột quỵ, hay tai biến mạch máu não, là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bị thiếu ô xy, trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não bắt đầu chết.
Song, điều bác sĩ Phong nhấn mạnh là đột quỵ ở người trẻ, không phải do các yếu tố như huyết áp tăng mà là do dị dạng mạch máu não, có khối phình trong mạch máu não mà người bệnh không hề hay biết. Nhiều người gặp vấn đề này khi mới trên 30 tuổi một chút, hoặc dưới 30 tuổi. Bệnh viện Nhân dân 115 cũng tiếp nhận các ca mà người bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não trên 16 tuổi, vào bệnh viện được chiếu chụp mới phát hiện ra. Không thể chẩn đoán trước ai có thể bị dị dạng mạch máu, vì chụp mạch máu phải dùng thuốc cản quang, yêu cầu kỹ thuật cao. Nếu người đang khỏe mạnh bình thường, không ai tự nhiên chụp mạch máu.
Bác sĩ Phong cho hay, về thực tế, có phương pháp tầm soát đột quỵ nhưng tốn kém, độc hại, chưa thể làm đại trà, tầm soát những mạch máu dị dạng đó rất khó nhưng mọi người có thể điều trị dự phòng các vấn đề về huyết áp, tiểu đường…
Bác sĩ Phong cho biết mỗi người trẻ cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, không sử dụng đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, học tập, làm việc điều độ, tập thể thao vừa sức… Những thói quen này giúp bảo vệ thành mạch máu, tránh xơ vữa mạch máu.
Sơ cứu người bị đột quỵ cần bình tĩnh, để người đó nằm dễ thở, phải đưa vào nơi cấp cứu nhanh nhất, nên ưu tiên xe cấp cứu bởi sẽ có bình ô xy và nhân viên y tế hỗ trợ. Tuyệt đối không tự ý cho người bệnh ăn uống bất cứ thứ gì.
“Nhiều người truyền miệng nhau những viên thuốc nói là khi bị đột quỵ chỉ cần ngậm ngay 1 viên là khỏi ngay, viên thuốc giá vài triệu đồng, điều này hoàn toàn là sai lầm. Không có viên thuốc nào có tác dụng như vậy. Nếu người bệnh đang mất tri giác, cho viên thuốc vào miệng sẽ càng làm người bệnh nghẹt đường thở, tử vong”, bác sĩ Phong cảnh báo.
THUÝ HẰNG
TNO