Tăng thuế dịch vụ xe công nghệ, người dùng gánh chịu
Tăng thuế dịch vụ xe công nghệ, người dùng gánh chịu
Các hãng dịch vụ vận tải công nghệ như Grab phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng 10% trên toàn bộ doanh thu khiến người dùng phải chịu thêm chi phí.
Theo Nghị định 126/2020 của Chính phủ, kể từ ngày 5.12, các hãng dịch vụ vận tải công nghệ như Grab phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng 10% trên toàn bộ doanh thu, thay vì chỉ nộp trên phần hãng thu về như trước đã khiến người dùng phải chịu thêm chi phí.
Khách hàng gánh toàn bộ phần cước tăng
Trước đây, Grab chỉ đóng 10% thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên phần thực nhận sau khi chiết khấu cho tài xế; riêng các tài xế chỉ đóng 3% thuế GTGT. Theo quy định mới kể từ ngày 5.12, Grab phải nộp 10% thuế GTGT cho toàn bộ tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe.
Điều này có thể hiểu rằng phần thuế GTGT mà Grab phải thu cho toàn bộ chuyến xe là 10%. Để thu thuế theo quy định mới, Grab đã thông báo tăng giá cước kể từ ngày 5.12. Cụ thể, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng thêm 2.000 đồng, lên 27.000 đồng. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng… tăng 3.000 đồng, lên 25.000 đồng. Còn với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.
Tương ứng với tăng cước, tỷ lệ khấu trừ của Grab trên mỗi chuyến xe GrabBike được tăng lên là 27,273%, bao gồm phí sử dụng ứng dụng 20% như trước đây và thuế GTGT. Còn tỷ lệ chiết khấu đối với tài xế GrabCar áp dụng từ 28,375% lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + thuế GTGT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%. Thế nhưng, người gánh chịu mức tăng này chính là người tiêu dùng. Đơn cử, trước ngày 5.12 khi thuế chưa tăng, 1 chuyến xe GrabCar 2 km đầu có cước là 25.000 đồng, tài xế sẽ chiết khấu cho Grab là 28,375%, tương đương số tiền 7.100 đồng, số tiền còn lại tài xế thực nhận là 17.900 đồng.
Sau ngày 5.12, với giá cước mới tăng lên cho 2 km đầu là 27.000 đồng, tài xế chiết khấu cho Grab lên 32,841%, tương đương 8.867 đồng, tài xế thực nhận là 18.100 đồng, tương đương số tiền trước đó. Riêng phía người dùng sẽ gánh chịu hoàn toàn phần cước 2.000 đồng tăng thêm đó (từ 25.000 đồng tăng lên 27.000 đồng)
Theo ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, đây là loại thuế gián thu trên hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng sẽ chịu thuế. Các công ty mà ở đây là Grab chỉ là đơn vị thu hộ và nộp vào ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, đại diện Grab cũng cho biết: “Nhằm mục đích tuân thủ quy định mới, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế GTGT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế”.
Tài xế cũng bị ảnh hưởng
Trong khi đó, việc tăng thuế cũng sẽ khiến tài xế Grab bị ảnh hưởng vì giá cước tăng, người tiêu dùng có thể lựa chọn hãng khác, doanh thu giảm thì thu nhập của tài xế Grab cũng giảm.
Bà Thu Hồng (ngụ Q.3, TP.HCM) cho hay mới đặt dịch vụ GrabCar 4 chỗ từ Q.3 sang Q.1 với phí 45.000 đồng. Mức phí này cao hơn 9.000 – 10.000 đồng cho cùng quãng đường trước khi Grab tăng giá. Nếu đi càng xa thì mức chênh lệch có thể càng cao hơn. Trong lúc kinh tế chưa ổn định, thu nhập nhiều người đã bị giảm sút từ khi dịch Covid-19 xảy ra, mà giá dịch vụ lại tăng thì chắc bà sẽ xem xét và tiết kiệm ít sử dụng hơn. Suy nghĩ của bà Thu Hồng cũng là của số đông người tiêu dùng hiện nay. Điều này sẽ khiến thu nhập của các tài xế Grab sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi doanh thu ít đi.
Thực ra, việc kê khai và nộp thuế GTGT 10% đã được phổ biến từ lâu với nhiều hàng hóa trên thị trường. TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định khi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ taxi truyền thống hay nhiều hàng hóa khác đều phải chịu 10% thuế GTGT. Như vậy việc đưa vào quản lý dịch vụ taxi công nghệ như Grab để tạo tính công bằng là dễ hiểu. Tuy nhiên, quan trọng nhất là lựa chọn thời điểm để thực hiện chưa phù hợp.
Trong bối cảnh kinh tế bị tác động nặng bởi dịch Covid-19, số người thất nghiệp trên cả nước tăng cao, số người bị giảm thu nhập cũng gia tăng và Chính phủ phải đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, kích thích kinh tế. Vì vậy, việc cơ quan thuế đưa ra quy định tăng thu thuế GTGT như trên sẽ khiến cho giá hàng hóa, dịch vụ gia tăng. Người tiêu dùng sẽ thắt lưng buộc bụng, giảm việc mua hàng hóa dịch vụ đó và sẽ kéo theo thu nhập của hàng ngàn tài xế – vốn là những người thu nhập thấp – bị sụt giảm, đời sống khó khăn. Nếu như trước đó, cơ quan thuế đưa ra lộ trình áp dụng quy định mới thì sẽ mang tính thuyết phục hơn.
Về phía Grab nói riêng và các hãng xe công nghệ, ông Chí cho rằng nên chỉnh sửa lại ứng dụng và tách riêng phần thuế GTGT như các hàng hóa khác, thay vì gộp chung vô giá cước. Từ đó sẽ giúp khách hàng cũng như tài xế hiểu rõ hơn về chi phí mà họ phải trả. “Việc tăng thuế GTGT lên 10% khiến Grab phải tăng giá cước là đương nhiên. Điều đó sẽ kéo theo hệ lụy là doanh thu của công ty và tài xế có thể bị ảnh hưởng nặng khi khách hàng giảm đi”, TS Lê Đạt Chí nói thêm.
Chiều 9.12, Tổng cục Thuế cho biết đã có buổi làm việc với Grab và giải thích về Nghị định 126 không có thay đổi về chính sách thuế GTGT. Nghĩa vụ khai thuế GTGT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện.
Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải thì thuế suất GTGT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định. Phía Grab cũng chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với tài xế là do ảnh hưởng của Nghị định 126.
THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG
TNO