28/12/2024

Học hết lớp 9 vào cao đẳng: Đột phá nhưng cần cẩn trọng

Học hết lớp 9 vào cao đẳng: Đột phá nhưng cần cẩn trọng

Hiện học sinh hoàn thành bậc trung học cơ sở (THCS) chưa thể học lên thẳng cao đẳng mà phải qua trình độ trung cấp mới được liên thông. Tới đây, quy trình này có thể sẽ lược bỏ giai đoạn ‘trung gian’.

 

Học hết lớp 9 vào cao đẳng: Đột phá nhưng cần cẩn trọng - Ảnh 1.

Học sinh Trường cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn (TP.HCM) trong giờ học kỹ năng- Ảnh: TR.NHÂN

Trong chỉ thị số 24/CT-TTg, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS, không phải liên thông từ trung cấp lên cao đẳng.

Thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đang gấp rút xây dựng đề án thí điểm. Theo tổng cục, đây là hướng đi phù hợp với nhu cầu nhân lực và giúp phân luồng sau THCS hiệu quả. Thời gian để có tấm bằng cao đẳng có thể sẽ ngắn hơn từ 1-2 năm.

Đề cao chất lượng

Mỗi năm cả nước có khoảng 1,3 triệu học sinh hoàn thành bậc THCS, được định hướng theo các hướng chính: học tiếp lên THPT, học lên trung cấp và vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên. Phần lớn học sinh chọn học tiếp THPT, chiếm hơn 70%, thậm chí có nơi hơn 80%.

Theo một số chuyên gia, nếu thêm hướng cho các bạn tốt nghiệp THCS học ngay CĐ, chắc chắn sẽ tạo được những nhân lực chất lượng, từ đó thu hút thêm đầu tư vào Việt Nam. Bởi hiện nay một trong những vấn đề thu hút đầu tư còn chậm là do thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cần tính toán kỹ lưỡng về thời gian đào tạo, nếu rút quá ngắn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nhân lực, không tương xứng với khung trình độ quốc gia và không thể hội nhập được về lao động và giáo dục – đào tạo.

Lấy ví dụ ở Trung Quốc, học sinh phải mất 4 năm mới được cấp một bằng tốt nghiệp THPT và một bằng trung học nghề. Họ vẫn đề cao chất lượng chứ không đặt yếu tố thời gian đào tạo ngắn là tiên quyết. “Dù là thí điểm nhưng khi đào tạo thiếu chuẩn mực rồi cấp bằng cho người học, hệ thống sẽ rối loạn về văn bằng và trình độ không tương đương với tên gọi văn bằng” – ông Vinh nói.

Quan trọng là giáo viên

Mới đây, TS Phan Chính Thức – phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội – đề xuất một lộ trình thí điểm đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Theo đó, đề án thí điểm sẽ được hoàn tất vào năm 2021, tổ chức đào tạo thí điểm từ năm 2021-2025. Năm 2025-2026 dự kiến sẽ tổng kết, nếu thành công có thể nhân rộng mô hình trong giai đoạn 2026-2030.

TS Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông (TP.HCM) – cho biết khi triển khai thí điểm mô hình này, vấn đề cốt lõi là chất lượng giáo viên dạy nghề. Nội dung chương trình có thể mua hoặc chuyển tiếp từ nước ngoài, như Bộ LĐ-TB&XH có 22 chương trình chuyển tiếp từ Đức, nhưng thành công hay không do đội ngũ giáo viên quyết định.

Ông lý giải học sinh vừa xong lớp 9 đang ở độ tuổi có nhiều chuyển biến về tâm sinh lý. Không ít bạn chưa định hướng nghề nghiệp rõ ràng và dễ thay đổi đường đi hơn những bạn học xong lớp 12. Do vậy, các giáo viên đảm nhiệm chương trình sẽ phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa định hướng học sinh.

Nói cách khác, đội ngũ này ngoài kiến thức chuyên môn thì phải nắm bắt tâm lý, có khả năng hướng dẫn tận tình. “Không chỉ là những giáo viên dạy nghề thuần túy, họ còn là những nhà sư phạm thật sự, hiểu được tâm lý và tính cách của các em để vừa dạy vừa dỗ” – ông Hải nói.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, giáo viên trong mô hình học sinh tốt nghiệp THCS học cao đẳng thường có chất lượng rất cao.

Chẳng hạn, trong các giáo viên dạy chương trình KOSEN của Nhật, trên 80% là các giáo sư, phó giáo sư. Tiêu chuẩn trình độ giáo viên của KOSEN ngang bằng tiêu chuẩn trình độ giảng viên của các trường ĐH nước này. Ông Vinh cho rằng thành công gần như sẽ không thể có nếu Việt Nam áp dụng mô hình này mà thiếu đội ngũ giảng viên chất lượng.

Thiết lập quy trình kiểm tra chất lượng

Nhiều người đặt vấn đề đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh THCS liệu có đảm bảo chất lượng, theo TS Trần Thanh Hải, nếu đặt vấn đề chất lượng thì nên xét cả ở các cấp bậc khác như đại học, thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ. Theo ông, cần nhìn nhận mô hình học sinh tốt nghiệp THCS có thể học cao đẳng là xu thế, còn về chất lượng có thể thiết lập một quy trình kiểm tra.

Ông Hải cho rằng mô hình này đang được nhiều nước áp dụng. Chẳng hạn, ở Nhật có hệ thống KOSEN, các bạn học hết cấp 2 có thể lựa chọn học cao đẳng nghề để làm cho các xí nghiệp hoặc liên thông lên đại học nếu muốn. Ở Đức có 2 đợt phân luồng là giai đoạn lớp 5 lên lớp 6 và lớp 9 lên lớp 10. Ở Mỹ, chương trình học xong lớp 9 vào các trường cao đẳng cộng đồng khá phổ biến. Nhiều tín chỉ trong cao đẳng cộng đồng được không ít trường ĐH cùng tuyến công nhận, tạo điều kiện cho các bạn có nguyện vọng liên thông ĐH sau này.

Nên có quỹ quốc gia đào tạo giáo viên

TS Trần Thanh Hải cho rằng nên có một quỹ quốc gia bồi dưỡng, nâng cao chất lượng các giáo viên dạy nghề tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Bất kể ở trường công hay tư, nếu tham gia vào thí điểm, các giáo viên sẽ được hỗ trợ đào tạo từ quỹ đó.

TRỌNG NHÂN
TTO