24/12/2024

Lo ngại nhà đầu tư nước ngoài ‘đi đêm’ sở hữu cổ phần doanh nghiệp xăng dầu

Lo ngại nhà đầu tư nước ngoài ‘đi đêm’ sở hữu cổ phần doanh nghiệp xăng dầu

Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương xem xét toàn diện khi nhiều ý kiến lo ngại về việc cho nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 35% cổ phần với doanh nghiệp xăng dầu trong nước.

 

Lo ngại nhà đầu tư nước ngoài ‘đi đêm’ sở hữu cổ phần doanh nghiệp xăng dầu - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến góp ý cân nhắc việc cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 35% cổ phần xăng dầu – Ảnh: N.KH.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công thương, trên cơ sở xét đề nghị của bộ về việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp bộ ngành và các doanh nghiệp liên quan tổ chức họp rà soát lại toàn bộ nội dung của dự thảo.

Trong đó, lưu ý các ý kiến góp ý của Bộ Công an và Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, ông Nguyễn Lộc An – phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) – và một số ý kiến khác trên tinh thần cầu thị, xem xét toàn diện các khía cạnh của dự thảo nghị định.

Đảm bảo tính khả thi, đánh giá tác động kinh tế – xã hội đầy đủ, đảm bảo lưu thông, không xảy ra xáo trộn, dư luận bất lợi, giải trình cụ thể, tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong tháng 12-2020.

Trước đó, ông Nguyễn Lộc An – từng phụ trách quản lý lĩnh vực xăng dầu – có văn bản gửi Thủ tướng góp ý và kiến nghị về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 83.

Trong đó, ông An đặt vấn đề về việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu mà dự thảo đưa ra với tỉ lệ 35% cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, quy định pháp luật liên quan đến hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì không có quy định đối với kinh doanh mặt hàng xăng dầu.

“Theo quy định của pháp luật trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối xăng dầu nói chung. Các cam kết và quy định pháp luật này nhằm bảo đảm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước không bị chi phối bởi doanh nghiệp nước ngoài, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, bảo đảm cho an ninh năng lượng quốc gia do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là huyết mạch của nền kinh tế” – ông An nêu quan điểm.

Cũng trong báo cáo góp ý về một số vấn đề liên quan an ninh trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 83 do Bộ Công an gửi Thủ tướng, đặt ra lo ngại việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần không quá 35%, nên yêu cầu phải đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách vì không thống nhất với chủ trương của Đảng, Nhà nước khi đàm phán, ký kết hiệp định thương mại là chưa mở cửa thị trường xăng dầu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bộ này, khi nhà đầu tư nước ngoài đã nắm 35% cổ phần chỉ cần “đi đêm”, núp bóng cổ đông khác mua thêm tối thiểu 16% cổ phần nữa là được quyền điều hành doanh nghiệp.

“Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Một số doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài bằng các thủ đoạn khác nhau đã sở hữu nhiều bất động sản tại Việt Nam. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nếu để nước ngoài điều hành thì khó có thể phục vụ trong điều kiện giá dầu thế giới biến động bất lợi hoặc phân phối, kinh doanh địa bàn vùng sâu vùng xa” – Bộ Công an nêu.

N.AN
TTO