23/12/2024

Người bị bệnh tim mạch nên kiêng ăn gì?

Người bị bệnh tim mạch nên kiêng ăn gì?

Với người bị bệnh tim mạch, chế độ ăn uống rất quan trọng. Nhiều người bệnh chỉ vì thiếu kiêng khem, hoặc ăn kiêng sai cách khiến bệnh tình ngày một xấu đi.

 

Người bị bệnh tim mạch nên kiêng ăn gì? - Ảnh 1.

Bác sĩ Đặng Duy Phương – Phó khoa tim mạch can thiệp (Viện Tim TP.HCM) – Ảnh: HOÀNG LỘC

Bác sĩ Đặng Duy Phương – Phó khoa tim mạch can thiệp (Viện Tim TP.HCM) cho biết với người bị bệnh tim mạch, chế độ ăn uống cực kỳ quan trọng. Bởi đây không chỉ là chuyện phòng ngừa, điều trị bệnh mà còn giúp cơ thể người bệnh khỏe mạnh đủ sức phòng chống lại các tiến triển nặng của bệnh.

Theo đó, người bệnh cần kiêng ăn mặn, ăn béo, ăn ngọt và phải có một chế độ tập luyện hợp lý.

Không ăn mặn, tức là người bệnh không nên ăn lượng muối quá nhiều vào cơ thể (không quá 6 gram/ngày). Khi nấu ăn hàng ngày, hạn chế nêm nếm mặn, ngọt. Đặc biệt khi lên bàn ăn không nên chấm thêm các loại đồ chấm khác như nước mắm, nước tương.

Không ăn các loại thực phẩm nhiều chất béo như lòng đỏ trứng gà, sữa, phô mai, gan lòng, da gà, da heo.

Với người bệnh tim mạch, một vấn đề cần hết sức chú ý là bệnh tiểu đường kèm theo. Do đó không nên nạp nhiều thức ăn ngọt như nước ngọt, các loại chè ngọt. Nếu nạp quá nhiều, lượng đường trong máu tăng, một thời gian dài sẽ tiến triển thành bệnh tiểu đường.

Người bị bệnh tim mạch nên kiêng ăn gì? - Ảnh 2.

Thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch, mạch vành – Ảnh: T.T

Về thức uống, người bệnh tim mạch không nên sử dụng rượu bia. Nếu bắt buộc phải uống, nên uống lượng vừa phải và không uống liên tục. Cụ thể với nam, lượng bia uống trong ngày không quá 2 lon, không quá 300ml rượu vang, không quá 100ml rượu mạnh. Còn đối với nữ thì chỉ nên bằng 1/2 so với nam.

Một vấn đề vô cùng quan trọng với người bị tim mạch là tuyệt đối không hút thuốc lá. Bởi thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch, mạch vành; khói thuốc rất có hại cho tim mạch, hô hấp, phổi.

“Người bệnh cũng nên tránh hút thuốc thụ động (ngửi từ người khác). Đồng thời tăng cường ăn rau xanh, có chế độ luyện tập phù hợp (đi, chạy bộ) sẽ giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn”, bác sĩ Phương khuyến cáo.

Phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh có nên sinh con?

Bác sĩ CKII Lê Thị Đẹp – Trưởng khoa nội tim mạch (Viện Tim TP.HCM) cho biết đa số những bé gái bị bệnh tim bẩm sinh khi được “sửa chữa” từ lúc còn nhỏ có thể phát triển bình thường như những người khác. Các bé lớn lên có thể cưới chồng, mang thai sinh con bình thường.

Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp bệnh tim bẩm sinh đảo lộn nhiều tầng phức tạp. Cho dù được “sửa chữa”, trường hợp này rất khó được như người bình thường.

“Tùy vào tình hình thực tế, các bác sĩ sẽ xếp loại nguy cơ từ 1-4 để khuyến cáo gia đình. Với trường hợp được xếp nguy cơ ở mức 4, bé gái lớn lên không nên có thai, bởi việc có thai có thể là gánh nặng rất lớn cho sức khỏe, thậm chí gây tử vong cho mẹ”, bác sĩ Đẹp khuyến cáo.

HOÀNG LỘC
TTO