24/12/2024

Số doanh nghiệp phá sản tăng mạnh

Số doanh nghiệp phá sản tăng mạnh

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có hơn 13.000 đơn vị tạm ngưng kinh doanh, gần 5.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể…
Chuyên gia cho rằng, một số ngành nghề khác sẽ xuất hiện thay thế cho lượng doanh nghiệp “đuối” trong đại dịch /// ẢNH: NGUYÊN NGA
Chuyên gia cho rằng, một số ngành nghề khác sẽ xuất hiện thay thế cho lượng doanh nghiệp “đuối” trong đại dịch  ẢNH: NGUYÊN NGA
Sức chống đỡ của doanh nghiệp gần như cạn kiệt khi tại TP.HCM – “đầu tàu” kinh tế thương mại của cả nước – có hơn 13.000 đơn vị tạm ngưng kinh doanh, gần 5.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể… từ đầu năm đến nay.

Các ngành dịch vụ, sản xuất nhỏ lẻ… rơi rụng

TP.HCM với hơn 13.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngưng kinh doanh trong 11 tháng, tăng 41,3% so cùng kỳ năm ngoái. Song song đó, số DN đã hoàn tất các thủ tục giải thể trong 11 tháng, theo thống kê của Sở KH-ĐT TP.HCM lên gần 5.200 DN, tăng gần 16% so cùng kỳ năm 2019. Còn theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng cả nước có gần 93.500 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có hơn 44.400 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 33.600 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hơn 15.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có 8.500 DN rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, so với cả nước, riêng TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, số DN tạm ngưng kinh doanh, phá sản tăng kỷ lục. Trả lời Thanh Niên ngày 3.12, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) Chu Tiến Dũng nhận xét thực tế số DN âm thầm rời cuộc chơi lớn hơn con số thống kê rất nhiều. Đa số là DN vừa và nhỏ hoặc nhỏ li ti, năng lực có giới hạn và số không cầm cự nổi trong đại dịch Covid-19 đã bị “dập” te tua, không đăng ký tạm ngưng hoạt động nhưng đóng cửa lâu rồi. Số DN tạm ngưng hoạt động theo tham khảo từ một số hiệp hội ngành nghề, tập trung vào khu vực DN kinh doanh dịch vụ, ăn uống, bất động sản, dịch vụ môi giới, dịch vụ logistics, sản xuất nhỏ lẻ, vận tải nhỏ…
Ông Dũng cho biết: “DN nhỏ có tâm lý làm ăn không ồn ào, phô trương, khi đóng cửa họ cũng âm thầm. Rất nhiều DN ngưng hoạt động, nhưng không đăng ký báo cáo lên cơ quan quản lý”.

Nhiều ngành nghề khác sẽ “mọc” lên

Ông Chu Tiến Dũng nói thẳng rằng “sức khỏe” của DN đến nay “đuối” lắm rồi. Các tiềm năng đều có giới hạn nên ngay cả với DN lớn, sức chống đỡ cũng đã cạn kiệt. Bức tranh toàn cảnh của DN TP.HCM được ông Dũng vẽ ra khá ảm đạm. Đó là sức khỏe vốn mong manh, nay bị “bệnh” lâu nay do ảnh hưởng quá lớn từ Covid-19 đã gục hẳn.
Bên cạnh đó, các chính sách tiếp sức từ Chính phủ đã không đến được đại đa số DN. Hơn 90% DN cho biết không với tới được gói hỗ trợ về tài chính trong Covid-19. Các thủ tục để chứng minh có năng lực hay không mới cho vay là một “rừng”, chờ để chứng minh cho được thì DN đã “chết” như thực tế chúng ta thấy. Mới đây trong bối cảnh khó khăn này, Nghị định 126 quy định DN tạm nộp tiền thuế theo 3 quý phải tối thiểu 75% và được áp dụng cho năm quyết toán thuế 2021 tiếp tục đẩy DN vào đường cùng. Tuy áp dụng cho quyết toán thuế năm sau, nhưng quy định đưa ra tại thời điểm quá khó khăn này gây tâm lý hoang mang lo lắng không cần thiết cho DN. “Rất tiếc, các nhà làm chính sách, tư vấn làm chính sách đôi khi khá chủ quan khi đưa ra một quyết sách trong bối cảnh nền kinh tế đang yếu đi vì dịch như vậy”, ông Dũng nhận xét.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia tài chính, Học viện Tài chính) lại tỏ ra không quá bất ngờ với con số DN tạm ngưng hoạt động nói trên của TP.HCM. Ông nói, cách đây 4 tháng, hồi cuối tháng 7, khi đại dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam, ông đã có dự báo tỷ lệ DN phá sản có thể tăng gấp 3 – 4 trong quý cuối năm. Bởi thực tế, có nhiều DN chưa “chết” hẳn, đang cầm cự. Nếu bị thêm cú bồi thì sẽ phá sản hoặc không thể hoạt động được nữa.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng không nên quá bi quan bởi thực tế, con số DN thành lập lớn hoạt động trong một số ngành nghề khác tăng cũng đang ghi nhận. Chẳng hạn, lĩnh vực giao hàng, bán hàng qua thương mại điện tử tăng mạnh. Cùng thời điểm, TP.HCM có 37.548 DN được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 947.346 tỉ đồng, giảm 7,37% về số lượng nhưng tăng hơn 58% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước có gần 124.300 DN đăng ký thành lập mới, đặc biệt, cả nước có 40.800 DN quay trở lại hoạt động, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Song song với hiện tượng một số DN ngành dịch vụ trực tiếp đóng cửa, sẽ có thêm các ngành nghề khác được thành lập. Thực tế, nhiều cửa hàng ăn uống đóng cửa, nhưng một số thương hiệu mới trong lĩnh vực kem, cà phê giải khát lại mở rộng tại nhiều vùng ven không có dịch bệnh.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
NGUYÊN NGA
TNO